28/06/2015 10:55 GMT+7

Trái vải Việt vất vả với vải Trung Quốc

QUANG THẾ - TRẦN MẠNH
QUANG THẾ - TRẦN MẠNH

TT - Lần đầu tiên được xuất ra nước ngoài, nhưng trái 
vải Việt Nam đầy bất lợi khi đối đầu với trái vải Trung Quốc...

So sánh trái vải Việt Nam và Trung Quốc từ vườn cho đến siêu thị tại Úc (đơn vị tính: đồng/kg) - Đồ họa: Việt Thái

Theo các doanh nghiệp, giá bán trái vải tại các nhà vườn hiện chỉ chiếm khoảng 10% giá thành khi đưa đến nước nhập khẩu, trong đó nặng nhất là chi phí vận chuyển bằng đường hàng không.

Nông dân chỉ bán được giá thấp

Trưa nắng như lửa đốt, anh Bắc (40 tuổi, người trồng vải ở xã Tân Lập, huyện Lục Ngạn, Bắc Giang) chở theo sọt vải tươi nặng hơn 1 tạ ra các điểm thu mua ở thị trấn Chũ để bán. Do thương lái trả thấp nên anh chạy xe xuống tận xã Phượng Sơn nhưng vẫn không bán được.

Trong lúc đứng dưới tán cây tránh nắng, anh Bắc tâm sự: “Vải ở trên một cây, đều như nhau, đẹp như nhau. Lúc sáng tôi chở hai chuyến ra thị trấn, bán được với giá 15.000 đồng/kg, nhưng chỉ hơn giờ sau quay lại chỉ bán được 13.000 đồng/kg. Tôi hỏi lý do sao lại giảm hai giá như vậy, họ bảo trưa rồi mà hàng lại nhiều nên chỉ được vậy thôi”.

Theo anh Bắc, những chuyến đầu buổi sáng giá thường cao hơn vì lúc đó ít người bán. Đến trưa, khi chủ buôn đã mua đủ hàng thường hay ép giá nông dân.

“Không chỉ bị ép giá, chúng tôi còn bị thương lái cân trừ lùi, mỗi sọt vải bị trừ lùi đi 10kg, nhưng đành chịu vì không biết gọi cho ai” - anh Bắc nói, rồi lại cùng nhiều người dân tiếp tục rong hàng đi qua các điểm thu mua giữa trưa nắng để mời chào.

Để bán được những sọt vải tươi vào những ngày này, gia đình ông Hoàng Văn Toản (làng Ổi, xã Nghĩa Hồ) phải thuê thêm nhân công thu hái cho kịp giờ bán, có những hôm còn chong đèn điện thâu đêm để thu hoạch.

6g sáng, theo chân ông Toản ra chợ vải. Chuyến vải đầu tiên ra khu vực Trại 1 (thị trấn Chũ) cân cho thương lái với giá 17.000 đồng/kg. Nhưng đến thứ hai cũng ở điểm này, ông Toản không ngờ vải đã bị giảm bốn giá.

“Chỉ sau có gần một giờ đồng hồ mà từ giá 17.000 đồng xuống còn 13.000 đồng/kg. Giá cứ nhảy múa, rồi giảm đi theo ngày, không biết chúng tôi sẽ lấy tiền đâu tiếp tục chi phí cho vụ sắp tới” - ông Toản than thở.

Ảnh tư liệu TT

Chi phí vận chuyển làm đội giá thành

Dù thừa nhận giá bán vải của người nông dân chỉ chiếm một tỉ lệ rất nhỏ so với giá bán tại các thị trường xuất khẩu nhưng các doanh nghiệp cho biết không thể mua giá cao hơn vì các chi phí đi kèm rất cao.

Giám đốc một doanh nghiệp xuất khẩu tại TP.HCM cho hay có những thông tin đưa ra rằng giá thành xuất khẩu trái vải của Việt Nam sang đến Úc lên đến 192.000 đồng/kg. Tuy nhiên, thực tế giá thành đến Úc thấp hơn một chút, ở mức 177.000 đồng/kg.

Theo giải thích của vị này, giá mua vải tại vườn là 15.000 đồng/kg được vận chuyển về nhà máy sơ chế và đóng gói để loại bỏ cành lá, trái không đạt chuẩn, giá thành 1kg vải tươi khi đó lên đến 30.000 đồng, cộng với bao bì 6.500 đồng/kg, tiền nhân công và vận chuyển bằng xe lạnh từ miền Bắc ra sân bay Nội Bài 5.000 đồng/kg. Cước phí vận chuyển hàng không từ Hà Nội vào TP.HCM, tiền vận chuyển từ sân bay đến nhà máy chiếu xạ là 11.500 đồng/kg, công chiếu xạ và thủ tục hải quan khoảng 18.000 đồng/kg.

Sau đó, các công ty phải trả tiền vận chuyển trái vải từ TP.HCM đi Úc mất 106.000 đồng/kg nữa. “Tổng cộng, giá thành trái vải Việt Nam đến sân bay của Úc khoảng 177.000 đồng/kg (trong khi đó, vải Trung Quốc đến Úc chỉ khoảng 105.000 đồng/kg và bán ở siêu thị khoảng 16 đôla Úc/kg).

Sau đó là đến các chi phí của nhà nhập khẩu bên Úc như kiểm tra, vận chuyển, lưu kho, bán lẻ... nên mới có giá 21 - 22 đôla Úc/kg ở siêu thị (350.000 - 370.000 đồng)”, vị này cho hay.

Vẫn theo vị này, nhìn vào cơ cấu giá thành trái vải có thể thấy chi phí vận chuyển hàng không chiếm tỉ lệ cao nhất (gần 70% giá thành tới Úc), nhưng đây cũng là hai chi phí mà Việt Nam rất khó để giảm xuống trong thời gian ngắn trước mắt. Nhu cầu xuất khẩu hàng hóa bằng đường hàng không của Việt Nam hiện nay đang ở mức cao và không ngừng tăng lên.

Theo đánh giá của các công ty xuất khẩu và logistics, lượng hàng hóa Việt Nam cần xuất khẩu bằng đường hàng không đã cao gấp 2 - 3 lần khả năng cung cấp của các công ty vận chuyển. Do cung vượt cầu, các công ty vận chuyển luôn định giá cước vận chuyển bằng đường không từ Việt Nam ở mức cao và cao hơn nhiều so với các đối thủ xuất khẩu trong khu vực.

“Quy luật là như vậy, khi cung vượt cầu, các nhà cung cấp sẽ định giá cao và người sử dụng phải chấp nhận”, vị giám đốc này nói.

Ông Phùng Văn Hiền, giám đốc Công ty Trái cây nhiệt đới (Bến Tre), cũng cho biết chi phí vận chuyển bằng đường không chính là rào cản lớn nhất của trái cây Việt Nam khi xuất khẩu vào các thị trường cao cấp ở xa.

Trong khi các quốc gia như Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia có hệ thống hàng không phát triển nhanh với các sân bay lớn và rất nhiều chuyến bay của các hãng hàng không quốc tế nên nguồn cung về vận chuyển hàng hóa lớn dẫn đến giá thành vận chuyển được giảm xuống.

“Tôi còn nghe nói Thái Lan có chính sách hỗ trợ cước phí vận chuyển để thúc đẩy xuất khẩu trái cây. Nếu như Việt Nam cũng có chính sách như vậy, sức cạnh tranh của trái cây Việt Nam sẽ tăng lên rất nhiều”, ông Hiền cho biết.

Chi phí cho trái vải Trung Quốc rẻ hơn...

Tại Trung Quốc, thương lái thu mua vải tại vườn giá dao động từ 3,5 - 6 nhân dân tệ/kg (khoảng 12.000 - 21.000 đồng). Giá mua dao động theo mùa và theo vùng. Trái vải ở tỉnh Hải Nam thường được đánh giá có chất lượng ngon, hạt nhỏ và cơm vải dày nên giá bán ra thị trường có lúc lên đến 30 nhân dân tệ/kg.

Mùa vải ở Trung Quốc hiện đang rộ, cũng có hiện tượng nông dân Trung Quốc trồng ồ ạt nên đến lúc rộ mùa thì có “kẻ khóc người cười” khi trái vải trên thị trường này tuột giá thê thảm.

Chỉ từ tháng 5-2015 đến nay, giá trái vải trung bình trên thị trường Trung Quốc giảm 50%, từ 22 nhân dân tệ/kg xuống còn 11 nhân dân tệ/kg. Thậm chí có nơi chỉ còn 7 nhân dân tệ/kg.

Giá bán ra tuột dốc nên giá mua từ nông dân cũng giảm theo. Theo báo mạng Hải Nam, để giúp nông dân ở các địa phương có trồng nhiều vải tiêu thụ hiệu quả sản phẩm, sở nông nghiệp một số tỉnh đang hỗ trợ người trồng quảng bá sản phẩm của họ ra toàn Trung Quốc.

Có những doanh nghiệp chuyên thu mua xuất khẩu vải sang châu Âu, Úc, Mỹ, Canada bán với giá khoảng 30 - 32 nhân dân tệ (105.000 - 110.000 đồng/kg), nhờ các chi phí trung gian thấp hơn Việt Nam.

Cụ thể, giá mua tại vườn 3,5 nhân dân tệ (khoảng 12.000 đồng/kg). Vận chuyển trái vải bằng xe lạnh và đường hàng không của các hãng hàng không Trung Quốc trung bình 19,7 nhân dân tệ/kg (khoảng 69.000 đồng).

Chi phí xử lý trái vải trong xưởng (bao gồm chiếu xạ, bao bì, nhân công phân loại...) khoảng 8 nhân dân tệ/kg (khoảng 28.000 đồng). Tuy nhiên, giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng khoảng 16 - 17 đôla Úc/kg (270.000 - 280.000 đồng/kg).

MỸ LOAN 
(nguồn: trang web kinh tế Hải Nam,
báo
Chất Lượng Trung Quốc)

Cạnh tranh bằng chất lượng?

Theo các công ty xuất khẩu trái cây, nhìn vào giá bán trái vải tại Úc, ai cũng thấy giá vải của nông dân Việt Nam bán sao thấp quá nhưng các công ty rất khó tăng giá mua nguyên liệu đầu vào vì các chi phí hậu cần phía sau trái vải chưa thể giảm xuống trong điều kiện của Việt Nam hiện nay.

Trong đó, chi phí chiếu xạ hầu như giữ nguyên kể từ khi Việt Nam xuất khẩu trái cây tươi vào Mỹ từ năm 2008, còn chi phí nhân công, bao bì luôn có xu hướng tăng lên theo thời gian.

Một trong những cách để giảm chi phí vận chuyển mà các công ty đang tính đến là chuyển từ xuất khẩu đường không sang đường biển. Xuất khẩu bằng tàu biển có lợi thế là đi được lượng hàng rất lớn nên giá thành rẻ nhưng lại tốn rất nhiều thời gian, có thể mất cả tháng, trong khi xuất theo đường máy bay có thể đến nước nhập khẩu ngay trong ngày.

TS Nguyễn Hữu Đạt, giám đốc Cơ quan kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu 2 (Bộ NN&PTNT), cho biết đến nay Việt Nam mới thành công trong xuất khẩu trái thanh long bằng đường biển sang Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Các loại trái cây khác, trong đó có trái vải, cách thức bảo quản để có thể giữ nguyên hương vị và màu sắc sau thời gian dài vận chuyển trên biển vẫn còn đang được nghiên cứu.

Theo các công ty xuất khẩu, trái cây Việt Nam dù giá thành xuất khẩu cao hơn các quốc gia khác nhưng vẫn có thể cạnh tranh được nhờ vào hương vị thơm ngon hơn hẳn.

Do đó, vận chuyển bằng đường không khi xuất khẩu vẫn là lựa chọn hàng đầu của họ hiện nay. Về lâu dài, khi ngành hàng không Việt Nam ngày càng phát triển, giá thành vận chuyển sẽ giảm xuống.

TR.MẠNH

QUANG THẾ - TRẦN MẠNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên