​Đằng sau cái khó của thầy

TRẦN NINH
TRẦN NINH

TT - “Thầy bị nứt xương do tai nạn, mấy ngày đầu còn đau nên thầy nhờ vài bạn chép bài trên bảng, nhưng sau ba ngày thầy viết bảng bằng tay trái đẹp như tay phải luôn".

Thầy Dương Quang Kỳ trong một tiết dạy - Ảnh: Như Hùng
Thầy Dương Quang Kỳ trong một tiết dạy - Ảnh: Như Hùng

"Thầy đã như thế, trò không thể không nỗ lực”. 

Đó là tâm sự của học trò khi nhớ về thầy Dương Quang Kỳ - giáo viên dạy toán Trường THPT Trần Phú (Q.Tân Phú, TP.HCM). “Sợ mà thương” - lời nhận xét đó được lặp đi lặp lại qua các thế hệ học trò đã và đang học khi nói về thầy.

Thầy Kỳ... “dị”

Nhận xét về thầy Dương Quang Kỳ, thầy Nguyễn Hào Hiệp - hiệu trưởng Trường THPT Trần Phú - chia sẻ: “Thầy Kỳ là một trong những giáo viên của nhà trường được đánh giá là có chuyên môn rất vững, phương pháp giảng dạy tốt, thích hợp với tất cả đối tượng học sinh. Học sinh ở các lớp do thầy Kỳ giảng dạy có những tiến bộ rất tốt nên phụ huynh hết sức tin tưởng.

Theo nhà trường, bên cạnh năng lực giảng dạy thì điều quan trọng nhất làm nên thành công của thầy Kỳ chính là nhờ tình thương yêu và quan tâm của thầy đối với học sinh của mình.

Chính vì vậy, thầy luôn được học sinh tin tưởng, kính trọng, yêu thương. Và bao giờ cũng vậy, khi học với thầy Kỳ các em đều thấy mình phải luôn luôn nỗ lực để ngày càng tiến bộ sao cho xứng đáng với sự kỳ vọng, tâm huyết mà thầy Kỳ đã dành cho các học sinh”.

Mỗi năm chỉ dạy một vài lớp nhưng thầy Dương Quang Kỳ nhận được rất nhiều tình cảm từ các cô cậu học trò của mình. Nhắc đến thầy, ai cũng cười và nói thầy... “dị”:

“Ngay ngày đầu vào lớp, thầy đã đuổi một bạn gục đầu trên bàn, bắt xuống phòng giám thị xin giấy vào lớp. Nếu vào lớp sau thầy thì đứng ngoài luôn. Hai tuần sau đó cũng vậy, thầy cứ có vẻ... sát khí, ai cũng sợ”.

Nhiều học sinh còn nói vui “tên thầy nói lên tất cả”. Đang ngồi ngay ngắn học bài, thầy đi ngang... búng tai, khi khác lại đánh lưng, gõ đầu vì bài tập đó trò làm sai, làm ẩu hoặc... chẳng vì gì cả.

Những cái “giơ cao đánh khẽ” đó làm hình ảnh người thầy dạy toán khó tính không thể phai trong đầu những lứa học trò. Cũng chính nhờ những lần nhắc nhở bằng tay đó mà trò “không bao giờ sai lỗi đó” hay “luôn nhớ làm bước đó trước”.

Có những bạn còn khoe thành tích... bị búng tai bao nhiêu cái, hôm nay thầy có làm gì không, không lại thấy... thiếu thiếu.

Ai học cũng ấn tượng với câu nói cửa miệng của thầy Kỳ: “Câu trả lời đó vô nghĩa, nếu không biết chắc thì câu “em không biết” là câu có nghĩa”.

Bởi lẽ dạy toán cũng là dạy kỹ năng sống từ những việc nhỏ nhất như trả lời các câu hỏi: “Biết thì nói biết, không thì nói không, không được biết mơ hồ rồi nói bậy, thầy la mất thời gian học của mình và của các bạn”. Những lần hỏi - trả lời chỉ một câu mà thầy chỉ lỗi, trò đứng nghe đến 5-10 phút là chuyện không hiếm, học thầy không chỉ đúng - sai là đủ.

Dạy tính trung thực, rõ ràng, thầy còn tập tính cần cù và tự giác cho trò.

Vào mỗi đầu giờ trò phải viết bài tập không hiểu lên bảng, nếu không, đồng nghĩa là lớp không làm hoặc hiểu hết rồi (thường là không, vì thầy sẽ cho một vài câu lạ để tự tìm tòi), và thầy sẽ dạy bài mới tiếp nếu trò không tự giác, chăm chỉ.

Nhận xét thầy rất khó nhưng ai cũng hiểu sau cái khó của thầy là cái tâm dạy đáng quý.

Khó là từ tâm

Sau một vài tuần đã thích ứng với cách dạy của thầy, từ những cảm giác lạ lẫm hay ngột ngạt, trò bắt đầu quý mến thầy.

Một cựu học sinh nhớ lại: “Học với thầy Kỳ an tâm lắm nếu chịu khó làm bài tập. Thầy rất nhiệt tình. Như năm mình học, thầy bị nứt xương do tai nạn giao thông, mấy ngày đầu còn đau nên thầy nhờ một vài bạn chép bài trên bảng, nhưng sau ba ngày thầy viết bảng bằng tay trái đẹp như tay phải luôn. Thầy đã như thế, trò không thể không nỗ lực”.

Truyện ngụ ngôn Thỏ và rùa là truyện “tủ” của thầy dành cho những bạn làm toán nhanh mà ẩu. Dù từng biết qua hay chưa, học trò nào cũng nghe hơn hai lần thầy Kỳ kể truyện này. Dạy toán nhưng khi có dịp thầy luôn kể những câu chuyện kỹ năng sống như thế.

Hai tiết toán liên tiếp của thầy sẽ không có giờ ra chơi. Biết bao năm như thế nhưng không ai phản đối. Nhìn người thầy tâm huyết trên bục giảng, ở dưới trò cũng miệt mài, cố gắng. Thầy la nhiều nhưng học trò hiểu, ban đầu còn tự ái nhưng đã theo được thầy, học cũng kỹ như thầy dạy thì trò rất tiến bộ.

Thầy trò thân nhau, thầy thể hiện sự hài hước và quan tâm. Quan tâm từng học sinh như thế, thầy biết cần làm gì cho từng bạn. Khen chê rõ ràng. Tốt không tiếc lời khen và dở cũng dành nhiều thời gian sửa. Một hai năm không còn học thầy nữa, nhiều học sinh không khỏi xúc động khi được thầy kêu đúng tên khi về trường.

Nhắc đến thầy, ai cũng nhắc đến tâm dạy trước hết. Học trò đi học thêm, thầy dạy không giấu giếm, trên lớp có gì học thêm cũng có như thế. Đặc biệt, lớp học thêm không có danh sách đăng ký học, chỉ khi học trò đóng tiền thầy mới ghi tên. Thầy còn là người thầy tâm lý, quý những nỗ lực của trò. 

Cô học trò từng học thầy nhớ mãi câu chuyện: “Khoảng ba năm trước mình có học thêm chỗ thầy, đợt đó vì nhà gặp khó khăn nên 2-3 tháng sau mới gom tiền đến đưa thầy. Lúc đó mình có nói với thầy lý do tại sao mấy tháng chưa đóng tiền. Thầy không nói gì cả, cầm tiền cũng không đếm, rồi rút ra trong số đó, mình không nhớ rõ bao nhiêu, chỉ biết là nhiều, rồi đưa lại cho mình. Bất ngờ và xúc động, mình không thể nào quên kỷ niệm đó về một người thầy tận tâm và hết lòng thương học sinh”...

TRẦN NINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên