25/07/2017 15:31 GMT+7

Tìm ra 'bí mật' khiến chó thân thiện với người

TRỌNG NHÂN
TRỌNG NHÂN

TTO - Một trong những niềm vui khi nuôi chó là mỗi khi bạn về nhà, chúng lại vẫy đuôi hoặc liếm chân vui mừng. Các nhà khoa học mới đây đã 'giải mã' được hành động đáng yêu này của chúng.

Các nhà khoa học đã tìm được một vùng gene trên nhiễm sắc thể số 6 của loài chó quy định về sự thân thiện của chúng - Ảnh: Getty

Theo đó, một vài điểm đặc biệt trong các đoạn gene làm cho chó nhà dễ thương hơn chó sói và khiến cho một số giống chó dễ thương hơn những giống khác.

“Nghiên cứu cho thấy rằng cơ sở di truyền học cho những hành động thân thiện của chó nhà thậm chí có liên quan đến với cơ sở di truyền học hành vi ở loài người chúng ta”, Per Jensen, một nhà di truyền học hành vi từ Đại học Linkoping, Thụy Điển cho biết.

Trong hơn một thập kỷ qua, các nhà di truyền học đã phát hiện ra ADN có liên quan đến một số đặc điểm cơ bản ở loài chó như kích thước, màu lông và một số tính cách khác, nhưng hầu như chưa có nghiên cứu về mối liên hệ giữa di truyền học và những hành động của chúng.

7 năm trước, Monique Udell, nhà tâm lý học hành vi động vật ở trường Đại học Tiểu bang Oregon và nhà di truyền học Bridgett VonHoldt ở Đại học Princeton, New Jersey đã cùng nhau nghiên cứu mối liên hệ giữa gene và hành vi xã hội. Họ xem đây là điểm then chốt trong quá trình thuần hóa chó rừng.

Các nhà khoa học này rút ra kết luận loài chó hòa đồng hơn loài sói khi so sánh 18 con chó - cả thuần chủng lẫn không thuần chủng - với 10 con sói được nuôi dưỡng trong chuồng từ nhỏ ở Viện giáo dục tại Indiana.

Kết quả cho thấy, cả hai nhóm chó đều mừng chủ nhưng loài chó có xu hướng tương tác với con người trong thời gian lâu hơn nhiều so với loài sói, thậm chí khi chúng gặp người lạ.

Nhóm này sau đó tiếp tục nghiên cứu những người mắc hội chứng Williams - một dạng rối loạn phát triển khiến người bệnh bị thiểu năng trí tuệ nhưng lại làm cho họ rất thân thiện và biết cách nói chuyện. Hội chứng này có nguyên nhân từ việc mất một phần nhiễm sắc thể số 7.

VonHoldt tập trung vào đoạn ADN bị mất này bởi vì bà nhận thấy một vùng như vậy nhưng nằm trên nhiễm sắc thể số 6 ở chó, vốn rất quan trọng trong quá trình tiến hóa của chúng.

“Vùng gene này vốn đa dạng ở cả chó lẫn sói, tuy nhiên ở chó có nhiều phần bị thay đổi, bị mất đi hay lặp lại, tạo ra sự khác nhau khá rõ giữa hai loài”, VonHoldt nói. Những người bị hội chứng Williams cũng cho thấy mức độ đa dạng hệt như vậy, và ảnh hưởng đến những đặc điểm tính cách của họ, trong đó có sự thân thiện.

Càng ít những biến đổi trong đoạn gene này thì chó càng trở nên hung hăng hơn, có xu hướng giống sói hơn. 

Nghiên cứu này đã được công bố trên tạp chí Science Advances.

“Đây là bài báo đầu tiên nêu lên mối liên hệ giữa gene với tính cách dễ hòa đồng của loài chó”, Takefumi Kikusui, một nhà nhà hành vi học động vật ở Đại học Azabu, Nhật Bản cho biết, Sciencemag trích dẫn. 

“Loài người có tính xã hội cao nhất trong những loài linh trưởng. Có thể loài người và loài chó cùng sử dụng cùng một loại gene cho những hành vi xã hội này”, Kikusui bình luận.

Tuy nhiên một số chuyên gia cho rằng nghiên cứu cần được mở rộng ra nhiều chó và sói hơn nữa để đưa ra được kết luận chắc chắn. Kikusui cũng góp ý cần phải xem xét sự kết nối của những gene trạng thái này với nhiều loài chó hơn.

TRỌNG NHÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Tin cùng chuyên mục