​Trăn trở trước ngày khai giảng

HÀ GIANG
HÀ GIANG

TT - Còn mấy ngày nữa là khai giảng năm học mới 2014-2015, dẫu có học trước vài tuần song trong mỗi nhà giáo chúng tôi ai cũng có những cảm xúc rộn ràng trước thềm năm học mới.

Thêm một tuổi nghề. Có đồng nghiệp đang chập chững vào nghề, có đồng nghiệp thì nhẩm tính vậy mà đã hơn chục năm gắn với nghiệp “gõ đầu trẻ” và cũng không ít đồng nghiệp lại đang tính đến ngày nghỉ hưu không còn xa nữa. Bao vui buồn, những kỷ niệm với đồng nghiệp, với nhà trường nơi mình gắn bó và nhất là với các em học sinh. Tình cảm thầy trò tốt đẹp là vậy, có thể nói đó chính là động lực giúp nhà giáo vượt qua bao thử thách, khốn khó để đứng vững trên bục giảng.

Và đằng sau sự tôn vinh, những tình cảm đẹp ấy cũng còn không ít nỗi buồn da diết. Bây giờ tình cảm của đồng nghiệp tựa như bị xói mòn, quan hệ giữa giáo viên với lãnh đạo trường, các phòng ban, sở khoảng cách dần xa. Ít có những cảm thông, chia sẻ, vỗ về mà thay vào đó là dè chừng, là im lặng, là đề phòng...

Ngày nhà giáo VN (20-11) với đúng nghĩa cao đẹp chắc là không còn nguyên vẹn. Những phong bì, quà tặng dần được thay cho lời chúc, những bông hoa, ắt hẳn không thể xuất phát từ tình cảm trong sáng, đẹp đẽ.

Dạy học năm nào cũng có định hướng, có chủ đề nhưng rồi giáo viên nhanh chóng quên đi và ai cũng hiểu đó là “bệnh hình thức”. Nhiều đổi mới cứ rộ lên rồi lại đi vào lãng quên, vẫn phấn trắng, bảng đen, thi thoảng có “dạy nhóm”, “chiếu - chép” cho gọi là có đổi mới vậy. Dạy và học vẫn nặng về thi cử, áp đặt, học vẹt.

Đâu là giá trị thật sự của một nhà trường? Tỉ lệ đỗ tốt nghiệp, vào đại học ư? Có vẻ như đang được hướng vào vậy nên dạy thêm - học thêm, dạy trước, cắt xén chương trình... tất cả cho một mục tiêu học sinh đậu đại học, tốt nghiệp. Học sinh giỏi thì chọn y dược, ngoại thương..., vừa thì kinh tế, kỹ thuật. Nói nghề giáo cao quý mà nào có mấy em chọn thi vào trường sư phạm?! Thống kê tại một trường THPT lớn của phố núi, trong mười năm (1994-2014) chỉ duy nhất có một em con của một giáo viên trường này thi vào Đại học Sư phạm TP.HCM, còn lại hết thảy đều chọn y dược, ngoại thương, kinh tế, ngân hàng...

Rồi đầu năm học là họp phụ huynh, dẫu có muốn tránh chuyện thu tiền cũng đâu có được? Giấy báo phụ huynh đóng tiền khá nhiều khoản. Thật xấu hổ nhưng không làm không được. Rồi đâu đó lại âm ỉ, lùm xùm chuyện thu tiền để mua thiết bị dạy học, đồng phục, chỉ định đơn vị bán bảo hiểm cho trường... làm cho phụ huynh và học sinh có những suy nghĩ xấu về nhà trường (tất nhiên không phải là tất cả nhưng cũng có thể khẳng định không phải là ít). Sao bao nhiêu năm rồi cũng nhiều lần đề nghị tất cả nên đưa vào một khoản duy nhất là học phí mà vẫn không thực hiện được?

Đời sống như hiện nay học phí nên tính toán vừa phải, những mong muốn tăng tốc đổi mới từ những lớp học chất lượng cao, từ những bộ đồng phục đắt tiền, từ những thiết bị công nghệ cao... xin hãy từ từ, dân tình còn khó khăn lắm. Đừng để hình ảnh nhà trường, thầy cô bị “rẻ rúng”, bị coi thường vì... thu tiền và vì những mong ước xa vời của ngành.

Sắp khai giảng rồi, thi cử thế nào đây? Môn tiếng Anh tự chọn hay bắt buộc? Rồi dạy tích hợp, liên môn, học theo dự án... tất cả đang khiến giáo viên xoay tít. Khó quá đi thôi!

Đời sống của phần lớn thầy cô còn khó khăn nhiều, lương của một giáo viên THPT mới ra trường chỉ khoảng 3 triệu đồng, tiền thuê nhà trọ, xăng xe, điện thoại di động, rồi đủ thứ... thiếu trước hụt sau là chắc rồi. Khi người thầy không đủ sống bằng chính lương của mình thì liệu rồi cải cách, đổi mới sẽ đi về đâu? Hay rồi lại như những lần cải cách trước.

Xin hãy đặt lên bàn nghị sự các vấn đề cơ bản: đời sống giáo viên và vấn đề bồi dưỡng, đào tạo giáo viên. Có đội ngũ tốt là có tất cả.

Mong ước là vậy mà sao khó quá. Hay không làm được và rồi cứ đến năm học mới, giáo giới lại tiếp tục trăn trở?

 

HÀ GIANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên