Trường ĐH Cần Thơ là trung tâm đào tạo nhân lực cho khu vực ĐBSCL. Nhiều ý kiến cho rằng nên hỗ trợ để các trường ĐH trong khu vực mạnh lên, thay vì thành lập phân hiệu tại đây - Ảnh: Thùy Trang |
Ông Võ Minh Chiến, phó Ban chỉ đạo Tây Nam bộ, nêu thực trạng: hiện vùng mới đạt 190 sinh viên/vạn dân, thấp hơn bình quân cả nước (240 sinh viên/vạn dân)...
Ông Chiến kiến nghị nên khuyến khích các trường ĐH trọng điểm quốc gia, trường ĐH đào tạo có chất lượng mở phân hiệu ở các tỉnh ĐBSCL.
Các trường ĐH có ý kiến thế nào về vấn đề này?
* PGS-TS PHAN THANH BÌNH (giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM):
Thành lập phân hiệu sẽ tạo ra sự chồng chéo!
Hiện nay hầu hết các tỉnh khu vực ĐBSCL đều có trường ĐH, nếu thành lập phân hiệu của các trường ĐH ở TP.HCM tại đây sẽ tạo ra sự chồng chéo.
Do vậy, các địa phương trong vùng và các trường ĐH cần ngồi lại với nhau bàn về tính hệ thống giáo dục của cả vùng sao cho cân đối và phù hợp, chứ không xét riêng lẻ theo từng địa phương.
Với trách nhiệm của mình, ĐHQG TP.HCM sẵn sàng hỗ trợ các địa phương, các trường ĐH trong vùng về chuyên môn để nâng cao chất lượng đào tạo cũng như nguồn nhân lực.
ĐBSCL là vùng trũng về giáo dục, vì vậy nên tính cả việc hỗ trợ về giáo dục phổ thông chứ không chỉ ĐH. Muốn nâng cao chất lượng giáo dục ĐH phải có nền tảng giáo dục phổ thông tốt.
Hiện nay ĐHQG TP.HCM đang hỗ trợ hai địa phương giảng dạy chương trình THPT là An Giang (các môn khoa học tự nhiên) và Đồng Tháp (các môn khoa học xã hội) để nâng cao chất lượng bậc học này.
* PGS-TS HUỲNH THANH HÙNG (phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TP.HCM):
Không nên thành lập phân hiệu ồ ạt
Hiện nay Bộ GD-ĐT đã có chính sách giao chỉ tiêu cho các trường ĐH tại TP.HCM đào tạo sau đại học cho các tỉnh khu vực ĐBSCL.
Một số ngành mà các trường ĐH trong khu vực chưa đào tạo được, hoặc nhân lực ở các địa phương khu vực này còn yếu đã có chỉ tiêu đào tạo riêng và được các trường ở TP.HCM hỗ trợ. Đối với việc thành lập phân hiệu trường ĐH tại khu vực này, theo tôi không cần thiết.
Hầu hết các tỉnh ĐBSCL hiện đã có trường ĐH. Nếu thành lập ồ ạt phân hiệu của các trường ĐH khác tại đây, tình hình sẽ rất rối. Các trường sẽ không đủ nguồn lực tài chính để “nuôi” các phân hiệu, trong khi việc mở dàn trải như vậy sẽ rất khó quản lý.
Theo tôi, tốt hơn các trường ĐH mạnh cần hỗ trợ các trường ĐH địa phương những ngành học còn yếu, đào tạo cán bộ giảng dạy và quản lý giúp trường ĐH địa phương nâng cao chất lượng.
Hoặc mỗi địa phương có thể nhờ một trường ĐH mạnh hỗ trợ. Bên cạnh đó có thể tăng cường đầu tư cho trường ĐH trọng điểm quốc gia trong khu vực là Trường ĐH Cần Thơ.
* GS-TS NGUYỄN ĐÔNG PHONG (hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế TP.HCM):
Mở phân hiệu tốt hơn thành lập trường ĐH mới
Tôi cho rằng đây là một ý kiến đúng đắn và phù hợp với thực tế. Thời gian qua, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM triển khai đào tạo cán bộ cho các tỉnh ĐBSCL, thực tế cho thấy đây là vùng trũng không chỉ về giáo dục phổ thông, ĐH mà còn cả sau ĐH.
Có những chương trình mà các trường ĐH địa phương chưa làm được như đào tạo về quản lý công, chính sách công, quản lý kinh tế và các ngành, chuyên ngành mới.
Do vậy cần kêu gọi các trường ĐH uy tín mở phân hiệu tại đây để đóng góp vào sự phát triển chung của cả vùng.
Cách đây vài tháng, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM có mở tọa đàm về đào tạo nhân lực chất lượng cao cho các tỉnh ĐBSCL. Đại diện các tỉnh, Ban chỉ đạo Tây Nam bộ và các trường cũng đã nêu vấn đề thành lập phân hiệu tại đây.
* PGS-TS NGUYỄN KIM HỒNG (hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM):
Phải tính toán kỹ!
Ở nhiều nước, các trường ĐH mở phân hiệu, thậm chí chính sách đào tạo đặc thù cho từng khu vực tương đối phổ biến.
Tôi cho rằng chính sách giáo dục đặc thù đối với khu vực ĐBSCL là cần thiết và hợp lý bởi so với các khu vực khác, giáo dục ở vùng này vẫn còn thấp hơn. Tuy nhiên, có nhiều vấn đề cần phải tính toán kỹ trước khi thực hiện việc này.
Dù là phân hiệu nhưng chất lượng đào tạo phải đảm bảo đúng như tại cơ sở chính chứ không thể qua loa được. Do vậy đòi hỏi phải có cơ sở vật chất, đội ngũ chất lượng như tại cơ sở chính của trường.
Để làm việc này chi phí sẽ rất lớn, giảng viên phải giảng dạy liên tục chứ không thể ngắt quãng. Học phí không đổi, chi phí của sinh viên có thể sẽ không tăng nhưng tổng chi phí của trường sẽ tăng lên, trường lấy kinh phí đâu bù khoản này?
Địa phương có thể hỗ trợ về cơ sở vật chất nhưng chi phí đào tạo là rất lớn, đó là bài toán cần xem xét kỹ.
Theo tôi, trong trường hợp cần thiết địa phương có thể cung cấp kinh phí cho học sinh địa phương đi học, sau đó quay về phục vụ tỉnh nhà. Phương án này không giảm áp lực cho TP.HCM, nhưng sẽ giúp giải quyết bài toán nhân lực và chi phí đào tạo.
Ông Võ Trọng Hữu, vụ trưởng Vụ Văn hóa xã hội Ban chỉ đạo Tây Nam bộ, cho biết việc mở phân hiệu đại học ở ĐBSCL sẽ hạn chế bớt các trường kém chất lượng, tập trung các trường mạnh để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho vùng, giảm bớt chi phí cho sinh viên cũng như giảm áp lực cho các trường tuyến trên. Bên cạnh đó, cũng là dịp để các trường cạnh tranh lành mạnh bằng cách nâng cao chất lượng giảng dạy thu hút sinh viên. Trong khi đó, ông Lê Hoàng Tươi, giám đốc Sở GD-ĐT Hậu Giang, cho biết riêng Hậu Giang mạng lưới trường ĐH hiện đã đủ (gồm phân hiệu của Trường ĐH Cần Thơ tại khu Hòa An và Trường ĐH Võ Trường Toản), đáp ứng đủ nhu cầu học sinh của tỉnh. Theo ông Tươi, không nhất thiết phải mở thêm trường ĐH cũng như phân hiệu đại học. “Các trường ĐH mạnh chỉ nên có các chương trình liên kết đào tạo hệ vừa làm vừa học, hệ từ xa để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho vùng” - ông Tươi nói. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận