20/09/2014 05:37 GMT+7

​Đề thi đóng vai trò then chốt

TS NGUYỄN ĐỨC NGHĨA
TS NGUYỄN ĐỨC NGHĨA

TT - Quyết định tổ chức một kỳ thi trung học phổ thông quốc gia (THPT QG) nhằm hai làm cơ sở công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ đã được công bố.

Đồ họa: Vĩ Cường
Đồ họa: Vĩ Cường

Dẫu còn nhiều vấn đề kỹ thuật phải tiếp tục được tính toán, nhưng với thông tin chính thức này các thí sinh tương lai của kỳ thi đã được định hình khá rõ nét cho kỳ thi sắp tới.

Ý tưởng một kỳ thi hợp nhất đã được chính thức nêu ra từ năm 2007 nhưng do nhiều yếu tố nên chưa chuyển thành hiện thực. Tuy nhiên, có lẽ đây là điểm đến tất yếu của hai kỳ thi khi số lượng thí sinh đăng ký dự thi tuyển sinh ĐH, CĐ hằng năm ngày càng giảm và tiệm cận với số lượng thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT.

Dự kiến kỳ thi THPT QG được tổ chức với tám môn thi. Để được xét tốt nghiệp THPT và đăng ký xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ, thí sinh phải thi tối thiểu bốn môn, trong đó có ba môn bắt buộc là toán, văn và ngoại ngữ, môn còn lại sẽ được thí sinh tùy chọn trong các môn vật lý, hóa học, sinh học, lịch sử, địa lý.

Dù đến đầu năm 2015 các trường ĐH, CĐ mới công bố chi tiết điều kiện xét tuyển, nhưng vì các trường sẽ phải xét tuyển theo các môn của khối thi như năm 2014 nên có thể dự đoán phần lớn thí sinh sẽ đăng ký dự thi từ năm môn trở lên để tăng cơ hội xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ.

Với mục tiêu vừa làm căn cứ để xét tốt nghiệp THPT vừa làm cơ sở để xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ trong cùng một kỳ thi THPT QG, đề thi sẽ đóng vai trò quyết định quan trọng.

Nếu như trước đây kỳ thi tốt nghiệp THPT chỉ nhằm mục tiêu đánh giá mức độ tiếp thu kiến thức của học sinh với tỉ lệ tốt nghiệp năm 2014 đạt hơn 99% thì kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ trước đây mang tính sàng lọc rất cao: chỉ có khoảng 60% số lượng thí sinh thật sự (không tính số trúng tuyển ảo) sẽ được xét tuyển vào học tại các trường ĐH, CĐ.

Với tỉ lệ tốt nghiệp gần như toàn bộ, hiển nhiên không thể có tình trạng “đùng một cái” năm 2015 tỉ lệ này lại giảm thấp nhiều so với những năm trước.

Hơn nữa, dù có tính thêm điểm trung bình năm học lớp 12, mức điểm thi từng môn cũng không được quá thấp dễ gây phản cảm học sinh kém mà vẫn tốt nghiệp THPT, nhưng đồng thời cũng phải mang tính phân loại cao để có thể xét tuyển được vào các trường ĐH, CĐ.

Để đạt cùng lúc những yêu cầu đó, độ khó nói riêng hay chất lượng của đề thi nói chung phải được chuẩn bị rất kỹ.

Phân tích kết quả các môn thi khối D1 (toán, văn, tiếng Anh là những môn bắt buộc trong kỳ thi THPT QG 2015) của kỳ thi tuyển sinh ĐH năm 2014 cho thấy rõ đề thi các môn khối D chỉ phục vụ cho xét tuyển vào ĐH với tính phân loại rất cao.

Điểm bình quân của hơn 170.000 thí sinh thi khối D năm 2014 là 13,8, trong đó điểm có số lượng thí sinh đạt nhiều nhất là 13,5, từ đó mức điểm sàn tối thiểu của khối D được ấn định là 13 điểm.

Tất cả mức điểm này đều được xem “dưới trung bình” là 15 điểm theo cách nhìn bình thường. Nếu tính đến điểm từng môn thì càng phải lưu ý hơn cho môn ngoại ngữ, khi mà số thí sinh điểm thấp chiếm đa số khiến đỉnh chuông của biểu đồ điểm lệch hẳn về bên trái.

Do vậy, phải chăng việc tính thêm điểm trung bình lớp 12 chính là “cứu tinh” cho nguy cơ điểm thấp của các môn thi của kỳ thi THPT QG để xét tốt nghiệp THPT nếu đề thi không đạt được cùng một lúc cả hai mục đích?

TS NGUYỄN ĐỨC NGHĨA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên