17/01/2017 10:45 GMT+7

Tết an tâm hơn với rau truy xuất nguồn gốc

TRẦN MẠNH - CÔNG TRUNG
TRẦN MẠNH - CÔNG TRUNG

TTO - Bắt đầu từ 18-1, tức là 10 ngày trước Tết Nguyên đán, TP.HCM sẽ đưa rau có truy xuất nguồn gốc ra ngoài thị trường để phục vụ người dân.

*** Error ***
Phần mềm truy xuất nguồn gốc rau an toàn của HTX nông nghiệp sản xuất - thương mại và dịch vụ Phước An, H.Bình Chánh (TP.HCM) - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Đó là thông tin được công bố tại buổi họp báo về chương trình truy xuất nguồn gốc rau được Sở NN&PTNT TP.HCM tổ chức ngày 16-1. Như vậy sau thịt heo, người dân TP.HCM sẽ có thêm công cụ để lựa chọn rau, biết thông tin rau mình mua từ nơi trồng đến nơi bán.

Cơ sở sản xuất, bán lẻ đã sẵn sàng

Ông Bùi Xuân Quỳnh, phó chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) rau Phú Lộc, cho hay đã chuẩn bị 12 tấn rau trong chương trình truy xuất nguồn gốc để giao cho các siêu thị Co.op Mart, BigC và Aeon bán cho người tiêu dùng vào ngày 18-1.

Để có những bó rau có thể truy xuất nguồn gốc này, HTX rau Phú Lộc đã làm việc với Sở NN&PTNT TP.HCM và Câu lạc bộ nông nghiệp công nghệ cao (DAA) từ tháng 5-2016. Theo quy trình, các xã viên sẽ phải ghi chép nhật ký sản xuất để phân tích.

Trong quá trình canh tác, các thông tin như nơi sản xuất, thời gian gieo trồng, bón phân, phun thuốc, nơi sơ chế, đóng gói... đều được ghi lại để đưa lên hệ thống truy xuất nguồn gốc mà DAA xây dựng.

Những thông tin trên sẽ được mã hóa bằng mã QR, được in ra và dán trên mỗi bó rau. Người tiêu dùng chỉ cần dùng điện thoại di động quét mã QR để biết rằng bó rau họ đang mua được canh tác và quản lý như thế nào. Cơ quan quản lý cũng dựa vào các thông tin trên để quản lý chất lượng rau trên địa bàn thành phố.

Ngoài HTX rau Phú Lộc còn có HTX rau an toàn Phước An (Bình Chánh) tham gia giai đoạn đầu của chương trình truy xuất nguồn gốc sản phẩm rau của TP.HCM. Ngày 18-1 sẽ có 12 loại rau có thể truy xuất nguồn gốc như cải ngọt, cải xanh, mồng tơi, rau dền, rau muống, bồ ngót... của 86 hộ dân được bán ra thị trường. Rau truy xuất nguồn gốc được bán ở 33 điểm siêu thị Co.op Mart và hệ thống siêu thị BigC, Aeon.

Lấy lại niềm tin của người tiêu dùng

Ông Nguyễn Phước Trung, giám đốc Sở NN&PTNT TP.HCM, cho biết truy xuất nguồn gốc là xu hướng tất yếu trong quản lý và kinh doanh thực phẩm nhằm đảm bảo an toàn cũng như cung cấp thông tin cho người tiêu dùng.

Mỗi năm TP.HCM tiêu thụ khoảng 1 triệu tấn rau, trong đó có khoảng 240.000 tấn (24%) là rau sản xuất trên địa bàn thành phố, còn lại lấy từ các địa phương khác.

Thời gian qua, thông tin về mất an toàn thực phẩm làm người tiêu dùng lo lắng, không biết đâu là sản phẩm an toàn để mua. Việc triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc như một công cụ giúp người dân yên tâm hơn trong lựa chọn thực phẩm cho gia đình.

Ông Võ Hoàng Anh - giám đốc marketing hệ thống Saigon Co.op - cho biết đơn vị này đã sẵn sàng để triển khai các điểm bán rau truy xuất nguồn gốc. Hiện có 2 HTX tham gia chương trình này tại Co.op Mart là Phú Lộc và Phước An với sản lượng khoảng 100-120 tấn rau lá mỗi tháng.

Ông Hoàng Anh khẳng định đầu vào của sản phẩm này được siêu thị phối hợp với các cơ quan chức năng phối kiểm 3 khâu: tại vườn, tại kho thu mua thực phẩm tươi sống tập trung của Saigon Co.op và lấy mẫu kiểm tra bất ngờ trong quá trình kinh doanh tại quầy kệ siêu thị.

Theo ông Võ Hoàng Anh, từ tháng 11-2016, Saigon Co.op đã đầu tư một phòng thí nghiệm quy mô lớn tại kho để tăng cường tần suất kiểm tra, kiểm nghiệm mức độ an toàn của rau củ quả và sắp đưa vào hoạt động xe xét nghiệm lưu động để có thể đáp ứng nhu cầu kiểm nghiệm bất ngờ tại các trang trại.

Việc tham gia chương trình truy xuất nguồn gốc rau củ quả sẽ giúp bổ sung thông tin chi tiết hơn nhằm đảm bảo sản phẩm được kiểm soát tốt từ trang trại đến tay người tiêu dùng.

Dán tem để truy xuất nguồn gốc rau an toàn tại Hợp tác xã nông nghiệp sản xuất - thương mại và dịch vụ Phước An - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Nông dân phấn khởi

Theo kế hoạch, rau truy xuất nguồn gốc của TP.HCM sẽ bán vào ngày 18-1 nhưng đến thời điểm này, nông dân đã chuẩn bị sẵn sàng để đưa rau ra thị trường. Gặp chị Đặng Thị Ngọc Phương (ấp 5, xã Hưng Long, H.Bình Chánh) đang cần mẫn đi xem từng liếp rau chuẩn bị đem bán theo chương trình truy xuất nguồn gốc rau, chị Phương cho biết ruộng rau này cũng đã đạt chuẩn VietGAP.

Theo chị Phương, để trồng rau quả theo chương trình truy xuất thì từ khâu chọn đất, giống, phun thuốc, thu hoạch đều phải được giám sát chặt chẽ.

Trước tiên, khâu làm đất phải được cày phơi ải khoảng 3-7 ngày trước khi trồng. Phân bón và giống rau mua phải có hóa đơn, chứng từ rõ ràng và được nhân viên kỹ thuật của HTX Phước An xuống kiểm tra đạt chuẩn mới bắt đầu trồng.

“Khâu quan trọng nhất là bón phân và phun thuốc phải theo đúng quy định. Mỗi ngày cung cấp hơn 250kg rau, nếu lơ mơ mà làm trật là nguyên liếp rau không đạt chuẩn, HTX cắt hợp đồng thu mua là... ăn không hết rau” - chị Phương nói.

Sau nhiều năm “lên bờ xuống ruộng” với rau VietGAP, ông Trần Văn Tính (H.Củ Chi) cho biết cũng đang hồ hởi với việc truy xuất nguồn gốc. Lật trang nhật ký ghi chép đồng ruộng với nhiều mục khác nhau, ông Tính cho biết so với trước đây việc truy xuất nguồn gốc rau củ khắt khe hơn nhiều lần. Thậm chí người thu hoạch phải ghi rõ tình trạng sức khỏe, ngày giờ thu hoạch.

Kiểm tra từng con tem và dùng điện thoại truy xuất thử các loại rau quả, ông Đào Thanh Đức - phó chủ nhiệm HTX Phước An - cho biết HTX mới tăng cường thêm 2 nhân viên kỹ thuật để trực tiếp xuống hỗ trợ nông dân đáp ứng đủ tiêu chí được vào diện cung cấp rau truy xuất nguồn gốc. Hiện nay, HTX Phước An có 82/100 xã viên tham chương trình. Còn 18 người chưa đáp ứng tiêu chuẩn nên HTX đang hỗ trợ kỹ thuật...

Ông Trần Văn Tính - chủ hộ đã được vào diện cung cấp rau truy xuất nguồn gốc - vui vẻ: nếu triển khai truy xuất nguồn gốc rau quả được người tiêu dùng đón nhận thì việc ông có thể mở rộng diện tích trồng rau là chuyện trong nay mai.

“Tham gia truy xuất, tôi minh bạch được việc trồng trọt của mình. Ai làm sai khâu nào cần trị ngay khâu đó” - ông Tính đề nghị.

Cách thức truy xuất nguồn gốc rau

Theo bà Huỳnh Thị Kim Cúc - phó giám đốc Sở NN&PTNT TP.HCM, để biết thông tin về bó rau tại các điểm bán, người mua cần có điện thoại thông minh. Sau khi cài phần mềm đọc mã QR, chỉ cần bật phần mềm này lên quét mã QR trên tem dán ở bó rau (tem chỉ dùng được một lần).

Thông tin về người trồng, diện tích, loại rau, quá trình sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu, thu hoạch, đóng gói, điểm bán... sẽ hiện lên trên điện thoại.

Đề án truy xuất nguồn gốc rau được thực hiện theo 2 giai đoạn: giai đoạn 1 từ tháng 1 đến hết tháng 3-2017 thí điểm, giai đoạn 2 từ tháng 4 đến hết năm 2017 sẽ mở rộng ra tất cả các HTX kinh doanh rau đạt tiêu chuẩn VietGAP trên địa bàn TP.HCM.

TRẦN MẠNH - CÔNG TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên