11/09/2014 05:51 GMT+7

​Quản lý không phải để gây khó

CẦM VĂN KÌNH
CẦM VĂN KÌNH

TT - “Rà soát cái gì gây phiền hà, khó khăn cho dân thì bãi bỏ ngay” - Thủ tướng chỉ đạo như vậy tại buổi làm việc với Bộ Kế hoạch - đầu tư (KH-ĐT) ngày 10-9.

Người dân chờ trả kết quả đăng ký doanh nghiệp tại Sở Kế hoạch - đầu tư TP.HCM chiều 9-9 - Ảnh: Quang Định
"Tôi nhận được văn bản các quốc gia, thủ tướng hay tổng thống đều không thấy có dấu. Sao ta cứ phải có dấu? Thư mời Thủ tướng Ấn Độ cho tôi cũng không có dấu..."

Thủ tướng NGUYỄN TẤN DŨNG

Phát biểu tại buổi làm việc về cải cách thủ tục hành chính trong thành lập, giải thể doanh nghiệp và thực hiện hoạt động đầu tư, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ đạo các bộ, ngành phải rà soát bỏ ngay những thủ tục rườm rà.

Với sự có mặt của nhiều bộ ngành, Bộ KH-ĐT đã công khai những tỉnh, thành có tiến bộ trong việc giảm thời gian khởi sự kinh doanh cho doanh nghiệp. Những tỉnh thành còn có thời gian dài cũng được công bố.

Nên bỏ thuế môn bài

Tồn đọng hồ sơ đăng ký

Báo cáo của Bộ KH-ĐT cũng nêu rõ hồ sơ đăng ký thành lập của doanh nghiệp tại nhiều tỉnh không được xử lý đúng hạn theo quy định mà bị tồn đọng, như Quảng Ninh số hồ sơ bị quá hạn tới 45,7%, Gia Lai 44,8%, Bến Tre 24,8%...

Mở đầu buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Bùi Quang Vinh nêu nếu như trước năm 2005 VN còn 32 ngày để hoàn thành thủ tục gia nhập thị trường thì kể từ năm 2008 chỉ còn tối đa năm ngày làm việc.

Ông Vinh công bố có 18 tỉnh đã cố gắng đưa thời gian cấp đăng ký cho doanh nghiệp xuống chỉ còn dưới hai ngày (trong đó có Bắc Giang, Cao Bằng, Kiên Giang, Lào Cai...).

Tuy nhiên theo báo cáo của ông Vinh, cũng còn hàng loạt tỉnh thành có thời gian cấp đăng ký kinh doanh trên năm ngày gồm: Hà Tĩnh, Lạng Sơn, TP.HCM, Gia Lai, Bến Tre. Đặc biệt, Long An “đội sổ” với thời gian cần tới 12,6 ngày.

Để cắt giảm thủ tục, ông Bùi Quang Vinh đưa ra hàng loạt đề xuất như đề nghị Bộ Tài chính chỉ đạo cơ quan thuế cấp mã số doanh nghiệp tự động (hiện đang cần tới hai ngày). Với các ngành nghề kinh doanh có điều kiện, theo ông Vinh, cũng cần theo hướng rõ ràng, minh bạch.

Dẫn chứng trường hợp ở châu Âu, ông Vinh cho biết nhiều nước quy định nhiều ngành nghề kinh doanh có điều kiện, nhưng người dân không cần đi xin mà cứ tra các điều kiện để tuân thủ. Cơ quan nhà nước chỉ đi hậu kiểm, “chứ không phải mở cửa hàng phải đi một vòng xin giấy phép”.

Liên quan đến các thủ tục đầu tư, Thứ trưởng Bộ Công an Bùi Văn Thành nhắc các thủ tục liên quan đến đất đai hiện đang như “ma trận”. Ông Thành thú thật: “Cá nhân tôi cũng đi làm các việc này cho lực lượng của chúng tôi mà còn gặp khó thì doanh nghiệp thật là bó tay”.

Ông Nguyễn Đình Cung, viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, chỉ rõ những điều VN còn có thể cải cách thêm để giúp doanh nghiệp như: gắn việc nộp thuế môn bài với thành lập doanh nghiệp, bỏ hẳn việc doanh nghiệp phải mua hóa đơn, đơn giản hóa thủ tục mở tài khoản ngân hàng...

Đặc biệt, quy định về khắc dấu và con dấu, ông Cung nêu việc làm con dấu hiện nay gây khá nhiều phiền hà.

“Ta coi con dấu như tài sản quốc gia. Nếu coi đó là tài sản doanh nghiệp thì không cần chạy theo để quản như hiện tại. Tốt nhất là bỏ”... Nếu cải cách thêm theo hướng trên, theo ông Cung, VN sẽ đứng trong tốp đầu thuận lợi về khởi sự doanh nghiệp.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn còn đưa ra những hướng cải cách mạnh bạo hơn. Theo ông Tuấn, việc cấp mã số doanh nghiệp đã thay mã số thuế. Ông Tuấn tiết lộ khả năng có thể cấp mã số này chỉ trong năm phút, thay vì hai ngày. Tuy nhiên, sẽ phải xử lý thêm một số khâu thủ công.

Về thuế môn bài, ông Tuấn công nhận các nước không thu. Hiện thuế môn bài mỗi năm thu hơn 1.100 tỉ đồng, ông Tuấn cho rằng đã đến lúc nên bỏ. Về con dấu, ông Tuấn nói nếu phí đăng ký chữ ký số ban đầu chỉ còn 740.000 đồng, miễn phí năm đầu, phí duy trì 600.000 đồng/năm thì chữ ký số có thể dùng cho các cơ quan, doanh nghiệp, thậm chí cơ quan quốc gia.

Phải tăng sức cạnh tranh

Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định một trong những công việc tạo đột phá của Chính phủ năm 2014 là nâng cao năng lực cạnh tranh. Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành tự rà soát để hoàn thiện thể chế. “Ta đã mở rộng quá (...). Nên bỏ cấp huyện, xã cũng ban hành văn bản pháp quy đi để nhẹ cho dân. Cấp huyện, xã chỉ tổ chức thực hiện”.

Nhắc lại bản công bố của Bộ KH-ĐT, Thủ tướng nói ông mừng khi có 18 tỉnh đăng ký kinh doanh cho doanh nghiệp chỉ cần hai ngày. Thủ tướng hỏi: tỉnh này làm được sao tỉnh khác không làm được? Vì vậy yêu cầu tới đây tất cả các tỉnh sẽ phải đạt được mức mà 18 tỉnh đã làm được.

“Phải kéo thời gian xuống bình quân còn hai ngày ngay trong năm nay, cần văn bản hình thức gì thì ban hành” - Thủ tướng nhấn mạnh.

Nêu cụ thể một số thủ tục như đăng ký thành lập công đoàn mất một ngày, theo Thủ tướng, cần áp dụng công nghệ thông tin, cho đăng ký trên mạng, doanh nghiệp không phải làm đơn hoặc công đoàn huyện phải hỗ trợ. Hay thủ tục đăng ký lao động, đăng ký bảo hiểm xã hội... cần cơ chế một cửa. “Đăng ký lao động có gì đâu, phải dứt khoát đưa công nghệ thông tin vào”.

Về chữ ký số, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công an xem lại việc cần đến công an làm con dấu hay doanh nghiệp chỉ đăng ký, hoặc tiến tới chữ ký số.

Nhắc lại câu chuyện vỡ đập thủy điện ở Tây nguyên, hỏi thì thấy ông tư vấn lại không có nghề tư vấn thủy điện, Thủ tướng nêu những việc cần đảm bảo an toàn cho xã hội thì phải giữ nhưng phải rõ, thuận lợi hơn, thời gian ngắn. Cần tăng cường công bố điều kiện để dân bấm máy có thể biết và thực hiện, cơ quan nhà nước chỉ đi hậu kiểm.

“Các loại phải xin phép mới được làm cần ít đi” - Thủ tướng nói.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng chỉ đạo một số quy hoạch sản phẩm cụ thể cần xem lại. Hiện xã cũng được ban hành quy hoạch, mà đặt ra quy hoạch rồi thì xin cho để sửa, bổ sung quy hoạch. Hay thêm thủ tục, bữa khác thêm dấu phẩy, thêm khổ sở.

Nhắc câu chuyện Samsung làm nhà máy ở VN rất nhanh, LG mới làm giờ đã chuẩn bị xuất khẩu, Thủ tướng nói “họ làm nhanh như thế mới cạnh tranh được” và chỉ đạo soạn thảo một văn bản nêu những việc đã kết luận tại cuộc làm việc, giao việc cho từng bộ, để đến cuối năm phải có tiến bộ rõ nét.

Chính phủ đang trình Luật đầu tư, Luật doanh nghiệp sửa đổi, tinh thần là quyết tâm đổi mới, giảm thủ tục không cần thiết. Theo Thủ tướng, cơ quan nhà nước phải quản lý nhưng quản lý để phát triển chứ không phải để gây khó khăn.

“Rà soát cái gì gây phiền hà, khó khăn cho dân thì bãi bỏ ngay” - Thủ tướng chỉ đạo.

 

 

CẦM VĂN KÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên