26/11/2015 08:19 GMT+7

Tiếng Anh cho học trò nghèo

HỒ VĂN (hovanloi@tuoitre.com.vn)
HỒ VĂN (hovanloi@tuoitre.com.vn)

TT - Vào thứ tư và thứ bảy hằng tuần, 25 tình nguyện viên của Công ty sữa TH thay nhau dạy và hỗ trợ thêm tiếng Anh cho học sinh tiểu học hai xã nghèo Nghĩa Lâm và Nghĩa Sơn, huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An.

Các tình nguyện viên đứng lớp hướng dẫn tận tình cho học sinh học tiếng Anh - Ảnh: Hồ Văn
Các tình nguyện viên đứng lớp hướng dẫn tận tình cho học sinh học tiếng Anh - Ảnh: Hồ Văn

Từ hoạt động cộng đồng, chương trình dạy tiếng Anh của đội tình nguyện góp phần thúc đẩy phong trào học tiếng Anh sôi động tại hai xã nghèo, trình độ tiếng Anh của học sinh ngày một nâng cao.

Chương trình tiếng Anh chuẩn

Chúng tôi đến Trường tiểu học Nghĩa Sơn vào lúc các “giáo viên tình nguyện” đang đứng lớp luyện kỹ năng nghe nói tiếng Anh trực tuyến cho học sinh. Trước khi bước vào chương trình chính, giáo viên cho học sinh khởi động bằng các bài hát tiếng Anh, tập các động tác thể dục giản đơn theo video hoạt hình.

Chị Nguyễn Thị Huyền (một tình nguyện viên) cho biết: “Đây là chương trình khởi động nhằm tạo thêm sinh khí và hào hứng cho học sinh trước khi bước vào học chương trình chính, giúp các em say mê học tiếng Anh hơn”.

Sau màn khởi động, học sinh bắt đầu luyện kỹ năng nghe nói theo từng câu hội thoại qua màn hình tivi. Kết thúc bài học, học sinh sẽ nói lại những gì mình nghe hiểu qua câu chuyện bằng đàm thoại tiếng Anh.

Cứ như thế, giáo viên dẫn dắt học sinh “nhập hồn” vào chương trình và tham gia trò chơi bằng tiếng Anh cùng các nhân vật hoạt hình trên màn hình. Ở một lớp học khác, hơn 40 học sinh lại được giáo viên giảng dạy qua máy tính. Các học sinh đều đeo tai nghe đàm thoại bằng tiếng Anh. Sau đó, học sinh sẽ nói lại những từ mình nghe được, hiểu được, những câu đàm thoại nào không hiểu sẽ được giáo viên giảng lại một cách tận tình.

Tình nguyện viên Phan Thị Anh Minh (24 tuổi, tốt nghiệp ĐH Ngoại ngữ Huế) cho biết: “Ngoài công việc, được gặp gỡ, dạy tiếng Anh cho các em mình thấy như có thêm động lực và yêu cuộc sống hơn”. Hầu hết tình nguyện viên đều tốt nghiệp ĐH, có trình độ tiếng Anh tốt vì thường xuyên sử dụng trong môi trường làm việc.

Học sinh thích học hơn

Cô Trương Thị Hải Phòng, hiệu trưởng Trường tiểu học Nghĩa Sơn, cho biết chương trình dạy tiếng Anh của các tình nguyện viên bổ trợ thêm cho chương trình học chính của trường. Từ khi mở các lớp dạy này, học sinh thích học tiếng Anh hơn, phụ huynh rất đồng tình.

“Không chỉ trường chúng tôi mà các trường tiểu học khác đang gặp khó khăn về môn tiếng Anh, giáo viên của trường chỉ là dạy hợp đồng vì không có biên chế nên môn học tiếng Anh không bền vững. Hai năm mở các lớp tình nguyện, tôi thấy tiếng Anh của học sinh nâng cao rõ rệt. Từ khi có các lớp này, trường mạnh dạn cử học sinh tham gia thi tiếng Anh trên mạng (IOE) cấp huyện, cấp tỉnh. Ngay năm đầu tiên dự thi (2014) đã có học sinh đoạt giải và được vào đội tuyển cấp tỉnh, nhiều học sinh đoạt giải cấp huyện, chúng tôi cũng luôn đứng đầu huyện về số lượng học sinh tham dự” - cô Phòng nói.

Cô Đinh Thị Thu Hường, hiệu phó Trường tiểu học Nghĩa Lâm, cho biết nhiều phụ huynh ở các khối lớp 1 và 2 đề nghị trường cho mở thêm các lớp học tiếng Anh do các tình nguyện viên dạy vì hiện chỉ có khối 3, 4, 5 là được học.

Qua ba năm mở các lớp do đội tình nguyện dạy, học sinh được nâng cao kiến thức môn tiếng Anh nhiều, giao tiếp tốt lên rõ rệt. Kết quả này mang lại do các em được tiếp cận với chương trình học mới, chương trình chuẩn quốc tế mà nhiều nước tiên tiến đang áp dụng.

Em Đoàn Duy Khánh (lớp 5, Trường tiểu học Nghĩa Lâm) nói tham gia các trò chơi tiếng Anh thấy lạ “nhưng vui và dễ học lắm”. Và hầu hết học sinh cho biết vui và yêu thích nhất là được tham gia chương trình “Rung chuông vàng” bằng tiếng Anh do các tình nguyện viên tổ chức.

“Chúng tôi cũng đã tập huấn cho giáo viên tiếng Anh các khối tiểu học và THCS, nhưng giáo viên chương trình chính thì cũng chỉ dạy để đủ chương trình. Còn chương trình như hai trường Nghĩa Sơn và Nghĩa Lâm đúng là điểm sáng về phong trào học tiếng Anh, nhưng nhân rộng ra thì không thể vì lấy đâu ra đội tình nguyện viên như thế” - thầy Hồ Phi Bằng, phó trưởng Phòng giáo dục huyện Nghĩa Đàn, cho biết.

HỒ VĂN (hovanloi@tuoitre.com.vn)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên