20/04/2017 01:13 GMT+7

Sáng kiến trẻ từ Z113

MY LĂNG
MY LĂNG

TTO - Z113 (Tổng cục Công nghiệp quốc phòng) là nhà máy chuyên sản xuất đạn nhọn cho bộ binh và sửa chữa các loại đạn pháo trang bị cho quân đội. Không chỉ có những kỹ sư giỏi, Z113 còn sở hữu những công nhân xuất sắc.

Tổ trưởng Trần Văn Cao (phải) trao đổi với một đồng nghiệp - Ảnh: MY LĂNG
Tổ trưởng Trần Văn Cao (phải) trao đổi với một đồng nghiệp - Ảnh: MY LĂNG

“Phải tuyệt đối an toàn vì nghề rất nguy hiểm, sơ sẩy một tí là mất chân mất tay, là quấn người vào máy ngay. Nghiên cứu kỹ bản vẽ, đọc sai là sẽ làm ngược, mất chuẩn, là bỏ đi luôn cả phôi thép, rất tốn kém, lãng phí và ảnh hưởng tiến độ sản xuất. Đó là kinh nghiệm mấy chục năm của thế hệ đi trước mà thế hệ sau chúng tôi luôn nằm lòng

Công nhân TRẦN VĂN CAO

Đại úy Nguyễn Xuân Kính, công nhân phân xưởng dụng cụ của Nhà máy Z113, là một trong những gương mặt nổi bật của Nhà máy Z113. Năm 2016, nhà máy có 120 chiến sĩ thi đua trên tổng số gần 2.000 cán bộ, công nhân viên thì anh Nguyễn Xuân Kính là 1 trong số 120 người được danh hiệu ấy. 11 năm liên tục, anh luôn đạt danh hiệu này.

Trợ lý tuyên huấn của Nhà máy Z113 cho biết gần 20 năm qua, chưa quá 5 người của nhà máy được 2 lần là chiến sĩ thi đua cấp toàn quân. Vậy mà anh chàng công nhân ấy cũng đã 2 lần “ẵm” danh hiệu này.

Từ anh công nhân trồng dâu nuôi tằm

Đại úy Kính là công nhân khai thác và vận hành rất hiệu quả các loại máy công nghệ cao như máy cắt dây CNC EST 400, máy xung tia lửa điện CNC FANUC, máy phay CNC. Mỗi năm, anh đều có 2-3 sáng kiến có giá trị và được áp dụng vào thực tiễn. Điều đặc biệt của anh chàng công nhân này là không được đào tạo qua nghề cơ khí hẳn hoi như những người khác mà vào nhà máy làm sau khi vừa học hết cấp III.

Đã thế, xuất phát điểm lại là một người đảm nhiệm việc trồng dâu nuôi tằm, tăng gia sản xuất sau đó chuyển qua phân xưởng sản xuất thuốc nổ, được tham gia lớp học tại chức nghề hóa nổ. Tan tầm mỗi ngày, từ 19h-21h, Nguyễn Xuân Kính lại cặm cụi lên lớp học.

Hoàn thành khóa học sau một năm, sau 4 năm công tác tại phân xưởng sản xuất thuốc nổ, anh được chuyển về phân xưởng dụng cụ. “Về đây các loại máy lại đòi hỏi phải có trình độ, kiến thức về lập trình và điều khiển toàn tự động hóa nên thời gian đầu rất khó khăn. Mình tự học rất nhiều và may mắn được những người đi trước nhiệt tình hướng dẫn” - đại úy Kính kể.

Anh không nhớ hết mình có bao nhiêu sáng kiến, trong đó có hai sáng kiến anh thích nhất. Đó là thiết bị tự động quay điện cực đảo chiều xung máy xung tia lửa điện và sáng kiến thêm chức năng tự động dừng động cơ khi đứt dây cho máy cắt dây tia lửa điện.

“Với sáng kiến thứ nhất, khi chưa có thiết bị này, khi gia công các loại khuôn mẫu để làm dập ra đầu các viên đạn theo ý đồ của người thiết kế thì phải hoàn toàn gia công bằng tay và phải làm trước khi nhiệt luyện mà độ chính xác và đảm bảo kỹ thuật không cao. Giờ có thiết bị này, cho phép gia công sau nhiệt luyện, độ chính xác cao và đạt được tính kỹ thuật như mong muốn” - anh Kính giải thích. Thiết bị này đã được áp dụng vào nhiều sản phẩm đạn trong sản xuất hàng loạt của nhà máy.

“Với sáng kiến thứ hai, trước đây khi công nhân không có mặt, nếu gặp sự cố đứt dây, máy không dừng được và làm hỏng toàn bộ cuộn dây. Từ khi mình nghĩ ra chức năng này cho máy, gần như không phải tốn nhân công đứng canh máy. Khi có sự cố, máy sẽ tự động ngắt, giữ được an toàn cho máy và tiết kiệm vật tư” - anh chia sẻ.

Trước đó, suốt một thời gian rất dài, chiếc máy này đã ngừng hoạt động vì hỏng hóc. Kính nghĩ cách, bàn bạc với các kỹ sư khôi phục làm cho máy hoạt động trở lại và thêm chức năng tự động quay điện cực khi đảo chiều xung. “Sáng kiến không phải chỉ là những cái lớn, mà từ những cái nhỏ hằng ngày để công việc thuận lợi hơn, nhanh chóng hơn” - anh Kính nói.

“Bàn tay vàng” của Nhà máy Z113

Anh công nhân Trần Văn Cao (tổ trưởng sản xuất của phân xưởng cơ điện) là thế hệ thứ hai trong gia đình làm việc ở nhà máy. Cha anh từng là công nhân phân xưởng năng lượng, đã nghỉ hưu. Ngày đó, khi nhiều lần cầm roi bắt cậu con trai vào xưởng học, chắc ông không nghĩ đến một ngày con trai mình lại trở thành “Bàn tay vàng” của nhà máy và cả toàn quân.

“Ở quê, mình chỉ biết ruộng đồng, cấy lúa, hết cấp III lên đây theo bố. Lúc đầu mình chẳng biết nghề phay là gì, vào đây làm gia công cơ khí, ban đầu cũng “lười”. Bố bảo không học thì làm được gì. Sau này vào làm lại khác, cứ thấy cái nào khó là lại mê, quyết tâm phải làm bằng được. Anh em ở đây rất đoàn kết, khó khăn cùng nhau khắc phục, không giấu nghề. Những bản vẽ gia công khó mình lại vào phòng hỏi sếp Lâm (đại úy Hoàng Ngọc Lâm - quản đốc phân xưởng cơ điện) để nhờ tư vấn” - anh Cao nói.

Anh từng gia công các chi tiết phức tạp trong nhiệm vụ sửa chữa, cải tạo chuyển đổi các thiết bị sản xuất đạn con K53, K56, K51 cũng như các chi tiết sửa chữa, dự phòng cho các dây chuyền sản xuất trong nhà máy. Như lần gia công hai đầu trượt máy vuốt sản xuất vỏ đạn là một thử thách. Từ phôi thép có kích thước lớn (300 x 250 x 150mm), nặng đến nỗi phải cẩu mới nhấc được lên máy, tổ của anh Cao phải lựa chọn nhiều phương án, gia công nhiều bước khác nhau để làm ra một chi tiết có hình dạng phức tạp và độ chính xác cao.

Anh kể: “Một cục thép đó chúng tôi phải gia công trong 22 ngày, phay xong rồi mài để tạo chuẩn. Lần đó gia công 2 đầu trượt. Mất 44 ngày mới xong. Giai đoạn nhà máy rất căng về tiến độ sản xuất. Mà công việc của tổ là giai đoạn quyết định. Nhà máy treo giải thưởng hàng trăm triệu đồng cho những phân xưởng đáp ứng kịp tiến độ và chất lượng. Phân xưởng của mình là một trong những đơn vị giành được giải thưởng đó”.

MY LĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên