24/02/2016 09:01 GMT+7

Cải cách thể chế, VN 20 năm sau sẽ đạt 18.000 USD/người/năm

CẦM VĂN KÌNH - TRUNG HÀ
CẦM VĂN KÌNH - TRUNG HÀ

TT - Các chuyên gia cho rằng VN hoàn toàn đạt được mục tiêu đề ra trong báo cáo nếu thực thi hiệu quả các giải pháp, nhất là việc cải cách thể chế.

 

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam (thứ hai từ trái qua) trao đổi với Chủ tịch Ngân hàng Thế giới Jim Yong Kim tại lễ công bố Báo cáo Việt Nam 2035 - Ảnh: Nguyễn Khánh
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam (thứ hai từ trái qua) trao đổi với Chủ tịch Ngân hàng Thế giới Jim Yong Kim tại lễ công bố Báo cáo Việt Nam 2035 - Ảnh: Nguyễn Khánh

Tại buổi công bố “Báo cáo VN 2035: Hướng tới thịnh vượng, sáng tạo, công bằng và dân chủ” vào ngày 23-2, các chuyên gia cho rằng VN hoàn toàn đạt được mục tiêu đề ra trong báo cáo nếu thực thi hiệu quả các giải pháp, nhất là việc cải cách thể chế.

“Để đạt tới khát vọng một VN thịnh vượng, sáng tạo, dân chủ, công bằng, lựa chọn duy nhất là cải cách. Nếu không, chúng ta không thể khai thác được cơ hội, nguy cơ tụt hậu xa hơn và rơi vào bẫy thu nhập trung bình là không tránh khỏi

Bộ trưởng Bộ KH-ĐT BÙI QUANG VINH

Trong lời giới thiệu cho cuốn sách do Bộ Kế hoạch - đầu tư và Ngân hàng Thế giới (WB) tập hợp những chuyên gia hàng đầu của VN và thế giới để thực hiện, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: “VN có khát vọng mạnh mẽ là đến năm 2035 sẽ trở thành một nước công nghiệp hiện đại, hướng tới thịnh vượng, sáng tạo, công bằng và dân chủ”.

GDP của VN sẽ đạt 1.000 tỉ USD vào năm 2035?

Trước khi trình bày báo cáo, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư Bùi Quang Vinh dẫn ý kiến chuyên gia nêu đầu thế kỷ 19, VN đã có quy mô kinh tế gấp 1,5 Thái Lan, thu nhập bình quân bằng mức trung bình thế giới.

Song đến năm 2014, thu nhập bình quân VN chỉ bằng 1/3 Thái Lan, bằng hơn 1/5 trung bình thế giới, bằng 1/5 Malaysia. Công nhận VN phải qua chiến tranh nhưng ông Vinh “nhắc” VN đã có 40 năm hòa bình. “Nó tương đương thời gian mà Hàn Quốc, Nhật Bản cần để từ nghèo nàn thành nước công nghiệp phát triển” - ông Vinh nói.

Theo ông Vinh, mục tiêu được đề ra trong báo cáo là tới năm 2035, tức sau khoảng 20 năm nữa, VN sẽ là nước có thu nhập trung bình cao, với thu nhập bình quân đầu người là 18.000 USD tính theo sức mua tương đương với thế giới (giá cả ở VN thấp hơn nên tương đương với thu nhập bình quân đầu người VN cần đạt là khoảng 7.000 USD/người/năm).

Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này, quy mô GDP sẽ tăng lên tới gần 1.000 tỉ USD so với mức 200 tỉ USD hiện nay.

Báo cáo khẳng định rằng khát vọng của người VN là có một xã hội thịnh vượng, nền kinh tế thị trường được dẫn dắt bởi khu vực tư nhân (phải đóng góp tối thiểu 80% GDP)..., một nhà nước pháp quyền hiệu quả và đảm bảo trách nhiệm giải trình.

Nhà nước không chỉ đảm bảo trật tự công cộng và an ninh quốc gia mà còn đảm bảo thị trường vận hành tự do, giải quyết được các thất bại thị trường. Nhà nước thiết lập các thể chế xã hội đảm bảo được quyền lực thuộc về nhân dân...

Trao đổi với Tuổi Trẻ, GS Nguyễn Quang Thái, phó chủ tịch Hội Khoa học kinh tế VN, cho rằng muốn đạt được mục tiêu tăng trưởng trung bình khoảng 7,2%/năm để năm 2035 có thu nhập 18.000 USD là khó, các giải pháp thực hiện cũng có nhiều thách thức.

Tuy nhiên, theo ông Thái, nếu chỉ chọn ra vài cái dễ để làm thì khó mà thành công, đạt được khát vọng của đất nước vào năm 2035 và ngay cả khi đạt được khát vọng năm 2035, GDP VN cũng mới bằng Malaysia hiện nay và bằng Hàn Quốc những năm 2000.

Giảm can thiệp của nhà nước

Để đạt được khát vọng năm 2035 như đề ra, báo cáo đề nghị cần xây dựng một nhà nước được tổ chức hợp lý hơn với bộ máy chức nghiệp thực tài.

Cho rằng việc quản lý công chức không dựa trên năng lực đã làm trầm trọng thêm những lỗ hổng trong các thể chế công, báo cáo nêu “hệ thống quản trị công cần cải cách theo hướng đảm bảo trọng dụng tài năng”.

Trong khi đó, theo ông Vinh, giữa các khẩu hiệu như “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” với thực tế vẫn còn nhiều khoảng cách, do đó cần phải “thúc đẩy quyền công dân, tăng cường vai trò phương tiện thông tin đại chúng...”.

Cũng theo báo cáo, việc nhà nước can thiệp nhiều vào hoạt động kinh doanh, tác động quá nhiều lên quá trình phân bổ đất đai và vốn... không chỉ tạo cơ hội tham nhũng do đội ngũ cán bộ mà còn làm giảm hiệu suất của toàn bộ nền kinh tế.

Do đó, phải tiếp tục điều chỉnh vai trò của nhà nước. Việc tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước là chưa đủ, mà phải giảm số lượng và đầu tư vào doanh nghiệp nhà nước, chấm dứt ưu đãi cho doanh nghiệp nhà nước cũng như các doanh nghiệp tư nhân thân hữu.

Ngoài ra, cần phải có một hệ thống tư pháp độc lập, có năng lực, được đào tạo để thực thi khuôn khổ pháp luật và xây dựng một môi trường kinh doanh bình đẳng.

Về dân sinh, báo cáo cho rằng VN cần nỗ lực để tạo bình đẳng cho con người, “không phụ thuộc vào hoàn cảnh khi sinh ra”.

Dẫn câu chuyện người nhập cư chưa được bình đẳng về cơ hội do cơ chế hộ khẩu, với hơn 5 triệu người VN hiện chưa được đăng ký hộ khẩu thường trú nơi họ đang sinh sống, trong đó có 2,7 triệu người tại TP.HCM, báo cáo cho rằng nhiều quốc gia có những hình thức đăng ký nhân khẩu để người dân được tiếp cận dịch vụ như y tế, giáo dục đơn giản: chỉ cần bằng chứng về cư trú, chẳng hạn đang thuê hoặc sở hữu bất động sản.

Trong khi đó, ông Vinh cho rằng để đạt mức tăng trưởng trung bình 7 - 8%/năm như yêu cầu, con đường duy nhất là tăng năng suất, trong đó phải xem sức khỏe doanh nghiệp trong nước là sức khỏe nền kinh tế.

“Phải hoàn thiện, củng cố, đặc biệt là quyền sở hữu tài sản, đảm bảo cạnh tranh lành mạnh. Nhà nước phải xây dựng trung tâm hướng dẫn, đào tạo để hỗ trợ khởi nghiệp. Phải coi vị thế doanh nghiệp là vị thế quốc gia”, báo cáo khẳng định.

Cũng tại buổi công bố, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết những kiến nghị tại báo cáo sẽ được Chính phủ VN tham khảo trong xây dựng chính sách.

Ông Jim Yong Kim (chủ tịch Ngân hàng Thế giới):

Tôi tin Chính phủ VN sẽ cải cách...

- Cuối thập kỷ 1950, WB đã bắt đầu hỗ trợ Hàn Quốc nhưng vẫn bày tỏ nghi ngờ rằng Hàn Quốc sẽ không thể phát triển được. Nhưng nay các bạn đã biết điều gì đã xảy ra.

Tuy nhiên, để có chuyện kỳ diệu như vậy cần phải có những nỗ lực rất lớn. VN đã cam kết cải cách, đạt được nhiều thành tựu và tôi tin rằng VN sẽ đạt được mục tiêu đặt ra.

* Việc thực thi các giải pháp như báo cáo đề ra có rất nhiều khó khăn không dễ vượt qua, thưa ông?

- Bất cứ cải cách nào đều là lựa chọn khó khăn. Đây không phải vấn đề của VN mà ở nhiều nơi. Vì có một số người sẽ không đồng ý.

Tôi đến đây vì tôi tin Chính phủ VN sẽ cải cách. Tôi cũng hối thúc người dân VN tin tưởng và ủng hộ quá trình cải cách cũng như có những động thái để nâng trách nhiệm giải trình của Chính phủ.

* VN cần làm gì để thoát bẫy thu nhập trung bình?

- Không có câu trả lời duy nhất nào cho VN. Nhiều nước đối mặt bẫy thu nhập trung bình nhưng VN đang trong bối cảnh có nhiều khả năng để vượt qua.

Tuy nhiên, theo tôi, VN cần nâng cao năng suất, đầu tư vào con người, tập trung vào phụ nữ và trẻ em. Sự khác biệt giữa quốc gia này và quốc gia khác là sử dụng nguồn lực như thế nào. Phải giúp người Việt thích ứng với sự thay đổi của thị trường.

* WB sẽ hỗ trợ VN thế nào trong triển khai thực hiện báo cáo?

- WB sẽ tiếp tục hỗ trợ theo nhiều cách khác nhau, như tiếp tục cho vay, giúp đầu tư con người, hỗ trợ y tế, giáo dục..., đồng thời tăng cường chuyển giao tri thức cũng như kinh nghiệm cho VN…

C.V.KÌNH

CẦM VĂN KÌNH - TRUNG HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên