05/03/2015 09:33 GMT+7

Hai hãng bay “tranh nhau” nhà ga: Cần đấu giá công khai

CẦM VĂN KÌNH thực hiện
CẦM VĂN KÌNH thực hiện

TT - Việc bán cảng hàng không để lấy tiền tái đầu tư các cơ sở hạ tầng mới là chủ trương hợp lý nhưng cần được tổ chức đấu giá công khai, minh bạch.

Nhà ga T1 cảng hàng không quốc tế Nội Bài - Ảnh: Nguyễn Khánh

Đó là khẳng định của bà Nguyễn Minh Thảo, phó Ban môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương. Bà Thảo nói: 

- Việc đấu thầu quyền khai thác, cung ứng dịch vụ hạ tầng vừa giúp Nhà nước thu hồi được vốn nhanh nhất để có vốn đầu tư các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội khác, vừa giúp các doanh nghiệp có điều kiện vận hành, kinh doanh đem lại hiệu quả cao nhất các công trình hạ tầng.

Người dân cũng có cơ hội được phục vụ tốt hơn khi các doanh nghiệp phải nâng cao chất lượng dịch vụ để cạnh tranh, thu hút thêm nhiều khách khai thác để tăng doanh thu...

Bà Nguyễn Minh Thảo - Ảnh: Nguyễn Khánh

 

* Ông NGUYỄN HOÀNG HẢI (Phó chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính VN):

Cần thí điểm trước

Theo tôi, việc mở cửa kinh doanh vận tải hàng không nội địa là cần thiết, Nhà nước phải tạo điều kiện để một số doanh nghiệp hàng không cạnh tranh sòng phẳng với nhau ở đường bay quốc nội.

Do đó nếu nhà ga quốc nội T1 Nội Bài thuộc về Vietnam Airlines chẳng hạn, các hãng khác muốn kinh doanh sẽ phải thông qua, “đi nhờ” Vietnam Airlines là rất dở. Không cẩn thận sẽ trở thành độc quyền.

Tôi cho rằng hạ tầng nào có thể bán hết, chứ nhà ga quốc nội ở Hà Nội chỉ có một cái, nên cần thí điểm bán hoặc nhượng quyền khai thác một khu, như khu E trước. Sau đó sẽ hoàn thiện quy định pháp lý, rút kinh nghiệm rồi mới bán tiếp.

* Bà nhận định như thế nào về chuyện một số hãng hàng không “tranh nhau” nhà ga T1 Nội Bài?

- Việc nhiều doanh nghiệp quan tâm đến sở hữu nhà ga T1 Nội Bài là điều dễ hiểu, bởi đây là nhà ga quốc nội duy nhất ở Hà Nội. Mọi hãng hàng không muốn khai thác đường bay quốc nội ở VN đến hay đi từ Hà Nội đều phải sử dụng nhà ga này.

Do đó nếu được sở hữu nhà ga này, hãng hàng không sẽ có nhiều thuận lợi hơn đối thủ cạnh tranh, chẳng hạn như việc bố trí quầy làm thủ tục, thời gian, không gian được khai thác hay các yếu tố liên quan đến kỹ thuật khác...

Do đó nếu quyết định bán nhà ga hay chuyển nhượng quyền khai thác, Nhà nước cần đề ra các quy trình, quy định hết sức cụ thể và minh bạch về việc vận hành nhà ga, đảm bảo sự công bằng, minh bạch trong điều kiện khai thác, đặc biệt là các tiêu chuẩn về chất lượng... để bảo đảm cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp, tiến tới nâng cao chất lượng dịch vụ, cảnh quan nhà ga T1.

* Theo bà, việc bán hay nhượng quyền khai thác nhà ga T1 Nội Bài có nên tổ chức đấu thầu công khai nhằm tránh chuyện “đi đêm” để được mua với giá rẻ?

- Một khi đã tính đến việc bán, cho nhượng quyền thương mại một cơ sở hạ tầng quan trọng và có giá trị lớn như nhà ga sân bay, tôi nghĩ điều cần thiết không chỉ là phải qua một quy trình định giá minh bạch mà cần áp dụng biện pháp thị trường rất quan trọng là đấu giá công khai.

Nhà nước áp dụng biện pháp này không chỉ thu lại được số tiền lớn nhất, mà còn chọn được nhà quản lý sân bay đủ năng lực tài chính và tránh những khả năng như giao dịch ngầm, bán dưới giá trị...

* Nếu chọn được doanh nghiệp ngoài các hãng bay mua hoặc nhận nhượng quyền khai thác, bà có tin rằng nhà ga T1 sẽ tốt hơn?

- Có lo ngại khi các hãng bay như Vietnam Airlines đang được khai thác đường bay quốc nội, giờ lại sở hữu luôn nhà ga chuyên phục vụ quốc nội sẽ tạo ra thế lực mới kiểu như độc quyền.

Vì vậy, theo tôi, nên cân nhắc kỹ khả năng bán mà nên tính đến nhiều hơn việc nhượng quyền thương mại với các điều kiện rõ ràng về chất lượng dịch vụ cũng như đảm bảo công bằng cho các bên khai thác, nếu không đảm bảo sẽ có thể chấm dứt việc nhượng quyền.

Như vậy sẽ tránh được khả năng một doanh nghiệp sở hữu hoàn toàn và khi đã sở hữu sẽ khó có thể tước quyền nếu doanh nghiệp lấy các lý do thiếu vốn, khó khăn... để nhà ga xuống cấp, hay làm ảnh hưởng đến chất lượng ngành hàng không và hình ảnh VN.

Ngoài ra, để tăng khả năng bán được giá cao cho Nhà nước, tránh khả năng một hãng hàng không có vị thế vượt trội khi sở hữu nhà ga, cũng nên tính đến việc cho các doanh nghiệp nước ngoài được liên doanh tham gia mua quyền khai thác hoặc được nhượng quyền khai thác. Liên doanh này có thể gồm nhiều bên tham gia.

Tôi nghĩ phương án một doanh nghiệp ngoài các hãng bay sở hữu, khai thác nhà ga T1 sẽ tối ưu hơn cho các bên. Tất nhiên với lĩnh vực “nhạy cảm” như cảng hàng không, có thể quy định một tỉ lệ tham gia nào đó với nhà đầu tư nước ngoài nhằm đảm bảo quyền sở hữu của phía VN.

* Nếu chủ trương bán hạ tầng để lấy vốn tái đầu tư là đúng, ngoài việc chuyển nhượng nhà ga sân bay, theo bà, có nên mở rộng sang các ngành đang thiếu vốn, nhất là điện?

- Đúng vậy, chúng ta hoan nghênh chủ trương đổi mới và khi đã thấy chủ trương đúng thì cần nhân rộng. Ngành điện liên tục kêu thiếu vốn, phải tăng giá điện, trong khi Tập đoàn Điện lực VN (EVN) đầu tư và đang sở hữu rất nhiều nhà máy điện với mỗi nhà máy có vốn đầu tư hàng tỉ USD. Nếu bán thì EVN chắc chắn sẽ có thêm một nguồn vốn lớn để đầu tư tiếp các nhà máy điện, tránh thiếu điện.

EVN có năng lực và kinh nghiệm đầu tư nhà máy điện, trong khi nếu họ bán các nhà máy điện đi, trước mắt là các nhà máy nhiệt điện, sau đó là một số thủy điện... thay vì chỉ cổ phần hóa một tỉ lệ nhất định sẽ có nhiều cái lợi.

Thứ nhất EVN có vốn nhanh. Thứ hai là để các doanh nghiệp ở thành phần khác vận hành nhà máy, họ sẽ phải nỗ lực cơ cấu lại bộ máy, giảm chi phí, vận hành hiệu quả hơn, từ đó giảm giá thành điện, giảm áp lực tăng giá điện...

* TS BÙI ĐỨC THỤ (ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - ngân sách Quốc hội):

Phải có công cụ hạn chế thất thoát vốn và chống độc quyền

Trao đổi với chúng tôi liên quan đến đề xuất bán hoặc nhượng quyền thương mại nhà ga hàng không, sân bay, đường cao tốc..., ông Bùi Đức Thụ, ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - ngân sách, cho rằng ngoài các hình thức đầu tư đã thực hiện như BOT, PPP..., việc bán lại một phần vốn nhà nước đã đầu tư trước đó để lấy vốn cho đầu tư phát triển các cơ sở hạ tầng mới là động thái cần thiết trong bối cảnh nợ công của VN đã ở mức cao, tình hình thu ngân sách cũng rất khó khăn, bội chi luôn ở mức cao trong nhiều năm...

Tuy nhiên bán với giá nào, rồi việc chuyển đổi quyền khai thác, quyền chủ sở hữu sẽ tác động như thế nào đối với kinh tế - xã hội, với người dân là những vấn đề cần tính toán, cân nhắc dưới nhiều góc độ.

Nếu chỉ bán với mục tiêu có tiền đầu tư mới, bán rẻ thì quá dễ nhưng sẽ dẫn đến thất thoát vốn, tài sản nhà nước. Hơn nữa, một khi bán quyền khai thác hoặc bán đứt quyền sở hữu mà nó tác động mạnh đến nghĩa vụ đóng góp, khiến người dân phải đóng góp cao phải hết sức cân nhắc.

Cũng có một số ý kiến đặt vấn đề có nên cho phép doanh nghiệp nhà nước mua lại cơ sở hạ tầng của Nhà nước đầu tư không, sau khi có thông tin Vietnam Airlines đề xuất được mua lại nhà ga T1 Nội Bài.

Theo tôi, doanh nghiệp nhà nước cũng là doanh nghiệp hoạt động theo Luật doanh nghiệp, là một thực thể trong nền kinh tế, do đó họ cũng bình đẳng với các loại hình doanh nghiệp khác.

Hơn nữa đây không phải là chuyện một doanh nghiệp nhà nước bán cho doanh nghiệp nhà nước khác, mà hạ tầng như sân bay, bến cảng đầu tư từ vốn nhà nước và nó là tài sản nhà nước, tức chủ thể là Nhà nước.

Và khi Nhà nước xã hội hóa, có thể bán lại cho doanh nghiệp để họ thực hiện quản trị, kinh doanh là hoàn toàn có thể được. Vấn đề ở đây là bán với giá nào, có công khai, minh bạch, có cạnh tranh và có phải là giá thị trường không...

Điều lo nhất là bán mà chỉ có một vài người mua và đằng sau đó là thỏa thuận ngầm nào đó, như vậy sẽ làm thiệt hại, thất thoát cho Nhà nước, chưa kể khi người ta mua được quyền khai thác thì có rơi vào tình trạng độc quyền hay không... Do đó Nhà nước phải có công cụ để kiểm soát những vấn đề trên.

LÊ KIÊN ghi

 

CẦM VĂN KÌNH thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên