10/04/2015 09:44 GMT+7

Sáu nhầm lẫn cơ bản về luật giáo dục nghề

TS LÊ VIẾT KHUYẾN (nguyên vụ phó Vụ ĐH Bộ GD-ĐT)
TS LÊ VIẾT KHUYẾN (nguyên vụ phó Vụ ĐH Bộ GD-ĐT)

TT - Theo tôi, Luật giáo dục nghề nghiệp có sáu nhầm lẫn cơ bản mà nếu không kịp thời điều chỉnh thì trong thời gian tới luật này sẽ gặp khó khăn khi đi vào cuộc sống.

Một tiết thực hành trong phòng thí nghiệm của sinh viên Trường CĐ Đại Việt Sài Gòn - Ảnh: N.Hùng

Có thể chỉ ra sáu nhầm lẫn cơ bản như sau:

1 Trước hết đó là sự nhầm lẫn giữa giáo dục nghề nghiệp vốn được xem là một lĩnh vực giáo dục chịu trách nhiệm đào tạo nhân lực (có thể thuộc nhiều bậc học, cấp học hay trình độ học khác nhau) với giáo dục nghề nghiệp là một bậc học của hệ thống giáo dục quốc dân, thể hiện ở khoản 1 điều 3 Luật giáo dục nghề nghiệp. Nhầm lẫn này trước đó cũng đã mắc phải ở Luật giáo dục (khoản 2 điều 4).

Nhầm lẫn trên ở Luật giáo dục nghề nghiệp đã dẫn tới việc loại bỏ trình độ CĐ ra khỏi bậc học ĐH, thể hiện ở các điều 76 và 77 Luật giáo dục nghề nghiệp, gây rối cho hệ thống giáo dục quốc dân và đi ngược với thông lệ quốc tế hiện nay (tại Phân loại tiêu chuẩn quốc tế về giáo dục ISCED 2011 được UNESCO ban hành năm 2011). Quan niệm giáo dục nghề nghiệp chỉ bao gồm các trình độ sơ cấp, trung cấp và CĐ cũng chưa thật đầy đủ. Thật ra đây là định nghĩa cho giáo dục nghề. Đối với giáo dục nghề nghiệp cần có cái nhìn rộng hơn. Theo đó đào tạo bác sĩ, kỹ sư, giáo viên, nhà khoa học, nhà báo... cũng thuộc giáo dục nghề nghiệp.

2 Đó là nhầm lẫn giữa giáo dục nghề hay dạy nghề với giáo dục chuyên nghiệp về mục tiêu đào tạo. Theo thông lệ chung, giáo dục nghề đào tạo nhân lực trực tiếp tham gia các hoạt động sản xuất, kinh doanh và dịch vụ, tức là đào tạo thợ và nhân viên; trong khi giáo dục chuyên nghiệp đào tạo chuyên gia (kỹ thuật viên, giáo viên, kỹ sư, chuyên viên, bác sĩ, luật sư...).

Việc nhầm lẫn mục tiêu đào tạo dẫn tới định hướng hợp nhất giữa giáo dục nghề với giáo dục chuyên nghiệp, làm méo mó cơ cấu nguồn nhân lực cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Theo thông lệ quốc tế, cùng một trình độ đào tạo (trong khung trình độ quốc gia) có thể có nhiều loại chương trình khác nhau, có mục tiêu đào tạo và cấu trúc nội dung khác nhau, thích ứng với việc đào tạo ra nhiều loại nhân lực khác nhau. Không thể có một loại chương trình CĐ được sử dụng chung cho nhiều mục tiêu đào tạo khác nhau như: giáo viên THCS, kỹ thuật viên, công nhân kỹ thuật bậc cao... như ở Luật giáo dục nghề nghiệp. Nhầm lẫn đó cũng dẫn tới sự khập khiễng trong thiết kế cấu trúc của bộ máy quản lý hệ thống giáo dục, cả ở tầm quốc gia cũng như ở tầm địa phương.

3 Tiếp theo, đó là sự nhầm lẫn giữa trình độ đào tạo với trình độ tay nghề. Theo ISCED 2011, trong giáo dục có chín trình độ là: mầm non (0), tiểu học (1), THCS hay sơ trung (2), trung học toàn phần (3), sau trung học, dưới ĐH (4), CĐ (5), cử nhân (6), thạc sĩ (7) và tiến sĩ (8). Tuy nhiên, định nghĩa trình độ của giáo dục nghề nghiệp (khoản 2 điều 4) của Luật giáo dục nghề nghiệp chủ yếu theo trình độ tay nghề của giáo dục nghề. Trình độ “CĐ” ở Luật giáo dục nghề nghiệp thật ra chỉ tương ứng với trình độ 4 của ISCED 2011. Ở nhiều nước, người học trình độ này thường chỉ được cấp văn bằng diploma, không được cấp văn bằng associate degree (CĐ).

4 Sự nhầm lẫn khi đưa ra các quy định về điều kiện tuyển sinh (điều 32), về thời gian đào tạo (điều 33). Những quy định này tại Luật giáo dục nghề nghiệp chỉ phù hợp với giáo dục nghề, không phù hợp và nói chung là thấp so với các quy định quốc tế. Điều này gây khó khi xác lập mối quan hệ tương đương giữa hệ thống văn bằng giáo dục - đào tạo của Việt Nam với thế giới (tức là sẽ không được thế giới công nhận rộng rãi).

5 Việc người tốt nghiệp CĐ được công nhận danh hiệu cử nhân thực hành hoặc kỹ sư thực hành tại khoản 1 điều 38 Luật giáo dục nghề nghiệp là một quy định võ đoán, không có trên thế giới và sẽ gây nhiều hệ lụy khó lường (cả ở trong nước và thế giới). 

Theo quy định quốc tế, người có trình độ 5 (associate degree - CĐ) chỉ được nhận danh hiệu kỹ thuật viên hoặc thợ bậc cao. Theo quy định cả quốc tế lẫn Việt Nam, danh hiệu kỹ sư chỉ được trao cho những ai đã qua trình độ cử nhân kỹ thuật (thời gian đào tạo bốn năm), sau đó phải học thêm ít nhất một năm theo hướng chuyên sâu, hoặc phải qua hoạt động đúng nghề nghiệp được đào tạo một số năm để được hiệp hội kỹ sư công nhận (như quy định ở nhiều nước hiện nay). Trong hệ thống giáo dục quốc dân của nước ta không thể có đồng thời cả “kỹ sư năm năm” lẫn “kỹ sư hai năm”!

6 Cuối cùng, việc cho người đứng đầu các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được toàn quyền tổ chức biên soạn hoặc lựa chọn, phê duyệt các chương trình đào tạo (như tại khoản 2 điều 34) là một quyết định quá phiêu lưu và chắc chắn sẽ đưa tới một đội ngũ nhân lực “không chuẩn” cho quốc gia.

Một số kiến nghị

Với trách nhiệm trước sự nghiệp giáo dục của đất nước, chúng tôi xin kiến nghị tới Quốc hội khóa XIII kỳ họp thứ 9:

* Khẩn trương đưa vào chương trình của kỳ họp việc xem xét và điều chỉnh lại một số nội dung nhầm lẫn tại Luật giáo dục nghề nghiệp trước thời điểm luật bắt đầu có hiệu lực (1-7-2015).

* Trong trường hợp chưa kịp điều chỉnh nội dung của Luật giáo dục nghề nghiệp, đề nghị Quốc hội ra quyết nghị giới hạn phạm vi điều chỉnh của luật, trước mắt chỉ cho lĩnh vực giáo dục nghề, chưa áp dụng cho lĩnh vực giáo dục chuyên nghiệp, đặc biệt đối với loại hình CĐ chuyên nghiệp.

* Tiếp đó đề nghị Quốc hội sớm thống nhất quy trách nhiệm quản lý nhà nước trong khu vực giáo dục - đào tạo về cùng một đầu mối để bảo đảm sự phát triển hài hòa cho toàn hệ thống, tạo ra bước khởi đầu quan trọng để nghị quyết 29 nhanh chóng đi vào cuộc sống.

 

TS LÊ VIẾT KHUYẾN (nguyên vụ phó Vụ ĐH Bộ GD-ĐT)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên