16/03/2017 15:00 GMT+7

Mỗi tháng dư 1 triệu đồng, khi nào mới mua được nhà?

MAI HƯƠNG
MAI HƯƠNG

TTO - 'Hàng tháng tôi để dành được 1 triệu đồng. Làm mòn mỏi 10 năm mới có được 120 triệu đồng. Mà nhà ở TP.HCM ở vùng ven cũng lên tới tiền tỉ. Biết bao giờ công nhân chúng tôi mới mua được căn nhà?'.

Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Quyết Tâm trao đổi cùng công nhân - Ảnh: Tự Trung

“Tổng thu nhập của tôi là 4,8 triệu đồng/ tháng. Sau khi chi tiêu dè xẻn cho các nhu cầu ăn, ở, sinh hoạt, hàng tháng tôi chỉ để dành được 1 triệu đồng. Một năm dư được 12 triệu đồng. Làm mòn mỏi 10 năm mới có được 120 triệu đồng. Mà nhà ở TP.HCM ở vùng ven cũng lên tới tiền tỉ. Biết bao giờ công nhân chúng tôi mới mua được căn nhà?” - công nhân Nguyễn Thị Quyên, Công ty TNHH Đỉnh Cao đặt ra bài toán như vậy gửi đến Thường trực HĐND TP.HCM tại buổi đối thoại diễn ra ngày 16-3.

Đây là chương trình đối thoại giữa Thường trực HĐND TP.HCM với cử tri là thanh niên công nhân. Tham dự còn có lãnh đạo các sở, ban, ngành đoàn thể của TP.

Chị Quyên cho biết thêm bản thân chị chưa lập gia đình. Với những công nhân có gia đình, con cái thì đời sống còn chật vật hơn với hàng loạt chi phí tiền tã, sữa, ốm đau, trường lớp cho con. 

"Nếu đi thuê nhà cho cả gia đình, công nhân chúng tôi phải tốn hết gần 50% thu nhập, không còn tiền tích luỹ phòng khi ốm đau bệnh tật hay sự cố bất ngờ", chị Quyên phản ánh. 

Chị Quyên và nhiều công nhân khác mong muốn TP.HCM có chính sách tạo điều kiện cho công nhân được mua nhà giá rẻ.

Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Quyết Tâm tặng quà cho công nhân - Ảnh: Tự Trung

Về vấn đề này, Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM Trần Trọng Tuấn chia sẻ với những khó khăn mà anh chị em công nhân đang gặp phải, đồng thời khẳng định TPHCM đang tích cực triển khai các giải pháp để có thêm nhiều nhà ở xã hội, nhà ở dành cho người thu nhập thấp. 

Ông Tuấn cho biết kết quả khảo sát gần đây của Viện Nghiên cứu và phát triển TPHCM cho thấy toàn TP có khoảng 80.000 hộ gia đình và cá nhân có nhu cầu nhà ở. Trong đó có 17.000 nhu cầu đến từ công nhân các KCX - KCN, 10.000 nhu cầu của công nhân, viên chức, người lao động. Nhu cầu về nhà ở của công nhân, lao động cũng khá đa dạng. Có 17,4% mong muốn có căn hộ rộng từ 25m2- dưới 40m2; Có 40,5% người lao động mong muốn có nhà ở diện tích từ 40-60m2. Còn lại thì mong muốn có nhà rộng từ 60m2 trở lên. 

Riêng với câu hỏi: "TPHCM có thể xây nhà giá 100 triệu đồng cho công nhân như tỉnh Bình Dương làm hay không?", ông Tuấn khẳng định TP.HCM có thể làm được nếu đáp ứng đủ một số điều kiện:

Thứ nhất: chi phí xây nhà không tính chi phí về đất đai, các nghĩa vụ tài chính về quyền sử dụng đất, chi phí giải phóng mặt bằng...

Thứ hai: chi phí nhà không tính kèm chi phí về cơ sở hạ tầng như đường sá, điện, nước, cây xanh... Như vậy, nhà 100 triệu đồng với diện tích 25m2, suất đầu tư 4 triệu đồng/m2 là có thể thực hiện được

Giám đốc Sở Xây dựng Trần Trọng Tuấn phát biểu tại buổi gặp gỡ - Ảnh: Tự Trung

Ông Tuấn thông tin thêm lãnh đạo TP.HCM, Sở Xây dựng TP đã đến Bình Dương khảo sát, học hỏi kinh nghiệm làm nhà 100 triệu đồng và thấy rằng Bình Dương làm được vì khu vực xây đã có sẵn quỹ đất, chi phí giải phóng mặt bằng, đầu tư hạ tầng kỹ thuật không tính vào chi phí nhà ở. Toàn bộ chi phí này được tính vào chi phí đầu tư khu công nghiệp".

"Sở Xây dựng TP đã chủ động rà soát và chỉ ra một số vị trí có thể triển khai làm nhà 100 triệu đồng. Quan điểm của TPHCM là việc xây dựng loại hình này phải gắn với các KCX-KCN để phục vụ cho công nhân"- ông Tuấn nói. 

Bên cạnh đó, ông Tuấn cũng cho biết TP vẫn chủ trương phát triển loại nhà ở xã hội. Dự kiến đến năm 2020 sẽ có khoảng 30.000 căn nhà ở xã hội hoàn thành và đưa vào sử dụng phục vụ cho nhu cầu về chỗ ở của công nhân, người lao động. 

Tăng ca không phải là mong muốn của người lao động

Trong chương trình, nhiều công nhân chia sẻ áp lực tăng ca khiến họ không còn thời gian, sức lực cho việc chăm sóc gia đình, bản thân và tái tạo sức lao động. Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động TPHCM Trần Đoàn Trung chia sẻ với khó khăn này của người lao động nhưng nói thêm:

“Ở góc độ doanh nghiệp: tăng ca cũng không phải là việc nằm trong mong muốn của họ. Bởi vì khi tăng ca sẽ tăng thêm rất nhiều chi phí của doanh nghiệp chứ không chỉ là tăng tiền lương”

Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm tranh luận: “Tôi đồng ý với anh Trung tăng ca là nhu cầu có thật. Nhưng nhu cầu đó không phải là mong muốn của anh chị em công nhân. Họ buộc phải tăng ca bởi vì  không tăng ca  thì công nhân lấy gì để sống. Nhưng tăng ca liên tục đến 9-10 giờ đêm thì sức khỏe sẽ  bị vắt kiệt”.

Theo bà Tâm, có những lúc đơn hàng gấp, công nhân phải phối hợp với doanh nghiệp để hoàn thành kế hoạch sản xuất. Nhưng cái gốc vấn đề là làm sao cho công nhân chỉ cần làm vừa sức vẫn có thu nhập đảm bảo cuộc sống chứ không cần tăng ca kiệt sức.

“Lợi ích phải hài hòa. Vai trò của công đoàn là thể hiện ở đây. Làm sao cho lợi ích của doanh nghiệp được bảo đảm đồng thời không ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, tâm lý người lao động”- bà Tâm nói.

MAI HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên