25/03/2017 09:00 GMT+7

Mẹ hỏi 'cho đi học kỹ sư, giờ lại nuôi heo sao con?'

HUỲNH HÀ - TRƯỜNG TRUNG
HUỲNH HÀ - TRƯỜNG TRUNG

TTO - Ngày Phạm Minh Công mang sản phẩm về nhà, mẹ lắc đầu: “Nhà cho con đi học kỹ sư là để sau ni có nhà, có xe hãnh diện với bà con họ hàng. Giờ lại quay về với việc chăn nuôi heo là sao hả con?”.

Minh Công bên chiếc máng ăn tự động cho heo do mình sáng chế - Ảnh: HUỲNH HÀ
Minh Công bên chiếc máng ăn tự động cho heo do mình sáng chế - Ảnh: HUỲNH HÀ

Thế nhưng qua quá trình mày mò nghiên cứu, giờ đây cái máng heo của Phạm MInh Công - Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) lại đang tràn trề cơ hội đưa ra thị trường.

Công là anh cả trong gia đình có ba anh em ở huyện miền núi tỉnh Quảng Nam. Nhà đậm chất quê, cả năm miệng ăn gia đình phụ thuộc cả vào bầy heo hơn 100 con lớn nhỏ.

Chiếc máng ăn tự động

“Nói thiệt ba má cũng chẳng nhờ vả mình chuyện thái rau, nhưng ngày nhỏ cứ thấy má quần quật với chuồng trại là tôi lại lao vào. Kinh tế gia đình, chuyện ăn học, sách vở phụ thuộc cả vào heo nên ngay khi đậu đại học, tôi có ý định làm sản phẩm gì liên quan đến chuồng trại. Cái máy tự động cho heo ăn ra đời từ đó” - Công kể.

Để có tiền mua linh kiện điện tử, thiết bị lập trình, chàng sinh viên này làm đủ công việc. Từ gia sư, bán quán nhậu đến bưng bê cà phê mỗi khi có thời gian rỗi.

Tháng 3 năm ngoái, chiếc máng ăn tự động cho heo phiên bản đầu tiên ra đời từ số tiền tích cóp và các vật dụng có sẵn của gia đình như thau nhôm, thanh sắt tự hàn... Chiếc máng dạng phễu có thể chứa khối lượng cám tối đa lên đến 50kg, bên dưới là chỗ đổ thức ăn xuống.

Cơ chế hoạt động chiếc máng ăn rất đơn giản. Trên mỗi máy sẽ được lắp đặt một thiết bị điều khiển cho phép người nuôi xác định lượng cám, thời gian cho heo ăn. Chiếc máng này có thể chịu va đập và có cơ chế thay thế thức ăn bằng nước.

Theo Công, hiện nay trên thị trường cũng có một loại máy cho heo ăn nhưng cơ chế hoạt động là do heo quyết định (heo đói thì đến giật dây) nên gây lãng phí cám.

“Hạt giống” đầy tiềm năng

Suốt ba tháng thử nghiệm (bằng thời gian phát triển của một lứa heo) trong chuồng heo gia đình, Công tỉ mẫn ghi chép và rút kinh nghiệm. Kết quả là nhờ chiếc máng heo này mà giá thành chăn nuôi được giảm xuống do giảm nhân công lao động.

Riêng hao phí thức ăn giảm từ 20-30%. Đây là những đặc tính nổi bật giúp sản phẩm có khả năng cạnh tranh trên thị trường giúp Công tự tin thêm bước nữa.

Công mang chiếc máng heo tham gia cuộc thi Bánh xe khởi nghiệp (Startup Wheel) do Trung tâm Hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp tổ chức, vào top 60/624 dự án.

Sau cuộc thi này, Công có thêm hai người bạn là Trần Thanh Long (ĐH Bách khoa) và Lê Thị Phương Thy (ĐH Kinh tế) cũng đang trên con đường “dấn thân” vào một dự án khởi nghiệp dài hơi.

Chiếc máng ăn tự động đã mang về cho Công khá nhiều giải thưởng, trong đó có giải nhất chung khảo khu vực miền Trung cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp sinh viên do Hội Sinh viên VN tổ chức.

Theo ông Trần Vũ Nguyên, giám đốc vườn ươm doanh nghiệp Đà Nẵng, dự án trên là một “hạt giống” đầy tiềm năng; trong trường hợp có thể phát triển phong phú thêm các chức năng sẽ có khả năng thương mại hóa và mang về lợi nhuận kinh tế cao.

Tháng 2-2017, Công ty cổ phần Sản xuất thương mại thiết bị tự động SE chuyên sản xuất máng heo của Công đã ra đời. Mục tiêu của Công khi thương mại hóa chiếc máng heo tự động là nhắm đến các hộ gia đình chăn nuôi nhỏ, rồi sau đó tìm đối tác là các trang trại tập trung.

Bộ ba Công - Long - Thy đã lắp đặt thử nghiệm chiếc máng này cho một số hộ chăn nuôi ở xã Hòa Khương (huyện Hòa Vang, Đà Nẵng).

HUỲNH HÀ - TRƯỜNG TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên