16/12/2014 14:38 GMT+7

​“Ép” tiểu thương... phải làm giám đốc

NHƯ BÌNH
NHƯ BÌNH

TT - Các tiểu thương, hộ kinh doanh nhỏ lẻ đang lo lắng trước quy định có hiệu lực từ ngày 1-1-2015: muốn có hóa đơn xuất cho khách phải chuyển thành doanh nghiệp tư nhân hoặc công ty.

Một cửa hàng bán tạp hóa, đồ chơi trên đường Hai Bà Trưng, Q.3, TP.HCM. Nếu muốn có hóa đơn xuất cho khách, hộ kinh doanh này phải làm thủ tục chuyển thành công ty Ảnh: TIẾN LONG

Và như vậy họ trở thành những giám đốc bất đắc dĩ.

Hàng chục ngàn hộ kinh doanh, trong đó có các tiểu thương đang như “ngồi trên lửa”, bởi từ ngày 1-1-2015 họ sẽ không được mua hóa đơn của các chi cục thuế, đồng thời phải nộp thuế theo phương thức thuế khoán.

Còn nếu muốn có hóa đơn xuất bán cho khách, họ phải làm thủ tục chuyển lên doanh nghiệp tư nhân hoặc công ty.

Theo Cục Thuế TP.HCM, đây là một trong những điều chỉnh nằm trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế có hiệu lực từ đầu năm 2015. Khi áp dụng sẽ có khoảng 20% trong số 270.000 hộ kinh doanh cá thể trên địa bàn sẽ phải chuyển đổi mô hình.

Cần phải có lộ trình để thực hiện sự thay đổi này thay vì gấp gáp triển khai thực hiện làm xáo trộn việc kinh doanh của rất nhiều hộ kinh doanh cá thể
Ông Nguyễn Bá Thiện (kinh doanh cửa hàng văn phòng phẩm Phúc Thông, huyện Bình Chánh, TP.HCM)

Tìm đâu ra hóa đơn?

Ông Nguyễn Bá Thiện, kinh doanh cửa hàng văn phòng phẩm Phúc Thông (huyện Bình Chánh, TP.HCM), kể vừa rồi ông tới Chi cục Thuế báo cáo thuế định kỳ hằng tháng thì được cán bộ thuế thông báo năm 2015 sẽ áp dụng thuế khoán cho tất cả hộ kinh doanh cá thể nên ông sẽ không được mua hóa đơn của Chi cục Thuế nữa, nếu muốn có hóa đơn, hộ kinh doanh như ông phải chuyển lên công ty.

“Chúng tôi hết sức bất ngờ trước quy định này của Bộ Tài chính, bởi vì theo cách tính thuế hiện tại thì chúng tôi vẫn nộp thuế đầy đủ cho Nhà nước dựa vào doanh số trên hóa đơn mỗi tháng, giống như doanh số trên hóa đơn của các doanh nghiệp, công ty” - ông Thiện lo lắng.

Lâu nay có hai hình thức tính thuế cho các hộ kinh doanh cá thể như ông Thiện.

Theo đó, đối với các hộ kinh doanh cá thể không xác định được doanh thu, không mua hóa đơn từ các chi cục thuế sẽ được tính thuế khoán. Còn những hộ xác định được doanh thu, có mua hóa đơn từ các chi cục thuế để xuất bán cho khách hàng thì được tính thuế theo tỉ lệ phần trăm nhân doanh thu trên tổng hóa đơn/tháng.

Còn quy định mới này, chỉ có một hình thức tính thuế: tất cả hộ cá thể đều phải chuyển qua thuế khoán.

“Cách tính mới, cửa hàng phải đóng thuế tăng lên 1,5% so với 1% như hiện nay, nhưng điều chúng tôi lo lắng là liệu cửa hàng có còn được xuất hóa đơn khi bán hàng hay không? Từ đây đến cuối năm chỉ còn hai tuần, nếu áp dụng ngay thì cửa hàng tôi sẽ không biết xoay xở ra sao vì khách chủ yếu là các công ty, họ thanh toán chuyển khoản nên cần hóa đơn để quyết toán” - ông Thiện nói.

Tương tự, anh Nguyễn Thành Nam - chủ một cơ sở bán vật liệu xây dựng ở Q.Tân Bình - cho biết trước đây, hằng tháng cửa hàng của anh được cấp hai cuốn hóa đơn để bán hàng. Cuối tháng, cơ sở kinh doanh sẽ cộng lại tất cả hóa đơn đó, biết doanh số trong tháng và đóng thuế VAT trên phần trăm của tổng hóa đơn.

Tuy nhiên, với cách tính mới này, những hộ kinh doanh cá thể như anh Nam sẽ được ấn định thuế khoán và chỉ phải đóng thuế một lần trong năm. “Khoán cũng có nghĩa không sử dụng hóa đơn nữa, vậy làm sao bán hàng?” - anh Nam băn khoăn.

Ông Nguyễn Hữu Hoàng, kinh doanh mặt hàng thực phẩm ở Q.Bình Thạnh, cũng đang bối rối vì lo sắp tới không biết lấy đâu ra hóa đơn để bán hàng.

“Nếu cơ quan quản lý thăm dò ý kiến, lắng nghe ý kiến phản biện, được hay chưa hợp lý chỗ nào thì hay biết mấy. Chứ bây giờ chỉ còn vài ngày, muốn chuyển lên doanh nghiệp cũng không kịp lại đang vào mùa cao điểm bán hàng” - ông Hoàng tâm sự.

Theo nhiều hộ kinh doanh, hiện các chi cục thuế hướng dẫn nếu muốn mua hóa đơn để xuất bán cho khách hàng, các hộ kinh doanh cá thể phải làm thủ tục chuyển sang loại hình doanh nghiệp tư nhân hoặc công ty TNHH.

Tuy nhiên, ông Thiện cho rằng hiện nay hộ ông chỉ cần khoảng ba người, nếu lên công ty phải cần 7-10 người, cồng kềnh không cần thiết.

Theo ông Lê Văn Nhàn - chủ cơ sở hàng trang trí nội thất Phương Giang (Q.Phú Nhuận, TP.HCM), việc thay đổi về thuế quá đột ngột sẽ khiến hộ kinh doanh gặp khó khăn - Ảnh: Tiến Long
Theo ông Lê Văn Nhàn - chủ cơ sở hàng trang trí nội thất Phương Giang (Q.Phú Nhuận, TP.HCM), việc thay đổi về thuế quá đột ngột sẽ khiến hộ kinh doanh gặp khó khăn - Ảnh: Tiến Long

Gần 54.000 hộ sẽ lên công ty?

Đại diện Cục Thuế TP.HCM cho biết công tác quản lý thu thuế hộ kinh doanh cá thể từ trước đến nay rất phức tạp, tốn nhiều công sức.

Với điều chỉnh mới này, các hộ kinh doanh (có doanh thu trên 100 triệu đồng/năm) này sẽ xác định được số tiền nộp thuế khi cơ quan thuế ấn định doanh thu của một năm để thu thuế theo tỉ lệ nhất định nên minh bạch được số thuế phải thu, tránh được nhũng nhiễu của cán bộ thuế.

Bà Trần Thị Lệ Nga, cục phó Cục Thuế TP.HCM, cho biết hiện TP có 270.000 hộ kinh doanh cá thể, trong đó khoảng 18-20% là hộ lớn, còn lại 80% là hộ vừa và nhỏ.

Điều này được hiểu khoảng 80% hộ kinh doanh cá thể hiện nay chủ yếu là tiểu thương các chợ, cửa hàng ăn uống, nhà nghỉ... đang nộp thuế khoán nên không phải xuất hóa đơn, 20% còn lại nộp thuế theo kê khai, khi bán hàng thì xuất hóa đơn.

“Cách quản lý thuế mới sẽ chỉ áp dụng một hình thức tính thuế, tất cả hộ cá thể đều phải qua thuế khoán. Như vậy, trong số này sẽ có nhiều hộ phải chuyển lên doanh nghiệp tư nhân hoặc công ty TNHH, bởi các hộ lớn có giao dịch, cung cấp hàng hóa cho doanh nghiệp cần phải xuất hóa đơn, nếu không sẽ không bán được hàng” - bà Trần Thị Lệ Nga cho biết.

Cũng theo bà Nga, nếu khoán rồi mà doanh nghiệp có nhu cầu xuất hóa đơn thì Chi cục Thuế vẫn xuất hóa đơn nhưng cuối năm phải xem lại doanh thu xuất hóa đơn và doanh thu thuế khoán có trùng khớp nhau không. Nếu cao hơn thì phải tính thêm phần chênh lệch.

Tuy nhiên, nhiều hộ kinh doanh cho rằng nếu đã thu thuế khoán rồi mà còn thu thuế trên mỗi lần mua hóa đơn là tính thuế thêm lần nữa. Hộ kinh doanh không được tiếp tục giữ hóa đơn tài chính để xuất cho khách hàng mà phải đến cơ quan thuế mua từng hóa đơn, sẽ phức tạp hơn nhiều.

Trong khi đó, với giải pháp chuyển đổi mô hình lên doanh nghiệp, theo Luật doanh nghiệp có hiệu lực từ ngày 1-7-2015, hộ kinh doanh phải có trên 10 nhân sự mới phải thành lập công ty. Nếu lên doanh nghiệp thì những hộ này phải tăng lao động, hệ thống sổ sách, kế toán cũng phải tổ chức lại, rất nhiều thủ tục phát sinh mà quy mô hộ kinh doanh trong thời gian ngắn chưa thể đáp ứng ngay.

“Chưa kể, mỗi lần khách đến mua phải nói với khách chờ tôi đi mua hóa đơn trên thuế thì có nước đóng cửa. Do đó, cần có thời gian để các hộ kinh doanh chuẩn bị. Tốt nhất là nên dời cùng với thời điểm Luật doanh nghiệp (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 1-7” - đại diện một hộ kinh doanh kiến nghị.

Cục Thuế TP.HCM cũng thừa nhận trong quá trình triển khai đến các chi cục thuế, đơn vị cũng gặp vướng mắc, vì thực tế có những quán ăn lớn, nhân viên phục vụ cũng trên 10 lao động, nếu buộc phải lên công ty trong thời gian ngắn sẽ khó cho họ nhưng đây là những hộ kinh doanh gia đình, họ không có kinh nghiệm kế toán, sổ sách.

“Trước mắt, cơ quan thuế sẽ kiến nghị Bộ Tài chính ban hành lộ trình thực thi hoặc phương thức quản lý hộ cá thể sử dụng hóa đơn sao cho phù hợp thực tế” - bà Nga cho biết.

Ấn định thuế khoán như thế nào?

Theo cách quản lý mới, cơ quan thuế sẽ ấn định thuế khoán cho các hộ kinh doanh. Đại diện Cục Thuế TP.HCM cho biết để ấn định doanh thu, trước tiên các hộ cá thể phải tự kê khai theo thực tế kinh doanh.

Dựa trên con số này, cơ quan thuế có điều tra các ngành hàng tương đương, thông qua hội đồng tư vấn thuế phường xã hoặc ban quản lý chợ, sau đó chuyển về cục, cục sẽ cân đối mức thuế khoán cho hợp lý. Ví dụ cửa hàng kinh doanh vật liệu xây dựng trên đường Lý Thường Kiệt sẽ liên quan đến ba quận là 10, 11 và Tân Bình.

”Không thể nào hộ có quy mô như nhau lại có mức chênh lệch quá xa nhau. Cục Thuế sẽ có nhiệm vụ xác định cân đối để đảm bảo việc ấn định doanh thu hợp lý, công bằng để đảm bảo không thất thu nhưng vẫn phù hợp với thực tế kinh doanh” - bà Nga cho biết.

Về công tác triển khai, do luật đã có hiệu lực cận kề nên Cục Thuế phải triển khai nhanh chóng xuống các chi cục, in tờ khai mẫu mới, phát tờ khai cho các hộ kinh doanh, hướng dẫn kê khai mẫu mới.

Công tác này phải hoàn thành trước ngày 25-1-2015. Chi cục Thuế sẽ niêm yết công khai mức doanh thu, thuế của các hộ ở ban quản lý chợ và UBND phường, xã.

 

NHƯ BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên