23/04/2016 08:46 GMT+7

Trên 3.500 giấy phép con trái luật "trói" doanh nghiệp

VÕ VĂN THÀNH
VÕ VĂN THÀNH

TTO - Ngày 22-4, Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Lê Mạnh Hà đã chủ trì cuộc họp báo thông tin về hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp.

Cùng dự có ông Vũ Tiến Lộc - chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp VN (VCCI), bà Bùi Thu Thủy - cục phó Cục Phát triển doanh nghiệp Bộ Kế hoạch và đầu tư.

Theo đó, vào ngày 29-4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ chủ trì hội nghị với doanh nghiệp với chủ đề “Doanh nghiệp VN - Động lực phát triển kinh tế của đất nước”, diễn ra tại TP.HCM. Hội nghị đưa ra thông điệp của Thủ tướng Chính phủ: doanh nghiệp là một động lực của phát triển kinh tế. Chính phủ tạo điều kiện thuận lợi nhất để khởi nghiệp kinh doanh, thúc đẩy các doanh nghiệp phát triển cả về số lượng và chất lượng.

Trả lời câu hỏi của Tuổi Trẻ về những khó khăn mà các doanh nghiệp đang gặp phải, ví dụ trong quý 1-2016 có hơn 23.000 doanh nghiệp dừng hoạt động, giải thể và hiện còn nhiều giấy phép con, ông Vũ Tiến Lộc cho biết theo thống kê hiện có gần 7.000 giấy phép con.

Trong đó, trên một nửa không còn căn cứ pháp lý để tồn tại, vì các giấy phép đó được quy định bởi các thông tư, mà theo quy định pháp luật mới thì thông tư của các bộ, ngành và địa phương không được hạn chế quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp.

Về pháp lý, từ ngày 1-7-2016, những điều kiện kinh doanh được quy định bởi thông tư nếu tiếp tục thực hiện thì coi như vi phạm pháp luật. Gần đây một số bộ, ngành vẫn phớt lờ “sự có mặt” của Luật đầu tư và Luật doanh nghiệp mới, vẫn tiếp tục ban hành một số giấy phép con, điều kiện kinh doanh trong các thông tư. “Đây là điều rất lạ” - ông Lộc nhận xét.

Trong khi đó bà Bùi Thu Thủy nói rằng rất mong muốn trong hơn hai tháng nữa, Bộ Kế hoạch và đầu tư nhận được sự phối hợp của các bộ, ngành để làm sao công việc rà soát (giấy phép con, điều kiện kinh doanh) làm cho ra được để doanh nghiệp được hưởng những điều kiện đã quy định là: tự do kinh doanh những gì pháp luật không cấm.

“Những quy định về quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật của ngành đối với sản phẩm hàng hóa, dịch vụ thì có thể ở cấp thông tư, tất cả điều kiện kinh doanh đều phải nâng cấp lên ở tầm nghị định” - bà Thủy nói.

Theo ông Lê Mạnh Hà, sẽ rất khó nếu như chúng ta không đưa các điều kiện kinh doanh lên nghị định, và nếu cứ thế sẽ lại có doanh nghiệp rơi vào tình trạng như ông chủ quán cà phê Xin Chào chăng?

“Ngay tại TP.HCM còn như thế, xa xôi hơn thì rất khó. Tôi mong Bộ Kế hoạch và đầu tư cương quyết chỗ này và mong hơn nữa là Chính phủ cương quyết đối với các bộ trưởng trong lĩnh vực này” - ông Hà chia sẻ.

VÕ VĂN THÀNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên