Lũ về, thầy cô băng rừng đến trường để cứu sách vở

VĨNH HÀ
VĨNH HÀ

TTO - "Trên đường tới trường, chúng tôi đã nhiều lần tưởng không vượt qua được các quãng ngập, cầu bị chia cắt, chúng tôi phải đi đường xuyên rừng để đến trường".

Giáo viên và phụ huynh trường tiểu học Phong Hóa khiên bàn ghế tránh lũ, ảnh chụp sáng 31-10
Giáo viên và phụ huynh trường tiểu học Phong Hóa khiêng bàn ghế tránh lũ sáng 31-10

Một cô giáo ở Quảng Bình chia sẻ với Tuổi Trẻ trước tình cảnh phải chạy đua với lũ để cứu sách vở và đồ dùng dạy học. 

Sáng 31-10, tại Tuyên Hóa, Quảng Bình các trường học đã cho học sinh nghỉ học. Theo cô Phạm Thị Lệ Thủy, hiệu trưởng trường tiểu học Phong Hóa, nước đang lên rất nhanh nhưng nhiều giáo viên, phụ huynh học sinh của trường vẫn đội mưa, lội nước đến trường để  cất dọn những tài liệu, thiết bị dạy học. 

Trong 6 tiếng liên tục, bàn ghế của trường đã được đưa lên khu nhà cao tầng, các thiết bị, tài liệu còn sót lại và mới được hỗ trợ sau trận lũ trước đã được di chuyển đến nơi an toàn. Nỗi lo lắng càng tăng thêm với mỗi thầy, cô giáo ở đây. 

“Trường học lại chìm trong lũ, không biết chừng nào mới ổn định được việc dạy học. Lần này lũ về, học sinh của tôi sẽ càng khó khăn chồng chất nên chúng tôi rất lo lắng”, cô Thủy cho biết.

Cô Đoàn Thị Minh, hiệu trưởng trường tiểu học Cao Quảng, Tuyên Hóa cho biết lúc 0g12 ngày 31-10, nhận được thông tin từ loa truyền thanh của xã, lãnh đạo trường đã liên lạc, các thầy, cô giáo vội vã đến trường.

“Rất lo vì lũ ập đến nhanh thì không chạy kịp nhưng vẫn phải đến trường để tránh tối đa những thiệt hại. Trận lũ trước tràn vào, chúng tôi bị thiệt hại rất nặng, chưa kịp hồi phục. Bởi vậy, biết là nguy hiểm nhưng vẫn phải đi”, cô Minh cho biết.

“Trên đường tới trường, chúng tôi đã nhiều lần tưởng không vượt qua được các quãng ngập, cầu bị chia cắt, chúng tôi phải đi đường xuyên rừng để đến trường. Sách vở của học sinh, những vật dụng ít ỏi còn sót lại ở khu nội trú cần phải cứu được, điều đó thôi thúc chúng tôi phải đi”, cô Minh chia sẻ vội vã với Tuổi Trẻ.

Vì báo động vào đêm, không có điện đóm nên việc thu dọn khó khăn, rạng sáng 31-10 các thầy, cô trường Cao Quảng mới rời trường. Tới trưa 31-10, nhiều đoạn đường ở các xã Văn Hóa, Phong Hóa, Cao Quảng đã bị chia cắt.

“Trên đường chúng tôi từ trường về, nhiều đoạn đường ở trên cao nước lũ không lên được đã được người dân căng bạt để di chuyển đồ đạc đến ở tạm, lại tiếp tục một cảnh màn trời chiếu đất”, cô Đoàn Thị Minh thuật lại qua điện thoại.

Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ sau trận lũ ngày 16, 17-10, nhiều học sinh của các trường ở Tuyên Hóa gặp khó khăn, nhiều em không thể trở lại trường. Trường tiểu học Phong Hóa có 95/146 học sinh thuộc hộ nghèo, trận lũ đã khiến 91 em trong số này gia đình rơi vào cảnh vô cùng khó khăn.

Ở trường tiểu học Cao Quảng có 177./206 học sinh thuộc hộ nghèo, trong đó có hàng chục học sinh có hoàn cảnh rất khó khăn. Lũ chồng lũ, khó khăn chồng chất khó khăn là điều mà các thầy, cô giáo ở đây đang lo lắng.

Theo sở GD-ĐT Quảng Bình, trận lũ giữa tháng 10-2016 đã gây thiệt hại khoảng 105 tỉ đồng, với hàng trăm phòng học, hàng ngàn mét tường rào bị sập, hỏng, hàng ngàn bàn ghế bị trôi, hỏng, nhiều thiết bị dạy học bị hỏng trong đó có khoảng trên 50 ngàn bộ SGK, gần 30 ngàn bộ thiết bị dạy học bị nước cuốn trôi.

Quảng Bình cũng là tỉnh có thiệt hại về người trong trận lũ đã qua, với 8 học sinh bị lũ cuốn.

VĨNH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên