08/11/2014 13:40 GMT+7

​Hàng loạt trường “thay tên đổi họ”

MINH GIẢNG
MINH GIẢNG

TT - Hàng loạt trường ĐH, CĐ đã xin đổi tên sau hàng chục năm gắn bó..

Trường ĐH Công nghệ thông tin Gia Định đang xin bỏ chữ “công nghệ thông tin” trên bảng hiệu của trường - Ảnh: Minh Giảng

Có trường đổi tên hoàn toàn, có trường vì tuyển sinh khó khăn nên bỏ đi những chữ không còn phù hợp để thu hút thí sinh...

Ngày 24-10, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận đã ký quyết định đổi tên Trường CĐ Kinh tế kỹ thuật Phú Lâm thành Trường CĐ Kinh tế kỹ thuật TP.HCM.

Đây là lần thứ hai trường thay đổi tên. Theo ông Trương Văn Hùng - phó hiệu trưởng Trường CĐ Kinh tế kỹ thuật TP.HCM, trường được đầu tư xây dựng thành trường trọng điểm của khu vực, trong khi Phú Lâm chỉ là một địa danh thuộc quận 6 nên việc đổi tên sẽ phù hợp hơn với vai trò mới của trường.

Đổi tên trường vì khó tuyển sinh

Có nhiều lý do để các trường xin đổi tên đã gắn bó rất nhiều năm. Tên gọi gắn liền với các “tai tiếng” trước đây, không thu hút thí sinh, tuyển sinh khó khăn... là những nguyên nhân dẫn đến việc đổi tên trường.

Nhiều năm nay, Trường ĐH Công nghệ thông tin Gia Định xin phép đổi tên trường, bỏ chữ “công nghệ thông tin”, chỉ còn là Trường ĐH Gia Định nhưng vẫn chưa được chấp thuận. Ông Nguyễn Đăng Liêm - hiệu trưởng Trường ĐH công nghệ thông tin Gia Định - cho biết khi làm đề án xin thành lập trường, ngành công nghệ thông tin được xác định là ngành mũi nhọn của quốc gia nên lấy tên có chữ công nghệ thông tin sẽ dễ xin phép hơn.

Tuy nhiên, sau đó ngành này được đào tạo đại trà ở các trường và trường tuyển sinh rất khó khăn. Hơn nữa, tên trường có chữ “công nghệ thông tin” khiến thí sinh hiểu lầm trường chỉ đào tạo ngành này, dẫn đến khó tuyển sinh trong khi trường đào tạo đa ngành.

Cũng vì lý do này mà trường xin bỏ chữ “công nghệ thông tin” trong tên trường từ nhiều năm nay nhưng chưa được, phải chờ bộ kiểm định chất lượng.

Trong khi đó, sau khi mua Trường CĐ Kinh tế kỹ thuật Sài Gòn vào cuối năm 2013 - lúc này đang bị đình chỉ tuyển sinh hai năm liên tiếp, ông Lê Lâm, hiệu trưởng, lập tức làm thủ tục đổi tên thành Trường CĐ Đại Việt Sài Gòn.

Theo lý giải của ông Lâm, tên trường cũ tuy thu hút thí sinh nhưng gắn liền với nhiều tai tiếng trước đó như đấu đá nội bộ kéo dài, bị đình chỉ tuyển sinh nhiều năm liên tiếp, nếu giữ tên cũ thì chắc chắn việc tuyển sinh rất khó khăn.

Hơn nữa, trường đào tạo đa ngành nên chữ “kinh tế kỹ thuật” sẽ không phù hợp. Trên bằng tốt nghiệp ghi trường kinh tế kỹ thuật trong khi chuyên ngành là sư phạm, dược hay nghệ thuật thì rất tréo ngoe.

Hiện nay, nhiều trường khác cũng đang làm thủ tục đổi tên. Trong đó, Trường ĐH Thái Bình Dương (Khánh Hòa) xin đổi tên thành Trường ĐH Á Châu Việt Nam.

Theo lý giải của một lãnh đạo trường, tên trường cũ gắn với nhiều tai tiếng trước đây, trong khi đó chủ đầu tư mới phần lớn làm trong ngân hàng nên cũng muốn thay đổi tên gọi. Thực tế vài năm qua trường tuyển sinh rất khó khăn.

Tương tự, sau khi mua lại Trường CĐ công nghệ và kinh doanh Việt Tiến (Đà Nẵng), ông Lâm cũng đang làm thủ tục để đổi tên thành Trường CĐ Đại Việt Đà Nẵng.

Thay đổi cho phù hợp

Với nhiều trường, việc đổi tên không chỉ để nghe thu hút hơn mà còn vì vai trò và sứ mệnh đào tạo thay đổi theo tình hình thực tế nên tên trường cũng phải thay đổi tương ứng.

Hàng loạt trường ĐH và CĐ sư phạm đã đồng loạt bỏ chữ “sư phạm” để hướng tới đào tạo đa ngành. Trường ĐH Vinh, ĐH Quy Nhơn, ĐH Đồng Tháp, CĐ Cần Thơ, CĐ Bến Tre, CĐ Bình Định... đã lần lượt bỏ chữ “sư phạm” trong tên gọi của mình.

Thực tế, nhu cầu nhân lực ngành sư phạm trong nhiều năm trở lại đây đã bão hòa, thậm chí dư thừa. Các trường đã chuyển sang đào tạo đa ngành, đặc biệt là các trường CĐ, số ngành sư phạm không còn chiếm đa số như khi còn mang tên chuyên ngành sư phạm.

Cuối năm 2013, tên Trường ĐH Kỹ thuật công nghệ TP.HCM vốn tồn tại gần 20 năm trong hệ thống giáo dục ĐH Việt Nam chính thức được thay bằng tên mới Trường ĐH Công nghệ TP.HCM.

Lý giải về việc đổi tên trường, ông Nguyễn Quốc Anh - trưởng phòng tư vấn tuyển sinh và truyền thông Trường ĐH Công nghệ TP.HCM - cho biết thực tế tên “kỹ thuật công nghệ” khá khó nhớ, mười người thì hết tám người không đọc đúng tên trường.

Hơn nữa, trường phát triển theo hướng đào tạo đa ngành. Trước đây chỉ có kỹ thuật công nghệ, nay phát triển thêm về công nghệ, quản trị và xã hội. Việc đào tạo kỹ thuật hiện nay cũng lồng ghép công nghệ vào chứ không còn kỹ thuật đơn thuần. Ngoài ra, thí sinh nghe chữ “công nghệ” cũng thích hơn kỹ thuật.

Tháng 3-2014, Học viện Nông nghiệp Việt Nam chính thức được thành lập trên cơ sở tổ chức lại Trường ĐH Nông nghiệp Hà Nội.

Bên cạnh việc đổi tên, cơ quan chủ quản cũng chuyển từ Bộ GD-ĐT sang Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Trước đó trong năm 2014, Trường ĐH Y Hải Phòng được đổi tên thành Trường ĐH Y dược Hải Phòng, Trường ĐH Y Thái Bình được đổi tên thành Trường ĐH Y dược Thái Bình.

Thực tế những năm trước đây tuy mang tên ĐH y nhưng các trường này đã được phép đào tạo ngành dược. Cũng trong năm 2013, Trường ĐH Kinh tế kỹ thuật Hải Dương chính thức đổi tên thành Trường ĐH Hải Dương.

Trong tờ trình đề nghị đổi tên do UBND tỉnh Hải Dương gửi Bộ GD-ĐT nêu lý do việc đổi tên: do tên trường hiện tại dài, chưa bao quát hết nội hàm đào tạo đa cấp, đa ngành nên gây khó khăn trong công tác tuyển sinh, quan hệ hợp tác, liên kết ở trong nước và quốc tế... Các đối tác thường hiểu nhầm trường chỉ được đào tạo đơn thuần ngành kinh tế và kỹ thuật.

Xin thêm hai chữ “quốc gia”

Đầu năm 2014, trong buổi làm việc với Bộ GD-ĐT, lãnh đạo Trường ĐH Sư phạm TP.HCM đề xuất đổi tên trường thành Trường Sư phạm Quốc gia TP.HCM hoặc ĐH Sư phạm Quốc gia TP.HCM.

PGS.TS Nguyễn Kim Hồng - hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM - lý giải khi đổi tên như vậy, trường sẽ được đầu tư tốt hơn và chỉ tập trung đào tạo ngành sư phạm, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, không phải đào tạo các ngành ngoài sư phạm xen lẫn ngành sư phạm như hiện nay.

Tuy nhiên ông Hồng cho biết đề xuất như vậy nhưng sẽ khó vì Bộ GD-ĐT cho rằng hiện đã có hai ĐHQG nên khó có thể thêm chữ quốc gia vào tên một trường ĐH.

 

MINH GIẢNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên