Khi NMLD Nghi Sơn đi vào hoạt động trong năm 2017, ngân sách nhà nước sẽ hụt thu hàng nghàn tỷ đồng mỗi năm - Ảnh: Đ.HÀ. |
Đó là thông tin trong báo cáo đánh giá tác động liên quan đến thu ngân sách khi Nhà máy lọc dầu (NMLD) Nghi Sơn (Thanh Hóa) đưa vào hoạt động từ tháng 7-2017.
Theo tính toán sơ bộ của Vụ Ngân sách nhà nước, nếu giá dầu trong năm 2017 ở mức 45 USD/thùng, tổng thu thuế phát sinh tăng vào khoảng 4.868 tỉ đồng.
Tuy nhiên, tổng thu từ hoạt động xuất nhập khẩu của VN sẽ giảm tới trên 6.200 tỉ đồng (do giảm nhập khẩu xăng dầu sau khi NMLD Nghi Sơn đi vào hoạt động).
Như vậy, ngân sách sẽ hụt thu hơn 1.300 tỉ đồng chỉ riêng trong năm 2017. Và từ năm 2018, khi NMLD Nghi Sơn nâng dần công suất, ngân sách còn hụt thu nhiều hơn.
Cụ thể, ngân sách nhà nước sẽ hụt thu khoảng 10.929 tỉ đồng trong năm 2018, hơn 10.600 tỉ đồng vào năm 2019 và năm 2020 hụt tới trên 14.100 tỉ đồng...
Đặc biệt, Tập đoàn Dầu khí VN (PVN) - đơn vị tham gia góp vốn tại dự án này - phải bù lỗ cho nhà máy này hàng trăm triệu USD mỗi năm, chưa kể hơn 3.830 tỉ đồng bỏ ra hỗ trợ trực tiếp Nghi Sơn làm đê chắn sóng, đường nội bộ, hệ thống chiếu sáng...
Cụ thể, theo cam kết tại phần chế độ thuế trong thỏa thuận bảo lãnh và cam kết của Chính phủ dành cho dự án, PVN sẽ bao tiêu sản phẩm cho nhà máy này trong 10 năm với giá bằng giá xăng dầu nhập khẩu cộng thêm 3-7% thuế nhập khẩu (tùy loại xăng dầu).
Theo tính toán của Vụ Ngân sách nhà nước, nếu giá dầu 45 USD/thùng, số tiền mà PVN phải bỏ ra bù lỗ (cho việc bao tiêu sản phẩm) lên tới 1,54 tỉ USD/10 năm (tương đương 3.500 tỉ đồng/năm), trong khi lợi nhuận mà PVN nhận được với tư cách cổ đông của dự án này chỉ là 1.600 tỉ đồng/năm.
Và giá dầu càng tăng, khoản tiền mà PVN bù lỗ cho việc bao tiêu sản phẩm của NMLD Nghi Sơn càng lớn. Chẳng hạn nếu giá dầu ở mức 50 USD/thùng, PVN sẽ phải bù lỗ cho nhà máy lên tới 4.000 tỉ đồng/năm, trong khi lợi nhuận được chia với tư cách cổ đông chỉ có 1.400 tỉ đồng.
Theo nhận định của Vụ Ngân sách nhà nước, với chính sách ưu đãi này (cộng thêm 3-7% vào giá bán ra tại cổng nhà máy), nhiều khả năng Nghi Sơn sẽ tiêu thụ 100% sản lượng xăng dầu sản xuất ra ngay tại VN chứ không xuất khẩu.
Ngoài ra, theo cam kết của Chính phủ, NMLD Nghi Sơn được hưởng thuế thu nhập doanh nghiệp 10% suốt đời dự án (70 năm), chưa kể được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 4 năm đầu và giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp trong 9 năm tiếp theo.
Do đó đến năm 2020, nhà máy này sẽ không phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, cũng không phải nộp thuế xuất khẩu nếu sản phẩm được xuất đi các nước.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng đầu tư hóa lọc dầu đòi hỏi vốn rất lớn và được Nhà nước khuyến khích đầu tư để đảm bảo an ninh năng lượng.
Tuy nhiên, đối với dự án kinh tế dù bất kỳ lĩnh vực nào, trừ an ninh quốc phòng, một trong những yếu tố đầu tiên cân nhắc trước khi đầu tư là phải xem xét hiệu quả kinh tế.
Do đó với một nhà máy mà khi đưa vào hoạt động, ngân sách nhà nước bị hụt thu hàng ngàn, thậm chí hàng chục ngàn tỉ đồng mỗi năm như NMLD Nghi Sơn là chuyện khó chấp nhận.
Theo ông Long, dự án này không mang lại hiệu quả kinh tế cho xã hội bởi Nhà nước bị thất thu, trong khi người tiêu dùng chắc chắn không được hưởng lợi do giá xăng dầu trong nước hiện đang điều hành theo cơ chế thị trường, phụ thuộc diễn biến giá xăng dầu thế giới.
“Để đảm bảo an ninh năng lượng và phát triển công nghiệp hóa dầu, VN chỉ nên ưu đãi đối với các hoạt động tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu chứ không thể “bao” cả dự án chế biến, sản xuất xăng dầu như với dự án NMLD Nghi Sơn” - ông Long nói.
Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn (Khu kinh tế Nghi Sơn, Thanh Hóa) có tổng vốn đầu tư khoảng 9 tỉ USD, là liên doanh gồm 4 thành viên: PVN (chiếm 25,1%), Công ty Kuwait Petrolum (35,1%), Công ty Idemitsu Kosan (Nhật Bản, 35,1%) và Công ty Mitsui Chemicals (Nhật Bản, 4,7%). |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận