Giáo viên kiêm cả việc của cảnh sát giao thông

MINH QUÂN
MINH QUÂN

TT - Không chỉ bảo hiểm y tế mới làm khó giáo viên, mới đây lại thêm chuyện người thầy phải theo dõi vi phạm giao thông của học sinh.

Bộ GD-ĐT vừa ban hành Kế hoạch giáo dục pháp luật về an toàn giao thông năm học 2015 - 2016. Bộ GD-ĐT yêu cầu 100% học sinh, sinh viên phải nghiêm túc thực hiện quy định đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên môtô, xe gắn máy; không uống rượu, bia khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông.

Mục đích của kế hoạch này mới đọc thấy rất nhân văn, có trách nhiệm cao với sinh mạng con người, giáo dục ý thức tôn trọng pháp luật, “san sẻ” phần nào sự vất vả của đội ngũ CSGT...

Theo kế hoạch này, nội dung phổ biến, tuyên truyền, giáo dục an toàn giao thông trong trường học tập trung vào nội dung bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ; tuyên truyền, giáo dục học sinh, sinh viên thực hiện nghiêm túc quy định về việc bảo đảm an toàn giao thông đường sắt, đặc biệt là các hành vi bị nghiêm cấm.

Bộ GD-ĐT yêu cầu các sở chỉ đạo quyết liệt nhà trường tổ chức họp với phụ huynh học sinh để tuyên truyền, vận động, ký cam kết việc không giao xe máy cho học sinh khi chưa có giấy phép lái xe, và cam kết đội mũ bảo hiểm cho học sinh khi ngồi trên môtô, xe gắn máy tham gia giao thông, điều khiển xe đạp điện, xe máy điện.

Tuy nhiên, theo tôi, quy định xử lý kỷ luật với những trường hợp học sinh vi phạm an toàn giao thông trong phạm vi nhà trường là không nên. Nhà trường chỉ nên thông báo cho phụ huynh biết để cùng nhắc nhở học sinh và có biện pháp riêng ở gia đình kết hợp cùng cơ quan có trách nhiệm kiểm tra riêng biệt ngoài trường học.

Giao cho giáo viên chủ nhiệm có hình thức kiểm tra, giám sát hằng ngày đối với học sinh, đồng thời quy định rõ trách nhiệm của hiệu trưởng nhà trường trong việc triển khai và chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện.

Và sự chỉ đạo từ cấp trên “Đưa nội dung chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông vào nội quy nhà trường và là một trong các nội dung đánh giá thi đua năm học. Biểu dương, khen thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân có thành tích trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, xử lý nghiêm những tập thể và cá nhân vi phạm...”.

Đây là điều bất hợp lý trong quản lý trường học, thêm việc tạo gánh nặng cho giáo viên và đương nhiên là không có nhiều hiệu quả, dẫn đến làm đối phó trong báo cáo thành tích, kết quả tổng kết và xét duyệt cuối năm.

Nếu chỉ dừng lại ở “phổ biến, tuyên truyền, giáo dục an toàn giao thông, không giao xe máy cho học sinh khi chưa có giấy phép lái xe và cam kết đội mũ bảo hiểm cho học sinh khi ngồi trên môtô, xe gắn máy tham gia giao thông” thì sẽ không có những đối phó, kể cả “gian dối” trong ngành giáo dục.

Bởi trách nhiệm giám sát hằng ngày là quá nặng nề, không khả thi đối với trách nhiệm của một giáo viên chủ nhiệm. Giáo viên chủ nhiệm chỉ có thể bám trường bám lớp chứ hoàn toàn vượt quá sức nếu phải đi kiểm tra như một CSGT để bắt lỗi và báo cáo.

Vừa qua, khi được một giáo viên đứng ở cổng trường tôi nhắc nhở một phụ huynh “tại sao anh không đội mũ bảo hiểm khi đưa con đi học?”, “tôi ký cam kết và đã đội mũ cho con rồi, còn tôi quên mất, con tôi không bị hạ hạnh kiểm chứ cô?” - vị phụ huynh đáp lại.

Thật khôi hài khi đem chuyện vi phạm giao thông ngoài trường học vào đánh giá hạnh kiểm, xét duyệt đạo đức một học sinh! Từ đó kết luận giáo viên có hoàn thành nhiệm vụ năm học hay không. Xin đừng đánh giá giáo viên dựa vào các tiêu chí bên lề, chỉ khuyến khích họ tham gia tích cực và có trách nhiệm với các vấn đề xã hội thôi.

 

MINH QUÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên