18/05/2016 11:25 GMT+7

Siết đối tượng được hoàn thuế, người tiêu dùng gặp khó lây

ÁNH HỒNG - TRẦN VŨ NGHI - LÊ THANH
ÁNH HỒNG - TRẦN VŨ NGHI - LÊ THANH

TTO -  Theo nhiều chuyên gia, không chỉ doanh nghiệp gặp khó mà chính người tiêu dùng cũng bị ảnh hưởng khi cơ quan thuế ước số giảm hoàn thuế một năm vào khoảng 16.000 tỉ đồng...

Nhiều doanh nghiệp lo lắng nếu quy định không được hoàn thuế giá trị gia tăng đối với hàng tồn kho được thực hiện. Trong ảnh: Công nhân Công ty cổ phần nhựa Rạng Đông vận chuyển nhựa thành phẩm - Ảnh: Thanh Tùng
Nhiều doanh nghiệp lo lắng nếu quy định không được hoàn thuế giá trị gia tăng đối với hàng tồn kho được thực hiện. Trong ảnh: Công nhân Công ty cổ phần nhựa Rạng Đông vận chuyển nhựa thành phẩm - Ảnh: Thanh Tùng

Nhiều doanh nghiệp cho biết đang ngồi trên lửa bởi từ ngày 1-7, theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng (GTGT), doanh nghiệp có số thuế GTGT đầu vào âm liên tục 12 tháng do vẫn còn hàng tồn kho sẽ không còn được hoàn thuế GTGT như trước.

Với thay đổi này, cơ quan thuế ước số giảm hoàn thuế một năm vào khoảng 16.000 tỉ đồng và số thuế này sẽ được chuyển sang khấu trừ vào số thuế GTGT đầu ra của những kỳ tiếp theo. Trong khi đó, theo nhiều chuyên gia, không chỉ doanh nghiệp gặp khó mà chính người tiêu dùng cũng bị ảnh hưởng.

Cơ quan thuế sợ bị lợi dụng

Báo cáo đánh giá tác động Luật thuế GTGT sửa đổi, cơ quan thuế cho rằng thuế GTGT được tính trên giá trị tăng thêm của hàng hóa, dịch vụ phát sinh trong quá trình từ sản xuất, lưu thông đến tiêu dùng. Nếu có số thuế GTGT của hàng hóa, dịch vụ mua vào sử dụng cho dự án đầu tư, doanh nghiệp đã được hoàn thuế theo diện dự án đầu tư.

Do vậy, theo cơ quan thuế, việc quy định hoàn thuế GTGT sau ít nhất 12 tháng liên tục khi có số thuế GTGT đầu vào chưa khấu trừ hết nghĩa là ngân sách nhà nước “bù lỗ” cho những doanh nghiệp phát sinh GTGT âm trong sản xuất kinh doanh. Chưa kể trong thực tế, nhiều trường hợp doanh nghiệp chưa kịp được hoàn nhưng đã phát sinh số thuế phải kê khai, tính nộp.

Cũng theo cơ quan thuế, tham khảo kinh nghiệm quốc tế cho thấy nhiều quốc gia trên thế giới chỉ cho hoàn thuế GTGT đầu vào đối với dự án đầu tư và xuất khẩu.

Với thuế GTGT đầu vào trong quá trình sản xuất kinh doanh chưa khấu trừ hết sẽ được chuyển sang khấu trừ kỳ tiếp theo mà không thực hiện hoàn thuế, trừ trường hợp đầu tư và xuất khẩu. Vì vậy, việc sửa đổi chính sách là phù hợp với thông lệ quốc tế.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, một cán bộ thuế cho rằng hoàn thuế với hàng tồn kho là lỗ hổng rất lớn, nhiều doanh nghiệp đã bán đứt từ đời nào vẫn khai là hàng tồn kho. Nhiều ngành nghề như sắt thép hàng tồn kho rất nhiều. Chưa kể những mặt hàng bán cho người tiêu dùng không lấy hóa đơn có khả năng doanh nghiệp giấu doanh thu.

“Thực sự doanh nghiệp đâu có mất, đằng nào bán ra cũng thu lại nhưng ở đây cứ gối đầu hoài, doanh nghiệp chiếm dụng vốn của Nhà nước để xoay vòng, ảnh hưởng đến ngân sách. Việc bổ sung, sửa đổi các quy định về hoàn thuế theo phương án đề xuất sẽ góp phần giảm tình trạng lợi dụng chính sách hoàn thuế để chiếm dụng vốn”, vị này nói.

Từ ngày 1-7, theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng, doanh nghiệp có số thuế giá trị gia tăng đầu vào âm liên tục 12 tháng do vẫn còn hàng tồn kho sẽ không còn được hoàn thuế giá trị gia tăng như trước. Trong ảnh: doanh nghiệp làm thủ tục tại Chi cục Thuế Q.Bình Thạnh, TP.HCM - Ảnh: Hữu Khoa
Từ ngày 1-7, theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng, doanh nghiệp có số thuế giá trị gia tăng đầu vào âm liên tục 12 tháng do vẫn còn hàng tồn kho sẽ không còn được hoàn thuế giá trị gia tăng như trước. Trong ảnh: doanh nghiệp làm thủ tục tại Chi cục Thuế Q.Bình Thạnh, TP.HCM - Ảnh: Hữu Khoa

Doanh nghiệp lo tăng chi phí

Tuy nhiên, các doanh nghiệp không đồng tình với lý giải từ phía cơ quan thuế. Ông P.V.C., phó giám đốc Công ty TK, cho rằng “làm vậy chết doanh nghiệp hết sao!”.

Theo ông này, với doanh thu bình quân 30 tỉ đồng/năm, tỉ lệ hàng tồn kho khoảng 20%, việc áp dụng quy định này khiến công ty mất khoảng 600 triệu đồng/năm. “Đây là số tiền không hề nhỏ đối với doanh nghiệp trong bối cảnh sản xuất kinh doanh gặp rất nhiều khó khăn như hiện nay”, ông P.V.C. nói.

Cũng theo ông P.V.C., với quy định này, chẳng có doanh nghiệp nào dám sản xuất dự trữ hoặc mua nguồn nguyên liệu gối đầu cất kho khi giá nguyên liệu hạ.

“Nhà sản xuất sẽ không dám sản xuất ra nhiều hàng hóa, hoặc sản xuất hàng ra tới đâu đều phải chở đi giao ngay cho đại lý. Khi đó, chi phí vận chuyển cũng sẽ tăng lên và điều này tính vào giá thành sản phẩm, doanh nghiệp khó cạnh tranh hơn và bản thân người tiêu dùng cũng bị ảnh hưởng”, ông P.V.C. bức xúc.

Trong khi đó, bà Phan Thị Hà Phương, giám đốc marketing Công ty CP nhựa Rạng Đông, cho rằng nếu không có hàng thành phẩm, bán thành phẩm và nguyên liệu dự trữ sẵn, doanh nghiệp sẽ bị động hơn trong việc cung ứng hàng hóa cho khách hàng.

“Do sản phẩm của chúng tôi là nguyên liệu đầu vào của rất nhiều lĩnh vực sản xuất, nếu không có hàng tồn kho dự trữ sẵn sẽ không thể cung ứng kịp thời cho hoạt động khách hàng. Tôi rất mong ngành thuế lắng nghe nỗi niềm và khó khăn của doanh nghiệp”, bà Phương khẩn khoản.

Theo ông Hồ Đức Lam - chủ tịch Hiệp hội Nhựa VN, do 80% nguyên liệu chính của ngành nhựa đều nhập khẩu, thời gian nhập về mất 45-60 ngày nên doanh nghiệp phải dự trữ để tránh rủi ro.

Hơn nữa, doanh nghiệp cũng tận dụng cơ hội nhập nguyên liệu giá thấp nên thường có nguyên vật liệu và thành phẩm tồn kho lớn. Do đó, nếu không được hoàn thuế GTGT đối với lượng hàng tồn kho này, chi phí sử dụng vốn và chi phí tài chính của doanh nghiệp chắc chắn sẽ tăng.

“Nếu không được hoàn thuế cho hàng tồn kho, các doanh nghiệp trong nước sẽ gặp nhiều khó khăn, thậm chí có nguy cơ phá sản bởi phần lớn vốn hoạt động đều phải đi vay ngân hàng”, ông Lam khẳng định. Một doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường tết cũng cho biết phải chuẩn bị nguyên liệu sản xuất từ sáu tháng trước tết, thậm chí phải ứng tiền trước để đặt hàng các trang trại, hộ nông dân. “Nếu không được hoàn thuế cho khoản này, doanh nghiệp sẽ chết chắc”, vị này nói.

Chiếm dụng vốn của doanh nghiệp

Ông Nguyễn Hồng Hải, giám đốc Công ty TNHH tư vấn và đại lý thuế Công Minh, cho rằng cơ quan thuế luôn nghĩ doanh nghiệp làm ăn bình thường thì không bao giờ có số thuế được hoàn, hoặc được hoàn rất ít do doanh nghiệp “mua 9 bán 10”, số thuế GTGT đầu ra bao giờ cũng lớn hơn đầu vào.

Tuy nhiên, điều đó chỉ đúng trên lý thuyết, còn trên thực tế, không phải doanh nghiệp cứ nhập hàng về là bán hết ngay mà có lượng tồn kho nhất định.

“Đó là trong điều kiện bình thường, chưa nói là có biến động như thiên tai, yếu tố khách quan khác. Mặt khác, không phải lúc nào doanh nghiệp cũng mua 9 bán 10 mà có lúc mua 9 nhưng chỉ bán 6-7 thì sao. Điều này cho thấy quy định chính sách chỉ đúng trên lý thuyết mà thôi”, ông Hải nói. Cũng theo ông Hải, chủ trương của Chính phủ là muốn hỗ trợ về tài chính, thuế cho doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Thế nhưng nếu ngành thuế không cho hoàn thuế, doanh nghiệp lấy đâu tiền để làm vốn lưu động. Khi đó, doanh nghiệp rất bất lợi vì hầu hết vốn kinh doanh của doanh nghiệp đều phải dựa vào tín dụng ngân hàng. Doanh nghiệp sẽ không có sức cạnh tranh, không thể phát triển được. “Phải chăng đây là cách chiếm dụng tiền vốn của doanh nghiệp?”, ông Hải đặt câu hỏi.

Một chuyên gia thuế khác cũng cho rằng với quy định này, chỉ khi nào bán được hàng ra doanh nghiệp mới thu lại được tiền.

Tuy nhiên, nếu bán lỗ hoặc giải thể, doanh nghiệp xem như mất luôn. “Cơ quan thuế lấy lý do doanh nghiệp gian lận, mua hóa đơn rồi hoàn thuế lấy tiền của Nhà nước. Nhưng đâu phải doanh nghiệp nào cũng gian lận. Hơn nữa, phải có biện pháp để chống lại gian lận chứ không thể áp dụng chung cho tất cả doanh nghiệp theo kiểu vơ đũa cả nắm như vậy”, vị này nói.

Theo nhiều chuyên gia, trừ đối tượng doanh nghiệp xuất khẩu và doanh nghiệp có dự án đầu tư mới, những hàng hóa bán trong nước là đối tượng bị ảnh hưởng rất nhiều.

Tiền thuế doanh nghiệp đã nộp trước cho Nhà nước, nếu được trả lại một phần, doanh nghiệp sẽ có vốn làm ăn nhưng đằng này doanh nghiệp phải đi vay, lại bị cơ quan thuế chiếm dụng vốn.

Như ngành thuế tính toán, nếu áp dụng quy định này, số giảm hoàn thuế trong một năm sẽ vào khoảng 16.000 tỉ đồng. Với lãi suất vay trung bình 10%/năm, số tiền lãi doanh nghiệp phải trả là một con số không nhỏ, chi phí của doanh nghiệp tăng lên. Chưa kể đâu phải doanh nghiệp nào cũng vay vốn dễ dàng.

“Nếu được hoàn số tiền 16.000 tỉ đồng này, doanh nghiệp sẽ có vốn để xoay vòng, duy trì được sản xuất kinh doanh, tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động và nộp ngân sách nhiều hơn”, vị này nói.

Theo tính toán của Bộ Tài chính, với các quy định mới về hoàn thuế được áp dụng từ ngày 1-7, tổng thể quỹ hoàn thuế năm 2016 giảm chi khoảng 5.250 tỉ đồng. Cụ thể:

- Giảm hoàn đối với doanh nghiệp không được hoàn thuế GTGT đối với hàng hóa nhập khẩu để xuất khẩu, hàng hóa xuất khẩu không thực hiện việc xuất khẩu tại địa bàn hoạt động hải quan ước 750 tỉ đồng.

- Giảm chi hoàn do bỏ quy định hoàn thuế GTGT đối với doanh nghiệp có số thuế GTGT đầu vào chưa được khấu trừ lũy kế sau ít nhất 12 tháng hoặc ít nhất 4 quý, thay vào đó doanh nghiệp được kết chuyển số thuế GTGT chưa khấu trừ hết để khấu trừ vào số thuế GTGT kỳ sau: 4.000 tỉ đồng.

- Giảm chi hoàn đối với các dự án đầu tư khai thác tài nguyên mà tổng trị giá tài nguyên, khoáng sản cộng với chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản phẩm trở lên theo dự án đầu tư: 500 tỉ đồng.

ÁNH HỒNG - TRẦN VŨ NGHI - LÊ THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên