Trong dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều về Luật quản lý thuế, Bộ Tài chính vừa có báo cáo trình Chính phủ đề xuất Quốc hội cho xóa nợ tiền thuế, tiền phạt chậm nộp thuế cho một số đơn vị.
Bộ Tài chính đánh giá thời gian qua nền kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn, thách thức, áp lực lạm phát và bất ổn kinh tế vĩ mô vẫn còn lớn. Thị trường tiền tệ chưa thực sự ổn định, nợ xấu còn có xu hướng gia tăng…
Do đó nhiều doanh nghiệp (DN) kinh doanh thua lỗ, không có khả năng nộp thuế đúng hạn, số lượng DN còn nợ thuế tự giải thể, phá sản, bỏ kinh doanh ngày càng tăng. Đối với nợ khó thu của các cá nhân, hộ kinh doanh thì chủ yếu tồn đọng nhiều năm trước.
Để tháo gỡ khó khăn cho DN và giảm gánh nặng cho cơ quan thuế, ông Phạm Đình Thi, vụ trưởng Vụ Chính sách thuế - Bộ Tài chính, cho biết Bộ Tài chính đã đề xuất Chính phủ trình Quốc hội cho phép xóa nợ tiền phạt chậm nộp thuế, tiền chậm nộp thuế của các khoản nợ thuế phát sinh trước ngày 1-7-2013 của những DN gặp khó khăn khách quan. DN phải nộp đủ nợ thuế gốc trước ngày 31-12-2015.
Để được xóa nợ, Bộ Tài chính cũng cho rằng DN phải đáp ứng một trong các tiêu chí là DN cung ứng hàng hóa dịch vụ được thanh toán bằng vốn ngân sách nhà nước hoặc có nguồn từ ngân sách.
Song do chưa được Nhà nước thanh toán nên DN không có nguồn để nộp thuế trước ngày 1-1-2015. Hoặc DN có đối tác bị phá sản hoặc phá bỏ hợp đồng dẫn đến DN không có nguồn để trả nợ thuế và tiền phạt chậm nộp.
Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng đề xuất xóa nợ tiền phạt chậm nộp thuế, tiền chậm nộp thuế của khoản thuế mà người nộp thuế đã bỏ kinh doanh, giải thể, phá sản. Thực tế, theo ông Thi, số tiền nợ thuế của DN bỏ kinh doanh, đã phá sản là khoảng 9.000 tỉ đồng. Thời gian qua, cơ quan thuế đã áp dụng mọi biện pháp để thu hồi mà không được.
Ngoài những đề xuất trên, cũng theo ông Phạm Đình Thi, Bộ Tài chính trình Chính phủ cho sửa đổi, bổ sung điều 65 Luật quản lý thuế theo hướng bổ sung việc xóa nợ cho các trường hợp đặc thù. Đó là nợ thuế của các DN nhà nước.
Ông Thi giải thích quy định phạm vi xóa nợ thuế khá hẹp, chưa phản ánh được thực tế khách quan về những trường hợp nợ xấu, khó có khả năng thu hồi, nhất là các khoản nợ phát sinh từ các DN giải thể, phá sản và bỏ trốn.
Nguyên nhân chủ yếu của các khoản nợ khó thu là do DN làm ăn thua lỗ đã bỏ kinh doanh, giải thể, phá sản. Bên cạnh đó, có một phần DN nhà nước đã có quyết định giải thể, DN nhà nước thực hiện cổ phần hóa chưa xử lý được nợ thuế.
Do đó, theo ông Thi, để giải quyết dứt điểm các khoản nợ tồn tại cũ, Bộ Tài chính trình Chính phủ cho sửa đổi, bổ sung điều 65 Luật quản lý thuế theo hướng bổ sung việc xóa nợ cho các trường hợp:
Thứ nhất: DN nhà nước thực hiện sắp xếp lại khi có số nợ thuế lớn hơn hoặc bằng vốn chủ sở hữu nhà nước tại DN.
Thứ hai: DN nhà nước đã thực hiện cổ phần hóa nhưng nợ thuế chưa được trừ vào vốn nhà nước tại DN khi chuyển đổi sở hữu.
Tổng số tiền phạt chậm nộp thuế và tiền nợ thuế được đề nghị xóa, theo thống kê của Bộ Tài chính lên tới khoảng 10.000 tỉ đồng.
Được biết, tại kỳ họp tháng Quốc hội diễn ra vào tháng 10 năm ngoái, Chính phủ cũng đề xuất được xóa khoản nợ thuế, tiền phạt chậm nộp thuế trên nhưng không được Quốc hội chấp thuận.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận