Bộ trưởng đến Đắk Nông "đối thoại" về đổi mới giáo dục

HÀ BÌNH - TRUNG TÂN
HÀ BÌNH - TRUNG TÂN

TT - Hôm qua (18-10) Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận có thêm một cuộc gặp mặt với giáo viên, học sinh tỉnh Đắk Nông.

Học sinh Dương Thu Phương - lớp 12 chuyên toán Trường THPT chuyên Nguyễn Chí Thanh - đặt câu hỏi với bộ trưởng - Ảnh: Trung Tân
Học sinh Dương Thu Phương - lớp 12 chuyên toán Trường THPT chuyên Nguyễn Chí Thanh - đặt câu hỏi với bộ trưởng - Ảnh: Trung Tân

Cuộc gặp được tổ chức tại Trung tâm hội nghị tỉnh Đắk Nông ở thị xã Gia Nghĩa.

Sau khi giải đáp những thắc mắc của giáo viên và học sinh, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận “xin MC cho thêm ít phút để nói lên suy nghĩ của mình”.

Ông đứng lên đặt câu hỏi: “Vì sao phải đổi mới?” rồi trả lời: “Qua 3-4 lần cải cách giáo dục, trung ương rút ra những lần cải cách đó không đụng chạm đến phương thức giáo dục. Phương thức giáo dục của chúng ta hiện nay như 50-60 năm qua. Tức là tiền bối dạy sao, ta dạy lại thế hệ sau như thế. Vẫn cứ một phương thức quen thuộc là thầy đọc - trò chép, đến ngày thi học sinh lại chép lại những điều học thuộc”.

Sẽ không có nhiều đảo lộn

Ảnh: T.Tân
Ảnh: T.Tân

Giơ tay đặt câu hỏi đầu tiên, bạn Dương Thu Phương - học sinh lớp 12 chuyên toán Trường THPT chuyên Nguyễn Chí Thanh - thắc mắc: “Thưa bộ trưởng, hiện Bộ GD-ĐT đã quyết định phương án tổ chức một kỳ thi quốc gia năm 2015 với nhiều điểm mới. Trong khi đó, chương trình học vẫn như cũ và việc kiểm tra, đánh giá cũng chưa thay đổi. Mong bộ trưởng giải đáp những khó khăn học sinh sẽ gặp phải trong kỳ thi này”.

Người đứng đầu ngành giáo dục chia sẻ: “Nếu các thầy cô, các em học sinh quan tâm sẽ thấy kỳ thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh ĐH 2014 về nội dung, yêu cầu, cấu trúc đề thi vẫn nằm trong chương trình sách giáo khoa nhưng cách thi đã thay đổi. Từ năm 2013 trở về trước, đề thi yêu cầu học sinh nhớ lại lời thầy cô truyền đạt, sách giáo khoa đã viết. Khi ấy, chúng ta chỉ có một đáp án để chấm. Đó là cách kiểm tra kiến thức học sinh giữ lại trong đầu được bao nhiêu. Thi như vậy khuyến khích học sinh học thuộc lòng. Sau mỗi buổi thi, sân trường đầy “phao” thi và đã diễn ra trong nhiều năm”.

Vai trò của ông thầy tiểu học, THCS là người truyền thụ kiến thức. Và thầy giáo THPT, đặc biệt là bậc ĐH, có vai trò phát triển năng lực, phẩm chất học sinh, sinh viên
Bộ trưởng PHẠM VŨ LUẬN

Ông Luận cũng nhắc lại từ kỳ thi tốt nghiệp THPT 2014 đã ra đề thi theo hướng không thiên về kiểm tra trí nhớ theo kiểu lịch sử, địa lý nhớ bao nhiêu mét vuông, diệt được bao nhiêu tên giặc...

“Các em học sinh, thầy cô giáo yên tâm. Sẽ không có nhiều đảo lộn, không cần phải học thuộc lòng nhiều như những năm trước. Các em thay đổi cách học, thầy cô thay đổi cách dạy theo hướng rèn luyện kỹ năng tổng hợp, phân tích tiếp nhận những kiến thức về kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh... để giải quyết những vấn đề đặt ra của bài thi” - ông Luận nói.

Lo ngại học lệch

Phát triển năng lực, phẩm chất cho học sinh, sinh viên

Theo Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, cách dạy hiện nay vẫn là phương thức truyền thụ kiến thức theo hướng tiếp nhận một chiều. Cách dạy như vậy cùng lắm chúng ta có một kỹ sư giỏi, một bác sĩ giỏi chứ không làm nên một tập thể giỏi, những nhà khoa học xuất sắc được. Trong môi trường lao động hiện đại như ngày nay thì việc giáo dục như vậy là lạc hậu.

“Như vậy, phải chuyển phương thức giáo dục tiếp nhận một chiều sang phương thức chú trọng phát triển năng lực, phẩm chất của từng học sinh. Dù không phủ nhận vai trò truyền thụ kiến thức của nhà trường nhưng đó không phải là ưu tiên số 1 nữa. Giáo viên phát hiện năng lực, phẩm chất từng học sinh và bồi dưỡng để các em phát triển hơn nữa. Với phương thức này, sách giáo khoa phải thiết kế không theo hướng ưu tiên một môn học nào cả. Lần này sẽ đưa lượng kiến thức phù hợp vào sách giáo khoa tùy vào đối tượng, thời kỳ của học sinh sao cho phù hợp, không xem môn nào là quan trọng nhất” - ông Luận nói.

Cũng băn khoăn về kỳ thi quốc gia, một học sinh nam giơ tay: “Em được biết phương án tuyển sinh một kỳ thi quốc gia tập trung vào việc xét tuyển cho những thí sinh có dự định học bậc ĐH. Vậy Bộ GD-ĐT đã có phương án xét tuyển cho học sinh muốn xét tuyển CĐ, trung cấp sẽ như thế nào?”.

“Những năm gần đây, các trường ĐH, CĐ, trung cấp không tổ chức thi thường lấy kết quả từ những trường có tổ chức thi khác và có trường xét tuyển dựa vào học bạ của học sinh. Như vậy, đối với các trường CĐ, trung cấp, tuyển sinh năm nay cũng dựa vào xét tuyển điểm thi tốt nghiệp theo nhóm môn hay xét học bạ, học lực của học sinh. Việc xét tuyển của mỗi trường thường được thông báo trên trang điện tử của trường đó. Em nên theo dõi thông tin công bố từ các trường hoặc website của Bộ GD-ĐT để có thông tin đăng ký theo học” - bộ trưởng trả lời.

Trong khi đó, cô Đỗ Thị Là - giáo viên Trường chuyên Nguyễn Chí Thanh - lo ngại kỳ thi quốc gia sẽ gia tăng việc học lệch của học sinh.

Cô Là đặt câu hỏi với bộ trưởng: “Bộ GD-ĐT chủ trương đổi mới toàn diện giáo dục nhằm phát triển toàn diện năng lực học sinh. Tuy nhiên có ý kiến cho rằng kỳ thi quốc gia tới đây sẽ khiến học sinh học lệch nhiều hơn. Nếu có việc học lệch, theo bộ trưởng, nên giải quyết như thế nào?”.

Chia sẻ cùng băn khoăn của cô Là, ông Luận kể câu chuyện khi bộ thiết kế một kỳ thi quốc gia, bộ trưởng nhận hàng vạn câu hỏi của người dân về việc này. Trong đó, một người ông gửi thư lo lắng cháu ông mấy năm nay đã học khối A để thi vào đại học bách khoa, khối B để thi vào y dược. Người ông viết trong thư: “Bộ thay đổi như vậy thì chết cháu tôi à?”.

Nói rồi, ông giải thích thêm: “Như vậy hàng chục năm qua, cách thiết kế thi cử đã khiến học sinh học theo khối, học lệch. Trong khi đó, cách thi mới học sinh sẽ học đầy đủ các môn học để thi tốt nghiệp THPT qua đó lấy điểm xét tuyển. Không chỉ vậy, cách thực dạy bằng phương thức mới không buộc học sinh học thuộc mà chủ động tư duy nên việc học của học sinh cũng hết sức thoải mái. Trước mắt, trong kỳ thi tới đây bộ vẫn giữ nguyên các khối thi như cũ, các trường phải giữ ổn định, không được thay đổi để tránh thiệt thòi cho thí sinh. Ngoài ra, các trường muốn bổ sung khối nào thì đó là quyền của các trường”.

“Tôi nhận được hàng vạn câu hỏi”

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận kể: “Khi bắt đầu thực hiện việc đổi mới giáo dục lần này, tôi đã nhận được hàng vạn câu hỏi của nhân dân cả nước. Đó là những ông bà, cha mẹ và cả những em học sinh thắc mắc về kỳ tuyển sinh này. Rất nhiều người vẫn chưa hiểu thấu đáo những nội dung của đợt cải cách này. Tuy nhiên, cuộc trao đổi hôm nay tôi thấy rất mừng khi nghe các câu hỏi của học sinh, các thầy cô giáo. Tôi thấy các thầy cô giáo, các em học sinh đã nắm vững nhiều vấn đề trong đợt đổi mới này. Các thầy cô và các em đặt ra những câu hỏi rất rõ ràng, chạm vào các vấn đề lớn của nền giáo dục”.

Trước những câu hỏi băn khoăn tại sao phải tổ chức một kỳ thi quốc gia, ông Luận nói: “Nhiều ý kiến cho rằng phải bỏ thi tốt nghiệp THPT, giữ thi ĐH. Tuy nhiên làm cái gì cũng phải theo luật. Việc thiết kế thi lần này phải dựa vào Luật giáo dục ĐH. Trong đó có quy định về tổ chức kỳ thi quốc gia để đánh giá học sinh đậu tốt nghiệp THPT. Mới đây nhất, Chính phủ yêu cầu phải để các trường tự chủ tuyển sinh. Như vậy Nhà nước phải tổ chức kỳ thi tốt nghiệp để xét tốt nghiệp, tức phải bỏ kỳ thi “ba chung”. Việc tổ chức thi một kỳ thi quốc gia cũng giúp học sinh học tập nhẹ nhàng hơn và tiết kiệm hơn cho xã hội...”.

HÀ BÌNH - TRUNG TÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên