05/05/2015 18:39 GMT+7

Hàng Việt xuất đi đắt hơn

N.BÌNH
N.BÌNH

TTO - Nếu VN không có một chiến lược tích cực để tối đa hóa những kết nối và công nghệ của các doanh nghiệp FDI thì các ngành công nghiệp trong nước sẽ chịu thiệt thòi.

Nhóm nghiên cứu cảnh báo của ngân hàng HSBC đã kết luận như vậy trong báo cáo triển vọng Kinh tế VN vừa được công bố ngày 5-5.

Theo thống kê, xuất khẩu của các doanh nghiệp giảm 1,6% tính từ đầu năm tới nay trong khi các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) lại tăng 12,3% từ đầu năm đến nay.

Một trong lý do dẫn đến sự sụt giảm này là tỷ giá.

Việc đồng VND vốn gắn liền với thương mại tăng giá đã làm giảm tính cạnh tranh về giá của các công ty trong nước.

“Về ngắn hạn tiền đồng tăng giá đang gây ảnh hưởng tới nền kinh tế và có cơ hội cho các nhà làm chính sách hỗ trợ tăng trưởng, hoặc bằng cách hạ lãi suất hoặc giảm giá tiền đồng. Trong khi đó, chính phủ sẽ cần phải hợp lý hóa các chi tiêu công để giảm thiểu mức thâm hụt ngân sách đang gia tăng. Thu công có xu hướng giảm cũng phải được đảo chiều, tăng thu thuế có thể là một giải pháp.

Trong khi đó, theo Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), tác động từ sự trượt giá EUR và YEN lên cán cân thương mại được ghi nhận rõ dần khi lợi thế cạnh tranh của hàng nhập khẩu gia tăng, trong khi hàng hóa VN xuất khẩu chịu sức ép cạnh tranh cao hơn.

Để đối phó, nhà xuất khẩu có thể buộc phải giảm giá để tăng cạnh tranh và chấp nhận giảm lợi nhuận hoặc hướng đến các thị trường khác.

Việc tìm kiếm thị trường sẽ khó khăn và tốn kém do EU là thị trường xuất khẩu chính của VN trong nhiều năm.

Sức ép này cũng đến từ việc nhập siêu quay trở lại khi xuất khẩu của khu vực trong nước chịu ảnh hưởng bởi giá cả trên thị trường thế giới, trong khi nhập khẩu cho cả sản xuất và tiêu dùng đều tăng.

Thực tế, EUR và YEN trượt giá so với USD, qua đó giảm giá so với VND, đã thúc đẩy nhập khẩu hàng hoá từ các thị trường này.

Nhập khẩu còn được hỗ trợ bởi xu hướng giảm giá hàng nhập khẩu kéo dài từ quý II-2012.

Trong khi đó chỉ một số ít doanh nghiệp bắt đầu cảm thấy năng lực cạnh tranh suy yếu do tỉ giá.

Phần lớn xuất khẩu sang châu Âu được ký bằng đồng USD và được ký trước từ 3-6 tháng nên ảnh hưởng từ việc đồng EUR giảm giá đến hoạt động xuất khẩu, có chiều hướng tiêu cực trên lý thuyết, dù chưa phải là mối quan ngại lớn của các doanh nghiệp xuất khẩu - mà thị trường chính là châu Âu và Nhật - trong quý I nhưng sẽ lớn dần trong các quý sau khi EUR và YEN suy yếu theo đà nới lỏng tiền tệ của ngân hàng trung ương của các nước này.

N.BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên