02/09/2014 02:29 GMT+7

Xin đừng lấy công nghệ thông tin làm bùa hộ mệnh

NGUYỄN VĂN TÚ
NGUYỄN VĂN TÚ

TT - Không nên lợi dụng công nghệ thông tin để làm bùa hộ mệnh cho việc đổi mới giáo dục và cũng không thể nào lấy công nghệ để đánh bóng cho công cuộc đổi mới giáo dục.

Thời gian qua khi nói đến đổi mới giáo dục thì các lãnh đạo của ngành đều nói đến tầm quan trọng của công nghệ thông tin trong sự nghiệp đổi mới giáo dục, rồi kê khai tiền ngân sách đầu tư công nghệ thông tin trong việc dạy và học với con số quá khủng.

Thế nhưng là giáo viên, tôi thấy việc đầu tư cho việc dạy theo công nghệ thông tin chẳng đến đâu. Bởi lẽ đã nhiều năm rồi nghe nói ngân sách đầu tư cho công nghệ thông tin rất nhiều nhưng thật ra ở mỗi trường chẳng có cái gì gọi là đang dạy học theo công nghệ thông tin cả.

Trường nào được gọi là đầy đủ lắm thì có một phòng vi tính được vài chục máy, vài đèn chiếu, hai, ba máy dạy theo kiểu giáo án điện tử và cũng hiếm có phòng riêng để dạy... nên làm gì thầy và trò có điều kiện dạy học theo công nghệ thông tin được.

Cho nên cứ mượn danh đầu tư công nghệ thông tin cho trường học làm tốn tiền Nhà nước, làm khổ dân, mang tiếng cho nhà trường và cho cả người dạy và học.

Điều cần bàn nữa là bản chất dạy học là sự đa dạng của phong cách và tâm, tầm của người dạy. Mỗi người dạy theo cách riêng của mình với tầm kiến thức, hiểu biết và sự truyền đạt khác nhau, người học không chỉ học kiến thức mà còn học cái tâm, cái tầm của người dạy cho nên vận dụng công nghệ thông tin tất tần tật sẽ đánh mất chất nhân văn trong quá trình học, người học sẽ khô cứng trong cách hành xử.

Và nếu dạy học hoàn toàn sử dụng công nghệ thông tin thì cần gì có người đến lớp để học, chỉ cần có một người dạy trên mạng và học sinh ở nhà học qua mạng là được rồi. Và nếu thế thì sự tương tác qua lại giữa thầy và trò đâu còn?

Không nên lợi dụng công nghệ thông tin để làm bùa hộ mệnh cho việc đổi mới giáo dục và cũng không thể nào lấy công nghệ để đánh bóng cho công cuộc đổi mới giáo dục.

* Một số anh chị em giáo viên chúng tôi chưa thể tiếp cận được với máy tính, chưa sử dụng rành được thì làm sao mà dạy các em?! Tôi không mong đề án này được thực thi!

(bạn đọc Kha Đan)

* Nếu thất bại ai sẽ là người chịu trách nhiệm? Hay lại lòng vòng đùn đẩy trách nhiệm? Và xin hỏi tiền ở đâu ra để thực thi đề án? Xin đừng làm thí nghiệm. 

(bạn đọc có email tannguyenphuoc1984@...)

* Theo tôi, bao giờ học sinh hoàn thiện viết tay (dùng bút, giấy) và tương tác hoàn chỉnh về giáo dục (dạy và học) với thầy cô, bạn bè trong lớp, hình thành tốt về giác quan cảm thụ giáo dục qua giao tiếp người - người thì hãy tính đến chuyển qua máy tính bảng, tiếp cận giao tiếp người - máy.

Mức độ tương tác người - người và khả năng cảm thụ giác quan của con người được hình thành chủ yếu qua tuổi thơ, quyết định rất lớn cho một con người về sau này. Dù giao tiếp người - máy có thể sẽ chiếm hầu như toàn bộ công việc sau này của rất nhiều người, thì vẫn phải dựa trên chủ đạo giao tiếp người - người trong công việc và mọi lĩnh vực khác của cuộc sống.

(bạn đọc Nguyễn Phước)

* Dù thế nào đi nữa, các nhà sư phạm hãy nhớ rằng máy tính bảng chỉ là một đồ dùng học tập. Máy tính bảng không thể dạy thay cho giáo viên được và cũng không thể học thay cho học sinh được. Thật là sai lầm và thiển cận khi cho rằng có thể nâng cao chất lượng giáo dục bằng máy tính bảng! 

(bạn đọc có email minhtap2013@...)

 

NGUYỄN VĂN TÚ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên