19/06/2014 08:22 GMT+7

Trị từ gốc "giấy phép con"

VÕ VĂN THÀNH
VÕ VĂN THÀNH

TT - Đúng như tên gọi “giấy phép con, cháu, chắt”, đây là loại giấy tờ được sinh sôi không ngừng nghỉ, cho dù qua nhiều “đời” Luật doanh nghiệp đã nỗ lực hiện thực hóa quyền tự do kinh doanh của người dân.

Quá nhiều giấy phép con, cháu, chắt

Gần 10 năm trước, khi tổng kết thi hành Luật doanh nghiệp 1999 để chuẩn bị trình Quốc hội việc sửa đổi luật này, một trong những vấn đề nóng nhất là tình trạng “loạn giấy phép con”.

Ông Nguyễn Đình Cung (viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, CIEM) nhớ lại lúc bấy giờ khi ông đi khảo sát thực tế thì thấy rằng để thành lập doanh nghiệp phải xin ý kiến và chữ ký từ ông tổ trưởng tổ dân phố đến UBND phường... với tổng cộng 40-50 chữ ký, vài chục con dấu và cũng bằng đó chữ ký và con dấu cho thủ tục đăng ký kinh doanh. Một cuộc khảo sát lúc đó đã phát hiện bình quân mỗi tuần có ít nhất một giấy phép con ra đời. Đây chính là một trong những nguyên nhân quan trọng nhất khiến tư duy “cởi trói” cho việc thành lập và hoạt động của doanh nghiệp bị xói mòn, thậm chí là vô hiệu hóa.

Sau khi Quốc hội ban hành Luật doanh nghiệp 2005, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định thành lập tổ công tác thi hành Luật doanh nghiệp và Luật đầu tư. Chức năng của tổ công tác này không chỉ là kiến nghị bãi bỏ các quy định không còn cần thiết hoặc trái với hai đạo luật trên, mà còn kiến nghị “chuyển đổi giấy phép sang các hình thức quản lý không bằng giấy phép thích hợp và hiệu quả hơn”. Từ kết quả rà soát ban đầu của tổ công tác, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan kể rằng “quả ngọt” đầu tiên mà cộng đồng doanh nghiệp được hưởng chính là việc Thủ tướng Phan Văn Khải ký văn bản bãi bỏ 84 loại giấy phép con khác nhau.

Cho dù sau đó nhiều loại giấy phép con khác tiếp tục được bãi bỏ và trong thời gian qua, đề án 30 đã triển khai việc rà soát cắt giảm 30% thủ tục hành chính hiện có, nhưng khi Luật doanh nghiệp 2005 được đặt lên bàn nghị sự của Quốc hội tại kỳ họp lần này, một lần nữa đại biểu Quốc hội lại phải thốt lên: “Đang có quá nhiều giấy phép con, cháu, chắt”.

Cuối tháng 4-2014, tại hội nghị với doanh nghiệp do Thủ tướng chủ trì, ông Alain Cany (nguyên chủ tịch EuroCham) đã phản ảnh rằng chỉ mỗi việc xin mở thêm một số nhà hàng pizza mà ông phải mất tới... 14 tháng làm thủ tục với rất nhiều loại giấy tờ!

Rõ ràng câu chuyện “giấy phép con, cháu, chắt” sẽ không có hồi kết, nếu lần này việc sửa đổi Luật doanh nghiệp không trị từ gốc. Rất nhiều giải pháp đã được quy định trong dự thảo luật và được các đại biểu đề xuất theo tinh thần người dân được tự do kinh doanh những gì pháp luật không cấm hoặc không hạn chế (có điều kiện). Tuy nhiên, có một thực tế là giấy phép con thường phát sinh từ các bộ ngành. Theo ban pháp chế Phòng Thương mại và công nghiệp VN thì đó là các loại giấy phép con ẩn dưới dạng yêu cầu doanh nghiệp phải có “xác nhận” hoặc “ý kiến” của bộ ngành đó. Ví dụ như muốn nhập khẩu thiết bị A thì phải “có xác nhận của bộ B” mới được thông quan. Do vậy việc sửa đổi Luật doanh nghiệp lần này cần xác định rõ cấp nào được quyền ban hành các điều kiện kinh doanh. Đó phải là cấp Chính phủ hoặc cao hơn là Quốc hội, không thể để cho những cấp lâu nay thường phát sinh giấy phép con hành doanh nghiệp.

VÕ VĂN THÀNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên