13/11/2016 12:54 GMT+7

Safari Doctors không sợ khủng bố

D.KIM THOA (Theo CNN) (duongkimthoa@tuoitre.com.vn)
D.KIM THOA (Theo CNN) (duongkimthoa@tuoitre.com.vn)

TTO - Vùng bờ biển phía đông Kenya là nơi đầy nguy hiểm. Từng một thời là điểm đến du lịch hút khách, ngày nay mọi người được cảnh báo nên tránh xa vì lo sợ các nhóm khủng bố.

Chị Umra Omar (ngồi viết) đang thăm khám sức khỏe cho những người dân ở vùng hẻo lánh của Kenya - Ảnh: Discoveringkenya
Chị Umra Omar (ngồi viết) đang thăm khám sức khỏe cho những người dân ở vùng hẻo lánh của Kenya - Ảnh: Discoveringkenya

Những người khác tìm đường chạy đi. Nhưng chị Umra Omar vẫn thường xuyên trở lại.

Ở vùng quần đảo hẻo lánh gần biên giới giữa Kenya và Somalia, quần đảo Lamu, các nhóm cứu trợ đã ngừng hoạt động và cơ sở hạ tầng họ bỏ lại đang dần đổ nát.

Tại ngôi làng đó có hai cộng đồng người Bajuni và Boni là những tộc người bản xứ. Có những người cả đời không đi đâu khỏi làng, thậm chí chưa từng biết lội nước.

Ở đó cũng có những ngôi làng mà trong khoảng cách có thể đi bộ được, không có bất cứ ngôi trường nào. Lamu là hạt duy nhất ở Kenya có gần 1km đường trải nhựa.

Chị Omar cho biết: “Chúng tôi có cả thảy 6 ngôi làng hoàn toàn không được tiếp cận với dịch vụ chăm sóc sức khỏe”.

Chị Omar và nhóm Safari Doctors do chị sáng lập đã tìm đủ mọi cách - bằng thuyền, bằng đường bộ và đường hàng không - để đưa thuốc men và chăm sóc sức khỏe đến những người dân sống ở khu vực nguy hiểm này.

Chị chia sẻ: “Sợ ư? Không. Nó chỉ nguy hiểm nếu anh cảm thấy thực sự bị đe dọa. Còn nói thẳng thì chúng tôi không cảm thấy mình đang làm việc gì đó có thể khiến chúng tôi trở thành đối tượng bị đe dọa hay tấn công, bởi vì không có mục đích bí mật nào khác hơn sự sống đằng sau những việc làm đó”.

Người phụ nữ 33 tuổi người gốc Kenya chia sẻ từng có rất nhiều người hỏi chị tại sao chị lại tới đây, tại sao phải làm như vậy, sao không ở nhà cho an toàn... Đúng là Omar hoàn toàn có thể lựa chọn sống tiếp với giấc mơ Mỹ mà trải qua bao cực nhọc chị mới tạo dựng nên.

Lớn lên tại Kenya nhưng Omar đã giành được bằng cử nhân về khoa học thần kinh và tâm lý học tại Trường cao đẳng Orberlin tại bang Ohio năm 2006.

Sau khi nhận được bằng thạc sĩ, chị tìm được công việc toàn thời gian tại thủ đô Washington D.C.

Nhưng rồi như lời chị chia sẻ, chị cảm thấy mình không phù hợp với cuộc sống đó, chị muốn trở về quê hương. Mong muốn đó trở thành hiện thực năm 2010. “Nó giống như là sự thôi thúc trách nhiệm vậy” - chị nói.

Trên hành trình trở về ngôi làng thời thơ ấu trên quần đảo Lamu, chị được nghe kể về một dự án cứu trợ y tế đã bị bỏ dở chỉ vì những người thực hiện nó lo sợ về tình trạng an ninh trước tình hình trỗi dậy của nhóm khủng bố Al- Shabaab.

Bởi điều đó mà tổ chức Safari Doctors của chị đã ra đời sau đó. Ngày nay, Safari Doctors đã hỗ trợ miễn phí các dịch vụ chăm sóc y tế cơ bản, trong đó có tiêm phòng, chăm sóc sức khỏe cho các thai phụ, sản phụ, điều trị sốt rét và các bệnh phổ biến khác trong vùng, cho hơn 1.000 người mỗi năm.

Bất chấp nguy hiểm và bất kể hiện tại bản thân đang mang bầu 6 tháng và còn có một đứa con khác đang tuổi chập chững, cứ hai tháng một lần, chị Omar vẫn cùng mọi người mang thuốc men tới thăm khám cho những người dân đang rất cần họ.

Chị bảo chuyện mang thai chẳng có lý do gì khiến chị phải tạm ngừng những công việc này. Người mẹ trẻ nói đùa: “Tôi nghĩ đứa trẻ này cũng là một em bé của Safari Doctors!”.

D.KIM THOA (Theo CNN) (duongkimthoa@tuoitre.com.vn)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên