27/10/2015 08:38 GMT+7

Khi con trai khóc

NGỌC HIỂN
NGỌC HIỂN

TT - “18 tuổi đã là thanh niên, đã trưởng thành, vậy mà tôi đã khóc ngon lành...”, Đỗ Tấn Huynh ngượng nghịu tâm sự.

Đỗ Tấn Huynh phụ mẹ lặt rau trong căn phòng trọ - Ảnh: Ngọc Hiển
Đỗ Tấn Huynh phụ mẹ lặt rau trong căn phòng trọ - Ảnh: Ngọc Hiển

"Hôm ấy, vừa kết thúc buổi làm gia sư thứ ba, chiếc xe đạp cũ được một người tốt bụng tình cờ gặp trên xe đò cho mượn đã không cánh mà bay. Đi bộ về nhà trọ lại bị lạc suốt bốn tiếng đồng hồ do mới vào Sài Gòn nên chân tôi rệu rã. Vừa lúc ấy mẹ cũng về. Mẹ bán báo, bán vé số, đi bộ từ 4 giờ sáng đến 4 giờ chiều, 15 năm rồi mà chân vẫn thoăn thoắt. Lần đầu trong đời tôi thật sự thấu hiểu được nỗi vất vả của mẹ. Nước mắt tôi trào ra...”, Huynh kể.

Mẹ Huynh là bà Nguyễn Thị Tơ (45 tuổi) quê ở thôn Diên Lộc (xã Bình Tân, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi). Căn phòng cũ kỹ, nóng như lò lửa trên tầng 3 ngôi nhà trọ trên đường Nguyễn Bặc (P.3, Q. Tân Bình, TP.HCM) chưa đến 10m2 vừa chứa một bể nước 500 lít và là nơi ăn ở, ngủ nghỉ của bốn con người.

Bà Tơ bày ra giữa nền năm trái dưa leo, một mớ rau tần ô, một ít chả cá và một nhúm thịt heo xay. Tổng chi phí cho bữa ăn này là 28.000 đồng. Đến lúc dọn cơm thì chẳng thấy món chả cá đâu, bà Tơ mới buột miệng: “Món đó tui để cho ngày mai thằng Huynh và chị họ nó ăn”.

Bà Nguyễn Thị Tơ nuôi 3 con ăn học với xấp báo, xấp vé số trên tay - Ảnh: Ngọc Hiển
Bà Nguyễn Thị Tơ nuôi 3 con ăn học với xấp báo, xấp vé số trên tay - Ảnh: Ngọc Hiển

Mới đây, một người đàn ông mua chịu bốn tờ vé số đến hai tháng trời không trả, khi bà đến lấy tiền thì người này cầm dao dọa nạt. Tay chân bủn rủn, bà lấy hết sức chạy một mạch về phòng trọ mà nước mắt đầm đìa. Tủi thân, bà định bỏ về quê nhưng sau lưng còn ba đứa con, đứa lớn chuẩn bị vào đại học nên bà phải ở lại để kiếm tiền.

Hay tin con đậu Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) với số điểm 24,5, bà mừng thầm trong bụng nhưng nước mắt chực trào: “Bán báo, vé số bữa may bữa ế thì không biết lo cho con tới đâu đây, ngoài quê vẫn còn hai thằng đang học nữa”.

Mẹ vào Sài Gòn lúc Huynh chỉ mới hơn 2 tuổi, không đành lòng để chồng nuôi con thơ nên bà Tơ gửi Huynh về bên ngoại. Đến khi Huynh lớn, bà ngoại mất, mẹ sinh thêm hai đứa em nên Huynh về ở với ba.

Năm lớp 8, Huynh đã ra đồng làm mọi công việc như cha mình từ gặt lúa, gánh lúa đến phơi lúa. Huynh và cha thay nhau đi chợ, nấu ăn, giặt giũ mỗi ngày. Vậy mà 12 năm học Huynh đều đạt học sinh giỏi. Lớp 10 Huynh đoạt giải ba học sinh giỏi toán cấp tỉnh, năm lớp 12 giải nhì toán học sinh giỏi và giải khuyến khích giải toán trên máy tính bỏ túi cấp tỉnh.

Chọn học ở Sài Gòn, ngoài lý do gần mẹ, Huynh nói: “Trường nào càng khó, nơi nào càng thách thức thì càng tôi luyện cho bản thân và có cơ hội việc làm khi ra trường”.

Chiếc xe đạp lỡ làm mất, Huynh mang 300.000 đồng trả lại người cho mượn xe, nhưng người tốt bụng này nhất quyết không nhận. Mẹ cho thêm tiền mua chiếc xe đạp cũ, Huynh nói: “Có xe đạp rồi, có sức khỏe, kiến thức nữa, mình sẽ tiếp tục làm gia sư kiếm tiền chứ không thể dựa vào mẹ mãi được”.

“Dù vất vả chăm làm nhưng có lẽ số trời đã định nên cuộc sống chẳng khá tí nào, tôi đành xa quê hương, xa gia đình vào Nam bán báo kiếm tiền lo cho con cái ăn học

Dòng thư của bà NGUYỄN THỊ TƠ gửi báo Tuổi Trẻ
NGỌC HIỂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên