28/09/2013 09:37 GMT+7

Ồ ạt phá rừng làm cao su

CẦM VĂN KÌNH
CẦM VĂN KÌNH

TT - Việc chuyển đổi rừng nghèo sang trồng cao su đã bị lạm dụng, không chỉ khai thác gỗ mà còn những mục đích khác.

BGNvAFSO.jpgPhóng to
Đại diện UBND huyện Chư Prông, Gia Lai kiểm tra khu vực chuyển đổi từ rừng nghèo sang trồng cao su tại Công ty TNHH MTV Cao su Chư Prông - Ảnh: Công Bắc

Hàng chục ngàn hecta rừng tự nhiên ở nhiều tỉnh, đặc biệt tại khu vực Tây nguyên, đã và đang bị chuyển đổi sang đất trồng cao su. Điều đáng nói, mục đích trên giấy là chuyển đổi trồng cao su nhưng thực tế đang bị lợi dụng để khai thác gỗ và những mục đích khác...

Thông tin trên đã được các chuyên gia công bố tại hội thảo của Viện Khoa học lâm nghiệp ngày 27-9. Theo PGS.TS Triệu Văn Hùng - giám đốc Viện Khoa học lâm nghiệp VN, năm 2009 Thủ tướng đã phê duyệt quy hoạch phát triển cao su, theo đó đến năm 2020 VN sẽ có diện tích trồng cao su ổn định là 800.000ha. Thế nhưng chỉ sau ba năm, đến năm 2012 diện tích trồng cao su lên đến 915.000ha - vượt xa quy hoạch cho năm 2020.

“Đè” nát quy hoạch...

“Không bán được gỗ là họ buồn”

Ông Chu Quốc Hội, Viện Điều tra quy hoạch rừng, nêu thực tế đi khảo sát của viện gần đây và cho rằng thực chất chuyển đổi rừng sang trồng cao su thì... chuyển rừng giàu là chính. “Không bán được gỗ là họ buồn” - ông Hội nói và cho rằng rừng nghèo thực chỉ chiếm 10-20%. “Vùng Tây Bắc rừng phục hồi đang phát triển tốt vì có một số hồ thủy điện. Nhưng có nơi lại xếp vào dạng rừng nghèo, trong khi nó không phải là rừng nghèo”...

Ông Hùng cho biết ngay Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) cũng có báo cáo công nhận 79% diện tích trồng mới cao su từ đất rừng tự nhiên. Đặc biệt, bộ này thừa nhận không phải toàn bộ diện tích này đều là rừng nghèo kiệt. “Việc phát triển ồ ạt cao su ở các địa phương đang dẫn đến mất rừng, suy thoái môi trường” - ông Hùng chua xót.

Tương tự, GS.TSKH Nguyễn Ngọc Lung (Viện Quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng) nêu thực trạng mất gỗ của các dự án trồng cao su là không nhỏ.

Dẫn chứng từ báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án đầu tư phát triển cao su tại tiểu khu 935, 936 (xã Ia Púch, huyện Chư Prông, Gia Lai) của chính Công ty Bình Dương (Binh đoàn 15) GS Lung cho biết riêng dự án này đã lấy 924,6ha, trong đó có 0,6ha rừng giàu, 38,9ha rừng trung bình.

Và tổng lượng gỗ phát sinh khi phát quang, khai hoang dự án, theo GS Lung, doanh nghiệp đã thu hơn 52.000m3 gỗ. Trong đó, ngay chính rừng nghèo, số lượng gỗ lớn nhất lên tới 47.000m3.

Trình bày báo cáo “Phát triển cao su và bảo vệ rừng ở VN” của hai tổ chức quốc tế là Forest Trends và Tropenbos, ông Trần Hữu Nghị - giám đốc Tropenbos VN - khẳng định kết quả nghiên cứu cho thấy quá trình chuyển đổi rừng sang trồng cao su tại một số địa phương đã bị lạm dụng, không phải chỉ bởi các công ty cao su mà còn cả do “sự ưu ái” của chính quyền địa phương. Ông Nghị nêu với 200 dự án trồng cao su ở Tây nguyên được cho là chuyển từ rừng nghèo kiệt, kết quả khảo sát cho thấy “người ta” đã thu được tới hơn 397.000m3 gỗ rừng tự nhiên. Tuy nhiên, ông Nghị cho rằng đây chưa chắc đã là con số phản ánh hết tình hình thực tế...

aEe8ot4a.jpgPhóng to
Đại diện UBND huyện Chư Prông (Gia Lai - giữa) kiểm tra công tác chuyển đổi rừng nghèo sang trồng cao su tại Công ty TNHH MTV cao su Chư Prông - Ảnh: Công Bắc

Lợi ích nhóm lợi dụng chính sách?

Theo GS.TSKH Nguyễn Ngọc Lung, một trong những lý do dẫn đến việc trồng ồ ạt cao su là từ năm 2006, sau hội nghị phát triển kinh tế - xã hội Tây nguyên ở TP.HCM, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản thông báo ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, trong đó giao Tổng công ty Cao su chủ trì, phối hợp với Bộ NN&PTNT làm việc cụ thể với từng tỉnh để trong năm năm tới phát triển được 90.000-100.000ha cao su tại Tây nguyên (đất lấy từ những dự án trồng cây nguyên liệu kém hiệu quả, diện tích đất giảm từ trồng cây cà phê và một số lâm trường có đất rừng nghèo kiệt). Ngay sau đó, khi Bộ NN&PTNT chưa hướng dẫn, hàng loạt tỉnh đã “tranh thủ” làm ngay.

Điều đáng nói là Nhà nước cho cả Tây nguyên 90.000-100.000ha, nhưng chỉ riêng Gia Lai đã ra thông báo quy hoạch 60.000ha làm cao su mới. Các tỉnh khác cũng tranh thủ mà không đợi quy hoạch phân bổ tỉnh này bao nhiêu, tỉnh kia bao nhiêu. Sự vội vàng đó, theo ông Lung, “vì quyền lợi cục bộ địa phương hoặc nhóm lợi ích”.

“Nhiều “đại gia” chọn đất làm cao su lại không hẳn vì trồng cây cao su. Vì khu đất đó có bốn tháng hạn, ba tháng úng, không thể phù hợp trồng cao su” - ông Lung nói. Nhưng khi trồng không thành công, họ sẽ xin chuyển đổi mục đích sử dụng khác...

Hệ quả, ông Nguyễn Ngọc Lung đưa số liệu cho thấy nhiều xã ở Tây nguyên bỗng có gần chục dự án trồng cao su. Như xã La Put (Gia Lai) có tới chín dự án, xã La Blư (Gia Lai) sáu dự án, Ea T’Mốt (Đắk Lắk) bảy dự án...

Dân lấy gì sinh sống?

Trước chất vấn của các nhà khoa học, ông Nguyễn Hồng Phú - phó tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Cao su VN (VNR) - khẳng định việc phát triển vượt quy hoạch không phải lỗi của tập đoàn bởi phần vượt là khu vực tư nhân, chứ bản thân tập đoàn còn chưa phát triển hết diện tích cao su Chính phủ giao!

Đặc biệt, theo ông Nguyễn Hồng Phú, ngay VNR cũng bức xúc tình trạng trồng cao su vượt quy hoạch. Cụ thể, trong 1 triệu tấn cao su xuất khẩu mỗi năm, VNR chỉ cung ứng khoảng 300.000 tấn, còn 700.000 tấn ở các thành phần kinh tế khác do không ai quản lý chất lượng, nên nước ngoài vào mua cứ thế giảm 3-5% giá cao su VN so với cao su Malaysia hay một số nước khác...

Trước trả lời của ông Phú, ông Vũ Long - chuyên gia lâm nghiệp - cảnh báo bài học giá lúa chất lượng thấp, giá thấp, khó bán có lặp lại với cao su? GS.TSKH Nguyễn Ngọc Lung cho rằng thị trường không tốt đẹp như ta nghĩ, giá đang xuống. VN có thị trường Trung Quốc rất bấp bênh, mà đây là thị trường lớn nhất. VN cũng không còn trong giai đoạn nghèo đói nữa, vì vậy không nên làm cao su với bất cứ giá nào...

Ông Trần Hữu Nghị nêu khuyến cáo cần tăng cường giám sát với quá trình thẩm định dự án và thực hiện chuyển đổi rừng. Chính phủ nên cân nhắc áp dụng cơ chế đồng thuận, doanh nghiệp phải tham vấn người dân, áp dụng nguyên tắc tự nguyện trên tất cả dự án chuyển đổi đất lâm nghiệp sang đất trồng cao su. Bởi theo ông Nghị, nếu để rừng cộng đồng nhường chỗ cho cao su không chỉ làm mất không gian văn hóa mà còn tước đoạt quyền tiếp cận của các hộ gia đình với nguồn tài nguyên rừng...

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

Lâm tặc “xẻ thịt” hàng loạt gỗ lớnNam Trường Sơn mất gần 30 ngàn ha rừng mỗi nămCán bộ làm ngơ, hơn 2.000ha rừng tan nátTiêu hủy gần 600 phương tiện phá rừng của lâm tặcHàng ngàn người tràn vào rừng đầu nguồn chặt phá, giành đấtPhá rừng phòng hộ lấy đất sản xuất

CẦM VĂN KÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên