10/04/2015 08:18 GMT+7

​Hiểu lịch sử, thêm yêu thành phố

QUỐC LINH
QUỐC LINH

TT - Tối 10-4, trận chung kết phần thi đội tuyển sẽ khép lại hội thi “Tự hào sử Việt” 2015, một sân chơi tìm hiểu lịch sử do Thành đoàn TP.HCM và báo Tuổi Trẻ tổ chức.

Hiểu lịch sử, thêm yêu thành phố. Trong ảnh: Bưu điện TP.HCM là thắng cảnh có nhiều khách tham quan - Ảnh: Tiến Long

Hội thi có chủ đề “Tự hào 40 năm thành phố tôi yêu” đã thu hút hơn 63.100 thí sinh tham gia, phần lớn là các bạn trẻ.

Càng thêm yêu Sài Gòn

Nguyễn Ngọc Trà My - sinh viên năm thứ 3 (ĐH Y dược TP.HCM), giải khuyến khích chung cuộc - bảo rằng với bạn đây không phải là cuộc thi mà là một cuộc chơi giúp My có thêm nhiều tư liệu về lịch sử TP.HCM. Cô sinh viên ngành điều dưỡng, từng đạt điểm 10 bài thi tốt nghiệp THPT môn lịch sử, cho biết chính cô giáo chủ nhiệm lớp 12 đã truyền cho mình tình yêu lịch sử.

Và khi tham gia cuộc thi này, My không bỏ sót cơ hội tìm hiểu tên các con đường, địa danh thành phố khi có dịp đi qua. “Đã yêu Sài Gòn tha thiết nay lại càng gắn bó hơn” - bạn nói.

Với chàng sinh viên quê Bình Thuận, học chuyên ngành ngôn ngữ Anh ĐH Yersin Đà Lạt (Lâm Đồng) Phan Văn Hợp, người đoạt giải nhì chung cuộc, ấn tượng sâu đậm nhất về Sài Gòn là “một thành phố không ngủ, lúc nào cũng nhộn nhịp”.

Sau hội thi, Hợp nói TP.HCM trong anh còn là nhiều công trình nổi tiếng bắt gặp trong các câu hỏi của hội thi mà chắc chắn phải tìm đến để tận mắt thấy và hiểu hơn giá trị lịch sử.

Hay với thí sinh quán quân của hội thi, bạn Lâm Ngọc Quyên (ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia TP.HCM), TP.HCM đã là một phần gắn bó trong suy nghĩ của một sinh viên từ tỉnh lên trọ học suốt bốn năm qua nên việc tìm hiểu lịch sử TP là trách nhiệm cần phải làm.

Khác với số đông thí sinh đoạt giải chung cuộc, cô điều dưỡng của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Thuận Phan Thị Tường Vy lại nói mình không thích cái ồn ào, nhộn nhịp quá của Sài Gòn nên dù đỗ đại học ở thành phố vẫn xin chuyển điểm về quê học cao đẳng cho yên bình. Nhưng lạ cái càng “ghét” Vy càng tò mò muốn khám phá.

"Mỗi lần có việc vào lại thấy Sài Gòn hay hay, nghe nhạc về Sài Gòn thấy thích thích nên khi biết cuộc thi đã tìm tài liệu đi thi và muốn được trở lại xem thành phố có gì mới không” - Tường Vy lý giải.

Để lịch sử dễ nhớ, dễ học

Từ hội thi này, nhiều thí sinh chia sẻ: việc học và tìm hiểu lịch sử không còn quá nặng nề, “khó nuốt”. Bạn Lê Anh Vũ (ĐH Hoa Sen) - giải ba chung cuộc - cho rằng tổ chức Đoàn giúp thế hệ trẻ hiểu truyền thống, lịch sử dân tộc, địa phương, và đó là cách vun bồi lòng tự hào và tình yêu Tổ quốc.

Theo Vũ, cần có nhiều cách thức học lịch sử như qua sân khấu hóa, clip, đến với bảo tàng, di tích lịch sử, văn hóa để giúp học sinh, sinh viên thấy lịch sử dễ nhớ và gần gũi hơn.

Dẫn câu chuyện khí thế sôi sục của giới trẻ khi sự kiện biển Đông nóng, bạn Phan Ngọc Thành (ĐH Sài Gòn) - giải nhì hội thi - cho rằng chính những bài học lịch sử mới giúp giới trẻ hiểu rõ tình hình để thể hiện thái độ, ý thức và trách nhiệm của mình với Tổ quốc.

Để giới trẻ hứng thú với lịch sử, theo bạn Thành, ngoài việc thay đổi nội dung học trong chương trình chính thức còn rất cần vai trò dẫn dắt, truyền lửa của người dạy qua từng tiết học lịch sử.

Thí sinh đoạt giải nhất Lâm Ngọc Quyên mong muốn có thêm nhiều buổi gặp gỡ các nhân chứng lịch sử, đến với các mẹ VN anh hùng vì những chuyến đi đó sẽ cung cấp kiến thức, hình ảnh trực quan sinh động cho các bạn trẻ.

“Đoàn viên, thanh niên sẽ có cái nhìn chân thật hơn về lịch sử, dễ dàng nắm bắt những bài học, chưa kể những chuyến đi này sẽ kết nối giữa thế hệ đi trước và thế hệ hôm nay” - Quyên chia sẻ.

Bày tỏ với Tuổi Trẻ khi có mặt trong lễ khai mạc, nguyên phó bí thư Thành ủy TP.HCM Phạm Chánh Trực - cố vấn hội thi - nói ông thấy yên tâm khi các bạn trẻ tha thiết tìm hiểu lịch sử, truyền thống dân tộc. “Điều đó nghĩa là tinh thần dân tộc, lòng yêu nước vẫn còn tràn đầy và tiếp tục được nung nấu, truyền đi trong suy nghĩ, hành động của giới trẻ hôm nay” - ông phát biểu.

90.000 bài thi trực tuyến cá nhân

Ông Phạm Chánh Trực (bìa phải) - cố vấn hội thi - nói ông thấy yên tâm khi các bạn trẻ tha thiết tìm hiểu lịch sử - Ảnh: Tiến Long

 

Hội thi thu hút 63.177 thí sinh dự thi với gần 90.000 bài thi trực tuyến cá nhân. Trong đó ĐH Nguyễn Tất Thành có số thí sinh tham gia đông nhất với 13.104 lượt dự thi.

11 thí sinh xuất sắc nhất được nhận giải chung cuộc:

Giải nhất: Lâm Ngọc Quyên (ĐH Khoa học tự nhiên, ĐHQG TP.HCM).

Hai giải nhì: Phan Văn Hợp (ĐH Yersin Đà Lạt) và Phan Ngọc Thành (ĐH Sài Gòn).

Ba giải ba: Đặng Hoàng Phúc (ĐH Bách khoa, ĐHQG TP.HCM), Tào Hữu Đạt (ĐH Sài Gòn), Lê Anh Vũ (ĐH Hoa Sen).

Năm giải khuyến khích: Đoàn Thu Thảo (ĐH Sài Gòn), Phan Thị Tường Vy (Bình Thuận), Lê Thị Thùy Dinh (ĐH Bách khoa, ĐHQG TP.HCM), Đỗ Tuấn Nhã (ĐH Khoa học tự nhiên, ĐHQG TP.HCM) và Nguyễn Ngọc Trà My (ĐH Y dược TP.HCM).

 

QUỐC LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên