10/10/2015 08:33 GMT+7

Những bếp ăn nâng bước học trò

THÀNH NHƠN - NGỌC TÀI
THÀNH NHƠN - NGỌC TÀI

TT - Nhiều bếp ăn khuyến học trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp ra đời không chỉ góp phần giúp hàng ngàn học sinh nghèo có bữa ăn no mỗi ngày, mà còn khơi gợi cho các em tinh thần tương thân tương ái.

Học sinh dùng cơm tại bếp ăn khuyến học chùa Bửu Nghiêm - Ảnh: T.Nhơn
Học sinh dùng cơm tại bếp ăn khuyến học chùa Bửu Nghiêm - Ảnh: T.Nhơn

Thành lập bếp đã khó, duy trì bếp càng khó hơn, và bí quyết của mỗi bếp không gì khác là kêu gọi sự chung tay của toàn xã hội. Người trồng rau cho rau, nông dân thì góp gạo, người dư dả thì ủng hộ kinh phí, còn những người lấy niềm vui của các em làm niềm vui của chính mình thì cùng vào bếp.

Mỗi người góp một tay

Trời còn chưa sáng, bếp ăn khuyến học tại chùa Bửu Nghiêm (xã Tân Nhuận Đông, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp) đã đỏ lửa. Hơn 10 thành viên của bếp ăn, đủ mọi độ tuổi, thành phần xã hội quây quần với nhau như đang chuẩn bị mâm cỗ đãi họ hàng.

Nào cô Đào bếp trưởng có bàn tay khéo léo nấu ăn rất vừa miệng, bà Thoa tuổi đã cao nhưng sáng nào cũng lội bộ hơn 1km đến bếp ăn, còn sư cô Phước Liên thì cứ hay giục cả bếp nhanh tay, lẹ chân vì sợ không kịp giờ học trò đến ăn. Không khí lao động hăng say hòa trong tiếng í ới gọi nhau náo nhiệt cả một góc quê.

Để chuẩn bị bữa cơm cho hơn 380 thực khách là học sinh các trường THPT Châu Thành 1, THCS Tân Nhuận Đông, tiểu học Nha Mân... các thành viên trong bếp ăn khuyến học tại chùa Bửu Nghiêm phải thực hiện nhiều công đoạn như sơ chế, rửa nguyên liệu, xào nấu...

Chẳng hạn người phụ trách bếp phải thức dậy từ lúc 4g sáng vo gạo rồi đưa vào xửng hấp bốn lần, vì thể tích nồi nấu nhỏ, mỗi lần chỉ nấu được khoảng 35kg. Ngoài ra, người thực hiện các món xào, món canh cũng phải hoàn thành bữa ăn trước 10g, kịp lúc các em tan học lúc 10g30.

Vào 4g sáng mỗi ngày, bếp ăn khuyến học Trường THPT Tam Nông (xã An Long, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp) cũng đã nổi lửa. Thấm thoát đã ba năm sau ngày bếp này được thành lập.

Hiện tại, mỗi ngày Trường THPT Tam Nông cho ra lò khoảng 300 suất ăn phục vụ học sinh các trường THPT Tam Nông, THCS Phú Ninh... Xuất phát từ tấm lòng yêu thương học trò mà bếp ăn này ra đời với phương châm “không để học sinh nào đói”.

Dù kinh phí hạn hẹp nhưng với sự cố gắng vượt khó của tất cả các thành viên, bếp ăn vẫn được duy trì đều đặn. Bữa ăn với đa dạng các món như canh chua, cà tím mỡ hành, canh bí đỏ hầm dừa, đậu hủ chiên được các cô chú trong đội nấu bếp luân phiên chế biến nhằm đảm bảo dinh dưỡng cho các em học sinh có thêm năng lượng học tập tiếp buổi chiều.

Tất cả vì học trò

Theo sư cô Phước Liên - trụ trì chùa Bửu Nghiêm, đây đã là năm thứ tư liên tiếp bếp ăn khuyến học đi vào hoạt động phục vụ học sinh nghèo. Toàn bộ kinh phí duy trì bếp ăn được lấy từ nguồn hỗ trợ của các mạnh thường quân cũng như người dân địa phương. Những ngày hụt tiền thì các thành viên của bếp ủng hộ.

“Năm 2012, tại Trường THPT Châu Thành 1 có em học sinh vì đói quá bị ngất ngay trong lớp học. Sau khi tìm hiểu hoàn cảnh của tất cả học sinh trong trường, lập danh sách các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, thầy hiệu trưởng mang danh sách đến chùa xin suất ăn cho bọn nhỏ.

Thấy thương quá chùa mới đảm nhận nấu ăn cho học sinh, dần dà mấy năm sau số lượng tăng lên, rồi mới thành lập bếp ăn khuyến học chùa Bửu Nghiêm” - sư cô Phước Liên kể.

Bà Lê Thị Mỹ Đào, bếp trưởng bếp ăn chùa Bửu Nghiêm, nhớ lại quãng thời gian bếp mới hình thành với nhiều khó khăn chồng chất. Trong đó trắc trở nhất là lo phần nguyên liệu rau củ, đậu hủ phục vụ việc nấu nướng.

“Tui qua chợ Vĩnh Long, chợ Sa Đéc xin mấy tiểu thương nhưng họ cho rất ít. Sau đó tui dẫn họ đi xem trực tiếp bếp ăn. Họ thấy hoạt động ý nghĩa quá nên kêu gọi mấy tiểu thương khác trong chợ cùng giúp đỡ. Mấy rổ rau củ quả này là của bà con xa gần ủng hộ, mình chỉ bỏ công nấu nướng nên cũng chẳng đáng là bao” - bà Đào tâm sự.

Trong khi đó, ông Phan Phú Thứ - phó ban điều hành bếp ăn Trường THPT Tam Nông - cho biết mặc dù kinh phí duy trì bếp ăn mỗi năm không dưới 300 triệu đồng, nhưng hầu hết đều do các mạnh thường quân đóng góp. Hiện tại lượng gạo dự trữ tại bếp đã đủ dùng đến cuối năm, phần lớn đều do người dân và có cả nông dân trong vùng ủng hộ.

“Người dân ra của, mình chỉ ra công. Thấy các em no lòng, tụi tui cũng thấy ấm dạ” - ông Thứ cười xòa. Nói thì nói vậy, nhưng để duy trì sự ủng hộ của người dân xa gần, những người trong ban điều hành các bếp ăn khuyến học cũng phải chi xài hợp lý để mang đến những bữa cơm ngon, chan chứa tình yêu thương cho các em học sinh nghèo.

“Bếp ăn có tới hai cái tủ lạnh, tủ lạnh đỏ và tủ lạnh vàng”. Ông Thứ hóm hỉnh chỉ về hai thùng xốp nói vui. Khó khăn là vậy, nhưng khi thấy các em học sinh ăn cơm dưới cái nóng hầm hập giội xuống từ mái tôn, ông Thứ và các thành viên của bếp không chần chừ mua ngay vật liệu về để đóng laphông.

Những bữa đầu, các em vừa ăn cơm vừa ngắm nghía cái laphông mới tinh, làm cho từng thành viên của bếp vui đến mức quên đi số tiền nợ cửa hàng vật liệu xây dựng. “Việc gì có ích cho tụi nhỏ, tụi tui nhất quyết làm đến cùng” - ông Thứ nhớ lại.

Thầy Nguyễn Văn Chưởng, phó hiệu trưởng Trường THPT Tam Nông, đánh giá bếp ăn khuyến học đã góp phần lớn cùng với nhà trường chăm lo cho học sinh yên tâm học hành, bởi “có thực mới vực được đạo”.

“Hằng năm cũng có nhiều em học sinh được bếp ăn này nuôi đỗ vào các trường cao đẳng, đại học. Những bếp ăn như thế này góp phần tiếp sức thêm cho các em trên con đường học tập. Bếp ăn nhỏ nhưng mang một ý nghĩa hết sức to lớn và thiết thực”.

Ngoài hai bếp ăn này, trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp còn ghi nhận các bếp ăn từ thiện khác như bếp ăn Trường THPT Tràm Chim, bếp ăn khuyến học do Hội Cựu giáo chức TP Sa Đéc thành lập...

Trò nghèo cũng góp công, góp sức

Học sinh cùng phụ rửa chén - Ảnh: T.Nhơn
Học sinh cùng phụ rửa chén - Ảnh: T.Nhơn

Về phần các cô cậu học trò - những thực khách được phục vụ hằng ngày - cũng đóng góp cho bếp ăn trong khả năng của mình, khi thì một ít nấm rơm, mấy ký gạo hoặc dành một buổi chiều cuối tuần hì hục chẻ củi cho các cô, các chú. Mấy bạn nữ cũng tranh thủ một ít thời gian nán lại bếp ăn phụ rửa chén.

Em Nguyễn Thị Phượng Hằng, học sinh Trường THPT Tam Nông, vừa rửa chén vừa tươi cười bảo: “Em ăn ở bếp được hai năm rồi, rảnh thì em ở lại rửa chén. Mình ăn cơm ở bếp như ăn ở nhà thì cũng phải rửa chén như ở nhà mình chứ!”.

Còn em Nguyễn Thanh Tâm, học sinh Trường THCS Phú Ninh, nhà em cách trường hơn 3km, nhiều bữa em phải ở lại học thêm vào buổi chiều, nên Tâm vào bếp Trường THPT Tam Nông ăn ké để tiết kiệm chi phí.

“Món ăn ở đây rất ngon, mấy cô chú thường xuyên đổi món nên em chẳng bao giờ thấy ngán” - Tâm chia sẻ.

THÀNH NHƠN - NGỌC TÀI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên