28/06/2017 10:32 GMT+7

Doanh nghiệp nhà nước: Dễ trục lợi nên khó đổi mới

THANH HÀ
THANH HÀ

TTO - Có trong tay quyền quản lý tài sản rất lớn đồng nghĩa với có cơ hội để trục lợi không nhỏ, quan hệ thân hữu và lợi ích đang là lực cản đổi mới các doanh nghiệp nhà nước. .

Toàn cảnh cuộc hội thảo do CIEM tổ chức sáng 28-6 - Ảnh: Thanh Hà
Toàn cảnh cuộc hội thảo do CIEM tổ chức sáng 28-6 - Ảnh: Thanh Hà

Triển khai nhiều nhưng chưa đạt bất cứ mục tiêu nào đề ra, các chuyên gia gọi tên chính xác nguyên nhân chủ yếu trì hoãn đổi mới doanh nghiệp nhà nước là quan hệ thân hữu, lợi ích.

Nhận định này được đưa ra tại hội thảo “Tổ chức thực hiện cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước hiệu quả và thực chất” do Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức tại Hà Nội sáng ngày 28-6.

Theo ông Phạm Đức Trung, Trưởng Ban Cải cách và Đổi mới doanh nghiệp thuộc CIEM, “quan hệ thân hữu, lợi ích hiện nay đã được chính thức thừa nhận là nguyên nhân gây trì hoãn đổi mới doanh nghiệp nhà nước”.

“Lợi ích của việc được giao quyền quản lý tài sản nhà nước và doanh nghiệp nhà nước là quá lớn, có cơ hội để trục lợi nên dẫn đến tình trạng không muốn thay đổi, trì hoãn quá trình tái cơ cấu, đặc biệt là tái cơ cấu trúc quản trị”, ông Trung phân tích. “Điển hình là việc thực hiện chủ trương tách chức năng đại diện chủ sở hữu ra khỏi các bộ ngành, ủy ban nhân dân”.

“Chính sách cổ phần chưa có thay đổi, một số qui định chưa phù hợp với thực tiễn nhưng chậm được bổ sung, sửa đổi”, các chuyên gia kinh tế của CIEM nhìn nhận.

Kỷ luật kém, còn được "giải cứu"

Một nguyên nhân quan trọng được các chuyên gia xác định là “kỷ luật tài chính, kỷ luật ngân sách chưa có dấu hiệu cải thiện những yếu kém”, bên cạnh khuôn khổ quản trị doanh nghiệp chưa đầy đủ,

Đặc biệt khi doanh nghiệp nhà nước lâm vào khó khăn thì vẫn nhận được nhiều biện pháp hỗ trợ. Việc xử lý dứt điểm các doanh nghiệp thua lỗ, các dự án đầu tư không hiệu quả theo nguyên tắc và cơ chế thị trường thực hiện chưa có kết quả rõ nét. Cụ thể, nhiều doanh nghiệp nợ cao gấp nhiều lần vốn chủ sở hữu, mất an toàn tài chính, nguy cơ đổ vỡ cao nhưng không bị xử lý.

Một thực trạng khác là việc chuyển doanh nghiệp nhà nước về Tổng công ty quản lý vốn nhà nước (SCIC) đang gặp nhiều khó khăn, chủ yếu do vấn đề thực hiện kỷ luật thực thi ngân sách.

Thậm chí các chuyên gia nhận thấy rằng có những văn bản chỉ đạo, hướng dẫn dưới luật tạo ra ngoại lệ cho doanh nghiệp nhà nước, nhiều hình thức ưu tiên, ưu đãi tiếp cận nguồn lực như đất đai, tài chính vẫn diễn ra…

Các chuyên gia của CIEM cũng thẳng thắn chỉ ra tình trạng không rõ trách nhiệm giải trình, điển hình là các vụ việc sai phạm thua lỗ, thất thoát tài sản nhà nước, các dự án thua lỗ, “đắp chiếu”...

Việc chi tiêu, đầu tư, mua sắm lãng phí, thất thoát nguồn lực chưa được xử lý kịp thời, để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Bên cạnh đó là tình trạng bộ máy kiêm nhiệm, không phù hợp với yêu cầu quản lý, kinh doanh vốn nhà nước cùng với hệ thống giám sát sử dụng nguồn vốn nhà nước mang tính hình thức, hiệu quả thấp dẫn đến khó đưa ra các quyết định quản lý kịp thời và phù hợp.

“Ai có thể nhanh chóng biết được chính xác, hiệu quả, giá trị sổ sách, giá thị trường của khu vực doanh nghiệp nhà nước, từng doanh nghiệp cũng như dòng vốn nhà nước đang vận hành trong nền kinh tế?”, ông Trung đặt vấn đề.

Không nên tăng trưởng bằng cách hút thêm dầu

Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM, khẳng định cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước là một trong ba trọng tâm của tái cơ cấu nền kinh tế. Việc nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản hiện có của nhà nước, trong đó có doanh nghiệp nhà nước, có thể đẩy tỷ lệ tăng trưởng kinh tế lên 7-8%.

Theo ông Cung, không nên tăng điểm phần trăm cho tăng trưởng bằng cách hút thêm dầu lên bán mà phải bằng tăng trưởng bền vững. Khu vực doanh nghiệp nhà nước nói riêng và kinh tế nhà nước nói riêng vẫn đóng vai trò quan trọng trong phát triển. 

Ông Cung cho biết mục tiêu tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước ở Việt Nam đến năm 2020 theo hướng cơ cấu lại ngành nghề, quản trị và hiệu quả - lợi nhuận - cạnh tranh, có 240 doanh nghiệp nhà nước cần sắp xếp lại trong giai đoạn này.

Trong số đó, 103 doanh nghiệp nhà nước cả trung ương lẫn địa phương vẫn tiếp tục được duy trì. 31 doanh nghiệp nhà nước chiếm cổ phần sở hữu chi phối, phần lớn là tập đoàn, tổng công ty quan trọng và 106 doanh nghiệp cổ phần hoá nhà nước giữ dưới 50% vốn. 

Tuy vậy, tình hình cổ phần hóa từ năm 2016 đến nay tiến triển chậm, chất lượng chưa có dấu hiệu cải thiện, việc bán cổ phần nhà nước tiếp tục gặp khó khăn. Cả năm 2016 mới thực hiện được ở 52 doanh nghiệp nhà nước và 3 đơn vị sự nghiệp công lập. 5 tháng đầu năm 2017 cổ phần hóa được thêm 13 doanh nghiệp và hai đơn vị sự nghiệp, hàng trăm doanh nghiệp khác mới đang trong quá trình xác định giá trị…

THANH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên