13/08/2016 09:08 GMT+7

Giấc mơ blouse trắng bên hồ Lắk

THÁI BÁ DŨNG
THÁI BÁ DŨNG

TTO - “Năm ngoái ngành em đăng ký theo học lấy 25 điểm, vừa rồi thi được 25,7 điểm. Em đoán mình sẽ đậu nên cả mấy tuần nay đang phụ anh đi chăn vịt kiếm tiền chuẩn bị đi học”.

Thiệt cùng bố, chị gái mắc chứng bệnh thần kinh trong ngôi nhà của mình bên hồ Lắk - Ảnh: B.D.
Thiệt cùng bố, chị gái mắc chứng bệnh thần kinh trong ngôi nhà của mình bên hồ Lắk - Ảnh: B.D.

Cậu học trò gầy khô, mong manh Đặng Văn Thiệt (thôn Đoàn Kết 1, xã Buôn Triết, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk) chia sẻ về tâm trạng háo hức đợi ngày công bố điểm chuẩn vào ngành bác sĩ đa khoa Trường ĐH Tây nguyên.

Ngôi nhà ngây dại

Cô Nguyễn Thị Lan Anh - một giáo viên trẻ mới về nhận công tác tại Trường THPT huyện Lắk - nói đã bất ngờ khi biết cậu học trò Đặng Văn Thiệt mà cô thật sự “hâm mộ” về mức độ thông minh là một học sinh có hoàn cảnh đặc biệt: mẹ mất khi Thiệt đang học lớp 10, bố đã gần 80 tuổi, lại mang trong mình trọng bệnh.

Cả gia đình tá túc trong túp lều tạm bợ bên hồ Lắk - một điểm du lịch nổi tiếng tại Đắk Lắk. Người chị kế của Thiệt mắc bệnh thần kinh, tâm tính không ổn định, hay la hét đập phá vào những lúc trái gió trở trời.

Con đường vào nhà Thiệt đã được bêtông hóa theo chương trình nông thôn mới phẳng lì. Chỉ có hai ngôi nhà sơ sài nằm thấp dưới mép taluy đường. Thiệt ngại ngùng, nói: “Nhà em đây, nhà anh trai của em cũng ở đây. Hai nhà giống nhau, kề bên”.

Anh trai Thiệt là Đặng Văn Thành, kể về em mình với giọng nói đứt đoạn, thở dốc vì anh Thành đang mang trong mình chứng bệnh phổi.

“Nghe Thiệt nó thi điểm cao thế thì mừng lắm, nó chọn học làm bác sĩ tụi tui cũng mừng, mấy hôm nay cả nhà ngồi bàn với nhau là dù có đi chăn vịt hay đi làm mướn cũng ráng cho em nó theo nghề. Bảy đứa con không có ai học qua lớp 10, chỉ có mỗi mình nó, lại là út nên thương đứt ruột”.

Nghe con trai kể chuyện, ông Đặng Thao - bố của Thiệt - nhìn chằm chằm vào miệng con mình để cố nghe rõ từng lời. Ông bị nặng tai.

Khi anh Thành ghé vào tai ông hét lớn: “Con nói là mấy anh chị vất vả thế nào cũng ráng cho em nó đi học”, ông Thao gật gật rồi nhìn ra hồ Lắk, nước mắt rơm rớm. Ông Thao nhiều năm bệnh tật, ăn uống kham khổ nên người mỏng manh, gầy nhợt.

Câu chuyện giữa mấy người trong gia đình thỉnh thoảng lại bị ngắt quãng bởi tiếng cắt ngang khù khờ, ngây dại của người chị gái Thiệt.

“Chị em bị vậy từ khi nhỏ tới giờ, 28 tuổi rồi nhưng chưa biết làm gì, suốt ngày đánh nhau với trẻ con. Có dạo chị mắc bệnh nặng, giữa đêm đang ngủ bỗng xô cửa chạy ra đi lang thang quanh xóm, rồi leo lên cây ngồi làm cả nhà phải thức cả xóm dậy đi tìm” - Thiệt kể.

Giấc mơ blouse trắng

“Từ nhỏ đến lớn em chưa lúc nào nghĩ sau này mình sẽ chọn học ngành y, em ước mơ làm thầy giáo để về dạy cho những đứa trẻ trong làng. Nhưng năm em học lớp 10, chứng kiến mẹ đau bệnh, nằm chờ đợi cái chết vì không có tiền mua thuốc, em đã thay đổi ý định” - Thiệt nói.

Hỏi về thu nhập của cả gia đình, cả Thiệt và anh trai ngồi nhẩm cộng: nhà có bốn sào ruộng, mẹ mất, cha yếu nên phải cho thuê một năm được 35 triệu đồng.

Chừng đó chia cho bốn miệng ăn. Ăn chưa đủ nên nhà của Thiệt làm mấy chục năm nay giờ bốn bề thưng đắp bằng nilông, ván gỗ chằng chịt.

“Mấy hôm thằng anh của Thiệt nó đi chăn vịt rồi bảo dành tiền về sửa lại cái nhà bếp, thay mái tôn nhà trên chứ mưa xuống nhà chẳng hơn bên ngoài là mấy. Nhưng chỉ đủ tiền xây gạch bốn bức tường lên để mưa đỡ tạt thôi, tiền mua tôn không đủ” - anh Thành kể.

Hoàn cảnh quá ngặt nghèo nên từ năm lớp 10 Thiệt được chị gái đưa qua bên kia sông Krông Ana, giáp với trung tâm huyện Lắk, để ở và tiện theo học cấp III.

Nhà vợ chồng chị gái cũng hoàn cảnh chẳng kém, hai vợ chồng chị làm cá trên sông, lúc thì đi làm “thợ đụng” đắp đổi qua ngày.

Hằng ngày Thiệt đi đò qua bên kia sông để đến trường, hành trình nghèo khó kéo dài như thế suốt ba năm cấp III. 12 năm đến trường, Thiệt đều đạt học sinh giỏi toàn diện, kỳ thi học sinh giỏi năm 2015-2016 tỉnh Đắk Lắk, Thiệt là một trong bốn học sinh trong tỉnh đạt giải nhất môn sinh học.

Tôi nhìn bộ quần áo Thiệt đang mặc, cũ kỹ và rách vài chỗ trên vai. Cậu học trò đang trong những giây phút đầy hồi hộp để vào học ngành y, cặp kính dày cộm, đôi mắt hiền lành nhưng có nét u sầu, vì phía trước con đường học còn chông chênh quá...

Ông Lê Quốc Phong thông tin về giải golf và số tiền ủng hộ - Ảnh: D.PHAN
Ông Lê Quốc Phong thông tin về giải golf và số tiền ủng hộ - Ảnh: D.PHAN

Ngày 12-8, tại buổi họp đầu tiên về Giải golf gây quỹ học bổng Tiếp sức đến trường 2016 (dự kiến diễn ra ngày 3-9 do Công ty cổ phần phân bón Bình Điền, báo Tuổi Trẻ, Trung tâm truyền hình Việt Nam tại TP.HCM - VTV9 và Công ty golf Long Thành tổ chức), ban tổ chức cho biết các doanh nghiệp, mạnh thường quân đã cam kết đóng góp khoảng 6 tỉ đồng giúp tân sinh viên nghèo vượt khó.

Chương trình hi vọng tiếp tục nhận đóng góp từ các đơn vị.

Ông Lê Quốc Phong - tổng giám đốc Công ty cổ phần phân bón Bình Điền, trưởng ban tổ chức Giải golf gây quỹ học bổng Tiếp sức đến trường - chia sẻ trước tình hình khó khăn chung, tuy nhiên mỗi người chung tay một ít, cố gắng hơn một chút sẽ giúp được hàng ngàn sinh viên khó khăn.

Chương trình Tiếp sức đến trường năm 2016 do báo Tuổi Trẻ tổ chức dự kiến sẽ trao học bổng cho tân sinh viên trên 63 tỉnh thành của cả nước, với tổng kinh phí gần 10 tỉ đồng.

Mỗi suất trị giá 7 triệu đồng, trường hợp đặc biệt cho những bạn khó khăn có nguy cơ bỏ học nếu không được “tiếp sức” là 10 triệu đồng, trong đó chưa bao gồm chi phí tổ chức, hỗ trợ đi lại cho tân sinh viên...

Trong 8 năm qua, Giải golf gây quỹ Tiếp sức đến trường đã thu được tổng số tiền là hơn 29 tỉ đồng.

Học bổng được trao cho tân sinh viên trên cả nước. Thông qua các trường đại học và cao đẳng, các sở giáo dục - đào tạo, các tỉnh/thành đoàn sẽ phát hiện và giới thiệu các tân sinh viên, đặc biệt chú ý những tân sinh viên trúng tuyển ở các trường trong khu vực là con em ngư dân các tỉnh miền Trung, vùng bị ảnh hưởng bởi đợt hạn mặn và các tỉnh biên giới...

DIỆU NGUYỄN

“Ba năm đi học em không dám vui chơi, thấy bạn bè đi chơi mà mình không có tiền nên cũng tủi thân lắm.

Tiền học được miễn, dành dụm tiền học bổng, tiền thầy cô vận động ủng hộ để mua sách vở, tài liệu ôn thi.

Năm vô lớp 10, chị gái có mua cho một bộ quần áo. Từ đó đến nay đồ đạc không phải mua nữa. Thầy cô, nhà hảo tâm cho em đủ mặc đến giờ

Đặng Văn Thiệt

THÁI BÁ DŨNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên