27/12/2014 09:42 GMT+7

Tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2015: rộn ràng phố núi

TRẦN HUỲNH
TRẦN HUỲNH

TT - TP Kon Tum (tỉnh Kon Tum) và TP Pleiku (Gia Lai) là hai địa điểm đầu tiên được lựa chọn để mở màn cho chuỗi chương trình, ngày hội tư vấn tuyển sinh năm 2015 của báo Tuổi Trẻ.

Học sinh Trường THPT Kon Tum háo hức chờ đón chương trình tư vấn tuyển sinh năm 2015 - Ảnh: B.D.

Ðông đảo phụ huynh, học sinh phố núi sẵn sàng hòa mình vào sự kiện quan trọng này.

7g30 hôm nay (27-12), buổi tư vấn đầu tiên của Chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp năm 2015 do báo Tuổi Trẻ, Bộ GD-ÐT phối hợp tổ chức diễn ra tại Trường THPT Kon Tum (số 457, số cũ 4, Trần Phú, TP Kon Tum).

14g chiều cùng ngày chương trình được tổ chức tại Nhà Thiếu nhi tỉnh Gia Lai (60 Hai Bà Trưng, P.Tây Sơn, TP Pleiku).

Sau đó, chương trình sẽ tiếp tục diễn ra tại Trung tâm Huấn luyện và thi đấu thể thao tỉnh Bình Ðịnh (236B Lê Hồng Phong, TP Quy Nhơn) vào sáng 28-12.

Tham gia ban tư vấn của chương trình có PGS.TS Trần Văn Nghĩa - phó cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD-ÐT, ThS Nam Nhật Minh - phó trưởng phòng quản lý thi, tuyển sinh và công nhận văn bằng - Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD-ÐT, cùng các chuyên gia tư vấn đến từ nhiều trường ÐH công lập lớn tại TP.HCM và đại diện các trường ÐH, CÐ địa phương.

* Ông TRẦN VĂN NGHĨA:

Nội dung đề thi chủ yếu lớp 12

Đề thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014 đã có bước chuyển mạnh theo hướng đánh giá năng lực học sinh.

Đề thi sử dụng các câu hỏi vận dụng, các câu hỏi mở đòi hỏi thí sinh sử dụng kiến thức, kỹ năng tổng hợp và kinh nghiệm sống để trả lời chứ không yêu cầu phải ghi nhớ máy móc các số liệu, sự kiện hay trả lời theo khuôn mẫu có sẵn.

Đề thi theo hướng này đã hạn chế việc sử dụng tài liệu trong phòng thi, góp phần khắc phục việc dạy thêm, học thêm tràn lan.

Đề thi trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 sẽ tương tự đề thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014. Nội dung đề thi trong chương trình THPT, chủ yếu lớp 12.

Đề thi đảm bảo phân hóa trình độ thí sinh và phải đạt được hai mục đích là xét công nhận tốt nghiệp THPT và làm căn cứ tuyển sinh ĐH, CĐ.

PGS.TS Trần Văn Nghĩa chia sẻ: “Năm 2015 là năm đầu tiên kỳ thi THPT quốc gia được tổ chức, việc báo Tuổi Trẻ khởi động chương trình sớm và bắt đầu ở các tỉnh vùng sâu, vùng xa, miền núi là cần thiết”.

Tương tự, TS Nguyễn Ðức Nghĩa - phó giám đốc ÐHQG TP.HCM - cũng cho rằng báo Tuổi Trẻ đã mở đầu chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp khá sớm so với các phương tiện truyền thông đại chúng khác.

Ban tổ chức chương trình của báo đã chuẩn bị từ cách đây hơn hai tháng, đã tham khảo, trao đổi ý tưởng và cách làm với các chuyên gia tư vấn đến từ nhiều trường để đổi mới chương trình ngày càng hiệu quả hơn.

Việc bắt đầu chương trình ở khu vực Tây nguyên mang ý nghĩa hết sức thiết thực, nếu biết rằng khu vực này số lượng trường ÐH, CÐ ít hơn hẳn so với các khu vực khác, trong khi số lượng học sinh lại khá đông.

“Chính vì vậy, chương trình chắc chắn sẽ đem lại những thông tin rất bổ ích và cần thiết cho học sinh.

Trong lúc chờ các quy chế chính thức của kỳ thi THPT quốc gia và xét tuyển vào các trường ÐH, CÐ được ban hành, ban tư vấn có đại diện của nhiều trường ÐH lớn, trong đó có những trường phụ trách cụm thi, sẽ giúp học sinh biết được các thông tin cụ thể về xét tuyển và giải đáp được nhiều thắc mắc của thí sinh trong kỳ thi THPT quốc gia sắp tới” - TS Nguyễn Ðức Nghĩa nói.

Chương trình gồm ba phần: tư vấn chung, ban tư vấn sẽ cung cấp cho các học sinh những thông tin chung nhất về kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh năm 2015;

Tư vấn chuyên sâu theo từng nhóm ngành nghề, trả lời những khúc mắc cụ thể hơn tại các khu vực tư vấn chuyên sâu gồm có: nhóm ngành kinh tế, tài chính, ngân hàng, quản trị kinh doanh...; nhóm ngành khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin, xây dựng, giao thông, cơ khí, điện tử...; nhóm ngành khoa học xã hội, sư phạm, ngoại ngữ, luật, quân đội, công an, y dược, nông lâm...;

Phần ba: các học sinh có thể gặp gỡ, trao đổi trực tiếp với các thầy cô ban tư vấn.

Ban tổ chức sẽ dành tặng học sinh đến tham dự chương trình tài liệu 10 điểm mới thí sinh cần lưu ý về dự thảo quy chế tổ chức kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh ÐH, CÐ năm 2015, cùng bảng hướng dẫn xác định các nhóm sở thích nghề nghiệp nổi trội.

PGS.TS Trần Văn Nghĩa - Ảnh: N.Khánh
PGS.TS Trần Văn Nghĩa - Ảnh: N.Khánh

Đảm bảo công bằng, tin cậy

Trực tiếp có mặt tại Kon Tum, Gia Lai, Bình Ðịnh để cùng trả lời những thắc mắc, băn khoăn của phụ huynh, học sinh về mùa thi 2015, PGS.TS Trần Văn Nghĩa - phó cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục - Bộ GD-ÐT - cho biết:

- Bộ GD-ÐT chủ trương tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm nay theo các cụm thi liên tỉnh: mỗi cụm thi sẽ tổ chức thi cho các thí sinh ít nhất từ hai tỉnh và sẽ giao cho các trường ÐH chủ trì tất cả các khâu, đặc biệt là khâu coi thi, chấm thi.

Việc tổ chức cụm thi này được kế thừa từ việc tổ chức cụm thi quốc gia (tại Quy Nhơn, Vinh, Cần Thơ, Hải Phòng) ở kỳ thi “ba chung” tuyển sinh ÐH, CÐ trước đây vốn đã được dư luận đánh giá cao trong việc tạo thuận lợi cho thí sinh.

Do đó, thí sinh nói chung và thí sinh tại các tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Bình Ðịnh nói riêng có nguyện vọng vào ÐH hoàn toàn không phải đi lại xa xôi, khó khăn hơn so với những năm trước.

Với các tỉnh có khó khăn, nếu UBND tỉnh đề nghị, Bộ GD-ÐT sẽ xem xét để tổ chức cụm thi tại tỉnh dành cho những thí sinh dự thi kỳ thi này chỉ để xét tốt nghiệp THPT. Những cụm thi này cũng do các trường ÐH chủ trì.

Như vậy, cả các cụm thi liên tỉnh cũng như các cụm thi tỉnh đều được tổ chức trong khuôn khổ của cùng một quy chế, cùng một quy trình, đều do các trường ÐH chủ trì. Việc làm này nhằm đảm bảo sự công bằng, độ tin cậy của kết quả thi, cũng đồng nghĩa với việc đảm bảo quyền lợi cho thí sinh.

* Vậy vai trò của các sở GD-ÐT và trách nhiệm của các địa phương trong kỳ thi THPT quốc gia sẽ được thể hiện ở những khâu nào?

- Dự kiến bộ trưởng Bộ GD-ÐT sẽ thành lập ban chỉ đạo thi THPT quốc gia để chỉ đạo thi trong phạm vi cả nước.

Chủ tịch UBND tỉnh nơi đặt cụm thi thành lập ban chỉ đạo thi cấp tỉnh để chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể có liên quan và các cơ sở giáo dục trên địa bàn phối hợp, hỗ trợ, đảm bảo các điều kiện cần thiết cho kỳ thi.

Như vậy, sở GD-ÐT đóng vai trò quan trọng trong các khâu tổ chức thi như chỉ đạo và kiểm tra việc hoàn thành kế hoạch dạy học, đánh giá xếp loại học sinh ở các nhà trường phổ thông; tổ chức cho thí sinh đăng ký dự thi, quản lý hồ sơ đăng ký dự thi và gửi dữ liệu đăng ký về Bộ GD-ÐT; chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất cho kỳ thi; phối hợp với trường ÐH chủ trì cụm thi tổ chức kỳ thi; điều động cán bộ, giáo viên tham gia coi thi, chấm thi, thanh tra thi; tổ chức xét công nhận tốt nghiệp và cấp bằng tốt nghiệp THPT cho thí sinh đăng ký tại tỉnh mình; phối hợp với các trường ÐH chủ trì cụm thi chuyển kết quả thi cho thí sinh...

Ngoài ra, các sở GD-ÐT không chỉ phối hợp với trường ÐH chủ trì cụm thi chuyển kết quả thi mà còn chuyển cả giấy báo dự thi cho thí sinh. 

NGỌC HÀ thực hiện

* Ông NGUYỄN HÓA (phó giám đốc Sở GD-ÐT tỉnh Kon Tum):

Một chương trình ý nghĩa, thiết thực

Chương trình tư vấn tuyển sinh của báo Tuổi Trẻ là kênh thông tin cần thiết, đúng thời điểm, giải đáp những băn khoăn và góp phần định hướng nghề nghiệp cho học sinh Kon Tum.

Kon Tum được chọn là điểm đầu tiên công bố những thông tin mới nhất về kỳ thi tuyển sinh ÐH-CÐ 2014-2015, đây là việc khiến sở, các thầy cô giáo cũng như các em học sinh rất mừng.

Ðặc biệt năm nay có rất nhiều thay đổi trong cách thi cử, ra đề lẫn công tác tuyển sinh... Tất cả các thông tin này vẫn đang khá mù mờ, chưa được công bố chính thức nên học sinh đang rất băn khoăn, chờ đợi.

Hiện nay học sinh truy cập Internet để biết thông tin về tuyển sinh khá phổ biến nhưng ở nhiều trường vùng xa của tỉnh Kon Tum vẫn có nhiều học sinh điều kiện rất thiếu thốn, thông tin chưa đầy đủ.

Với ý nghĩa thiết thực của chương trình, về trách nhiệm của sở, chúng tôi sẽ tạo điều kiện hết sức, chỉ đạo các trường để chương trình thành công, giải đáp đầy đủ kiến thức thi cử cho các em.

* Thầy NGÔ THANH HÀ (phó hiệu trưởng Trường THPT Kpă Klơng, xã Kon Thụp, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai):

Mong chương trình diễn ra càng sớm càng tốt

Trường Kpă Klơng có trên 70% học sinh dân tộc thiểu số. Hiện nay thông tin nghề nghiệp, thi cử các em chủ yếu xem trên mạng hoặc được thầy cô tư vấn trong quá trình học, nhưng những thông tin này cũng chỉ mang tính chất tham khảo.

Nhiều năm tham gia chương trình tư vấn tuyển sinh của báo Tuổi Trẻ, chúng tôi thấy rằng đây là hoạt động rất thiết thực, đặc biệt học sinh khi biết thành viên ban tư vấn là lãnh đạo các trường lớn thì các em rất háo hức.

Hơn nữa, thông tin được công bố là những thông tin chính thức, cần thiết để học sinh lựa chọn ngành nghề.

Chúng tôi mong rằng những năm tới, báo Tuổi Trẻ và các đơn vị phối hợp tạo điều kiện tổ chức chương trình trong thời điểm sớm hơn nữa để các em sớm tiếp nhận thông tin, từ đó có phương pháp học hành cũng như không còn những băn khoăn trước kỳ thi quan trọng.

THÁI BÁ DŨNG

TRẦN HUỲNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên