18/10/2016 08:41 GMT+7

“Tôi chọn bình yên”

DUYÊN PHAN
DUYÊN PHAN

TTO - Là tên dự án của một thầy giáo bộ môn giáo dục công dân Trường THPT Gia Định (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) cùng nhóm học sinh lớp 11D4 yêu thích môn học này. Dự án được khởi động từ đầu năm 2016.

Thầy Nguyễn Phạm Phúc thảo luận dự án cùng các học trò của mình  - Ảnh: DUYÊN PHAN

Với vỏn vẹn 30 phút, thông qua những thước phim do chính mình sản xuất, các em học sinh đã chuyển tải thông điệp “Đừng đánh đổi tuổi thơ lấy điểm số. Hãy để việc học tự nhiên và thoải mái” đến thầy cô, phụ huynh.

“Đừng mải mê chạy theo thành tích”

Dưới sự hướng dẫn của thầy Nguyễn Phạm Phúc - giáo viên giảng dạy môn giáo dục công dân, “Tôi chọn bình yên” trở thành dự án truyền thông của các học sinh khối 10 và 11. Các em tự viết kịch bản, tự đạo diễn, tự quay phim và tự hoàn chỉnh sản phẩm của chính mình.

“Trước khi làm thầy, tôi từng là học trò. Hơn nữa, ba mẹ tôi yêu cầu khá khắt khe về kết quả học tập. Đi dạy, nhìn các em, tôi thấy hình ảnh mình trong đó. Tôi quan niệm với học sinh thì việc học là quan trọng nhất. Nhưng nếu đã cố gắng hết mình, thậm chí vượt qua giới hạn bản thân mà kết quả không như mong muốn thì cũng không nên tự trách mình. Điều này tôi trăn trở đã lâu. Học kỳ này, tôi và các học sinh của mình đã quyết định chọn điều này làm ý tưởng cho chương trình dạy và học của mấy thầy trò” - thầy Phúc chia sẻ về nguồn gốc ý tưởng.

Dự án trên kéo dài trong 10 tuần với 11 tác phẩm của 11 lớp. Mỗi lớp thành một đội, trong lớp các em sẽ tự phân chia công việc để hoàn thành một clip hoàn chỉnh với nhiều thông điệp: “Đừng lớn trước tuổi! Đừng mải mê chạy theo thành tích”, “Đừng tự giam cầm mình trong bóng tối mỗi lần thi trượt, hay bản thân đã phụ đi sự kỳ vọng của bố mẹ”...

Mục tiêu của dự án là tác động vào nhận thức của mỗi người về vai trò của việc học, cùng những áp lực mà một học sinh phổ thông phải đối mặt khi đi học. Dự án cũng đưa ra giải pháp để các bạn học sinh có kỹ năng, bản lĩnh đối phó trước những khủng hoảng tâm lý do căn bệnh chạy theo thành tích học tập gây ra.

“Tôi chọn bình yên” cũng đã lọt vào top 20 cuộc thi “Giáo viên sáng tạo trên nền tảng công nghệ thông tin” năm 2016 (do Bộ GD-ĐT tổ chức).

Thay đổi cái nhìn của phụ huynh

“Giấc mơ chưa ngủ” là một sản phẩm nhẹ nhàng và sâu lắng của lớp 11D3, kể về câu chuyện của một học sinh tên Luân. Từ nhỏ, Luân đã không được làm những việc mình thích. Điển hình như trong buổi thôi nôi của Luân, Luân chọn chiếc ôtô thì bị mẹ giằng lại và mắng: “Mẹ không thích cái này. Con phải chọn cho mẹ quyển sách và cây viết. Mẹ muốn con lớn lên học thật giỏi”.

Từ đó, chuỗi ngày của Luân chỉ luẩn quẩn từ trường về nhà, cậu luôn phải sống cho ước mơ của mẹ. Càng lớn Luân càng trở nên khó tính và hay cáu gắt với mọi người. Đến khi không còn một ai bên cạnh, Luân mới nhận ra mình đã sống không đúng với lứa tuổi của mình. Clip kết thúc với thông điệp “Ba mẹ là hậu phương vững chắc cho con. Nhưng hãy để con sống với chính ước mơ của mình”.

Ở một góc cạnh khác, lớp 11CH mang đến clip “Nhà” kể về câu chuyện của Linh từ một cô bé lạc quan, giỏi toàn diện, bỗng một ngày Linh vô tình nghe được câu chuyện cha mình ngoại tình, cha mẹ suốt ngày cãi nhau, rồi mỗi người một nơi...

Lực học sa sút, liên tục bỏ học rồi bị bạn bè lôi kéo, Linh sa mình vào những bữa tiệc thâu đêm. Rồi một ngày nọ, Linh bị chính những người bạn xấu hãm hại và gán cho tội giật bồ, cô bé bị đánh đến mức nhập viện. Lúc này cha mẹ Linh mới nhận ra lỗi lầm của mình và họ quyết định thay đổi cách sống, bù đắp cho con...

Nhiều phụ huynh đã khóc khi xem những thước phim do con mình làm ra. Họ chia sẻ trên fanpage của dự án rằng công việc, mưu sinh khiến họ không có thời gian nhiều để trò chuyện cùng con cái. Thông qua nội dung phim, họ đã hiểu con mình nhiều hơn.

Chỉ cần gõ hastag #toichonbinhyenGiaDinh trên Google, bạn sẽ thấy sức lan tỏa của dự án trên Internet. Không chỉ có phụ huynh, mà tất cả những ai từng trải qua quãng đời học trò cũng thấy hình ảnh của mình trong dự án này.

“Các em đã truyền động lực cho tôi để tiếp tục dự án này trong những mùa sau. Sắp tới, tôi sẽ giữ lại tên dự án, chỉ là thay đổi về nội dung. Hiện thầy trò chúng tôi đang có ý tưởng hướng về học sinh trong cộng đồng LGBT (những người đồng tính - PV), hi vọng năm sau sẽ triển khai thực hiện” - thầy Phúc bộc bạch.

Hiện tại, một số trường trong địa bàn thành phố đã ngỏ ý với Trường THPT Gia Định về việc học hỏi dự án nói trên, để xây dựng các dự án giáo dục tương tự cho học sinh trường mình trong thời gian tới.

Những lần đầu tiên

Một bộ phim dài 30 phút, nhưng quá trình thực hiện nó là 30 ngày. Với tất cả các học sinh tham gia dự án, đó là 30 ngày đi sớm về khuya, 30 ngày đổ mồ hôi, nước mắt và 30 ngày trải nghiệm về những lần đầu tiên.

“Lần đầu tiên học kịch bản với hơn 10 trang, lần đầu diễn xuất gượng gạo trước ống kính, lần đầu tiếp xúc với máy quay phim, lần đầu lọ mọ thu âm lồng tiếng vào clip... Và đó cũng là lần đầu tôi thấy lớp mình đoàn kết, hạnh phúc và bình yên đến vậy” - hai bạn Nguyễn Xuân Bình, Nguyễn Hoàng Yến lớp 11D2 háo hức chia sẻ.

Cùng chung tâm trạng, bạn Nguyễn Phương Anh - lớp 11D4 - cho biết trong quá trình làm clip có rất nhiều cảm xúc vui, buồn, giận, hờn đan xen nhau. Có những trận cãi nhau nảy lửa, tưởng chừng cả lớp vỡ vụn ra vì những bất đồng không thể hòa giải. Nhưng đến cuối, chính những xung đột đó như ngọn lửa hun nóng tình đoàn kết của mọi người.

DUYÊN PHAN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên