Lỡ theo Cambridge rồi...TP.HCM ngưng tuyển chương trình CambridgeGiao lưu trực tuyến "Ngừng tuyển sinh Cambridge, chương trình...
Phóng to |
Một tiết học tiếng Anh chương trình Cambridge của học sinh lớp 3/2 Trường tiểu học Lê Ngọc Hân, Q.1, TP.HCM - Ảnh: Như Hùng |
Từ năm học 2014-2015, các trường tiểu học, THCS trên địa bàn TP.HCM sẽ ngưng, không tuyển sinh chương trình phổ thông quốc tế của ĐH Cambridge. Thay vào đó, TP sẽ triển khai chương trình tích hợp của Bộ GD-ĐT Việt Nam và Bộ Giáo dục Anh.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Lê Hồng Sơn, giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết:
- Bắt nguồn từ ý tưởng xây dựng một chương trình tiên tiến, mang bản sắc văn hóa của Việt Nam, từ tháng 12-2011, được sự chấp thuận của UBND TP.HCM, tôi cùng với một đoàn cán bộ sang tham quan, làm việc với Bộ Giáo dục Anh. Sau đó, khi nhận được sự chỉ đạo từ trung ương, TP.HCM mạnh dạn xin phép Bộ GD-ĐT để xây dựng đề án “Đổi mới dạy và học toán, khoa học, tiếng Anh theo chuẩn tiên tiến dựa trên phương pháp tích hợp chương trình quốc gia Anh và chương trình Việt Nam”. Đến nay, toàn bộ nội dung chương trình tích hợp đã được hội đồng chuyên môn của sở và Bộ GD-ĐT thẩm định. Xin nói thêm, Bộ GD-ĐT đã giao cho TP.HCM tiên phong thực hiện thí điểm chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục. Việc triển khai chương trình này nằm trong khuôn khổ đó.
Giáo viên người bản ngữ tiếp tục dạy
* Thưa ông, cụ thể chương trình sẽ được tích hợp như thế nào?
- Trước đây học sinh phải học cùng lúc hai chương trình: một của Bộ GD-ĐT Việt Nam, một của Cambridge. Với chương trình tích hợp, những kiến thức trùng lặp nhau giữa hai chương trình sẽ nhập lại thành một. Cụ thể, chương trình của Bộ Giáo dục Anh có ba môn: toán, khoa học, tiếng Anh. Trong đó môn toán và khoa học sẽ được tích hợp với chương trình của Việt Nam nên học sinh tiểu học không phải học toán, khoa học chương trình Việt Nam nữa (bậc trung học thì học sinh sẽ học toán, lý, hóa, sinh và tiếng Anh).
"Thực hiện chương trình tích hợp cách đây năm năm ư? Chương trình nào muốn thực hiện cũng phải có sự chuẩn bị, phải có chủ trương, có cơ chế từ trung ương chứ không phải cứ muốn là làm được" Ông Lê Hồng Sơn |
Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo: với hai môn này sẽ có phần đánh giá bằng tiếng Việt. Mỗi tuần, nhà trường sẽ phân công giáo viên giảng dạy thêm vài tiết để củng cố kiến thức hai môn trên bằng tiếng Việt. Ngay cả môn tiếng Anh cũng có điều chỉnh nội dung về lịch sử, địa lý, văn hóa Việt Nam chứ không bê nguyên xi chương trình của Anh. Ngoài ra, với những môn đặc thù như tiếng Việt, đạo đức, nhạc, họa, thể dục thì vẫn học bình thường.
So với Cambridge, chương trình của quốc gia Anh thì đương nhiên cái “tầm” lớn hơn, có nhiều đầu ra hơn: khi tốt nghiệp, học sinh có thể thi theo bất cứ một chuẩn quốc tế nào. Tôi hi vọng chương trình này sẽ phù hợp hơn với tâm sinh lý, năng lực học tập của học sinh Việt Nam.
* Vậy những giáo viên nào sẽ đảm nhận nhiệm vụ chuyển tải chương trình này? Học sinh có phải thi đầu vào không?
- Thời gian đầu, hầu hết sẽ là giáo viên người bản ngữ đảm nhận giảng dạy (do EMG Education cung cấp). Sau đó, các trường sẽ tuyển chọn giáo viên Việt Nam vừa có trình độ về chuyên môn, vừa có khả năng sử dụng tiếng Anh. Số giáo viên này sẽ được đào tạo, bồi dưỡng để thay thế một phần giáo viên bản ngữ. Học sinh sẽ trải qua kỳ khảo sát khả năng ngôn ngữ trước khi vào học nhưng việc này chỉ thực hiện đối với học sinh sắp vào lớp 6. Riêng học sinh lớp 1 thì đăng ký theo nhu cầu của phụ huynh.
Thời điểm này, chúng tôi đang cho các trường tiểu học, THCS làm việc với phụ huynh học sinh. Chương trình chỉ thực hiện ở những trường có đầy đủ cơ sở vật chất và được phụ huynh đồng tình lựa chọn cho con em mình theo học.
Về học phí sẽ tương đương với chương trình Cambridge (khoảng 3 triệu đồng/tháng/học sinh) vì thời gian đầu vẫn phải sử dụng giáo viên bản ngữ. Sau này khi số lượng giáo viên bản ngữ giảm xuống thì học phí giảm còn khoảng 2 triệu đồng/tháng/học sinh. Về danh sách các trường thực hiện sẽ công bố vào cuối tháng 6-2014.
Phóng to |
Một tiết học tiếng Anh chương trình Cambridge của học sinh lớp 4/2 Trường tiểu học Lê Văn Sỹ, Q.Tân Bình, TP.HCM - Ảnh: Như Hùng |
Giám sát chặt chẽ hơn
* Sau năm năm triển khai giảng dạy chương trình phổ thông quốc tế của ĐH Cambridge tại các trường công lập trên địa bàn TP, ông có nhận xét như thế nào về chương trình này?
- Đó là một chương trình tốt, hiện nhiều nước trên thế giới đã chọn lựa để giảng dạy cho học sinh của mình. Hiện TP có 27 trường tiểu học, THCS đang giảng dạy chương trình này với 4.800 học sinh theo học. Sau năm năm, có thể nói học sinh TP đã tiếp thu khá tốt chương trình. Điều này thể hiện qua kỹ năng ngôn ngữ, sự phát triển tư duy và việc ứng dụng kiến thức đã học vào cuộc sống.
Hiệu quả của chương trình cũng thể hiện ở việc nhiều phụ huynh mong muốn mở rộng chương trình này ra nhiều trường. Tuy nhiên, cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ... tại một số trường chưa đáp ứng được các quy định nghiêm ngặt của Cambridge nên chưa thể mở rộng theo nhu cầu của phụ huynh.
Năm học 2014-2015, TP không tuyển sinh chương trình Cambridge tại các trường công lập nhưng các học sinh đã theo học chương trình này thì sẽ tiếp tục học. Tuy nhiên khi chuyển cấp, từ lớp 5 lên lớp 6, từ lớp 9 lên lớp 10, nếu có nhu cầu chuyển sang chương trình tích hợp thì học sinh có thể chuyển, nhưng phải đạt tiêu chuẩn đầu vào.
* Nếu chương trình Cambridge như vậy thì tại sao TP.HCM không cho thực hiện song song cả Cambridge và chương trình tích hợp? Dư luận cho rằng cách đây năm năm Sở GD-ĐT TP đã cho triển khai chương trình Cambridge một cách quá vội vàng. Tại sao TP không triển khai thực hiện chương trình tích hợp từ năm năm trước?
- Như tôi đã nói ở trên, chương trình tích hợp có nhiều ưu việt hơn, “tầm” cao hơn (thể hiện ở khía cạnh có nhiều “đầu ra”), phù hợp và đáp ứng được nhu cầu của nhiều phụ huynh TP: muốn cho con học một chương trình quốc tế nhưng vẫn đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc. Còn chương trình Cambridge là ta bê nguyên xi của họ vào dạy cho học sinh của ta. Thực hiện chương trình tích hợp cách đây năm năm ư? Chương trình nào muốn thực hiện cũng phải có sự chuẩn bị, phải có chủ trương, có cơ chế từ trung ương chứ không phải cứ muốn là làm được.
* Khi thực hiện chương trình Cambridge trong trường công lập, chúng tôi đã nghe một số phụ huynh phản ảnh về chất lượng giáo viên bản ngữ. Nay TP.HCM triển khai chương trình tích hợp, tình trạng này có được khắc phục không, thưa ông?
- Tôi chưa được nghe phản ảnh nào về chất lượng giáo viên. Tuy nhiên, nếu đúng như nhà báo nói thì Sở GD-ĐT TP sẽ yêu cầu EMG Education giám sát chặt chẽ hơn vấn đề này.
Cambridge sẽ tiếp tục cung cấp chương trình Theo bà Nguyễn Phương Lan - phó chủ tịch Tập đoàn EMG Education, phụ trách học vụ - đơn vị phân phối chương trình của CIE (Hội đồng khảo thí chương trình phổ thông quốc tế Đại học Cambridge): “Hợp đồng phân phối chương trình của EMG với CIE trên lãnh thổ Việt Nam sẽ kết thúc vào cuối tháng 7-2014. Sau thời hạn này, EMG sẽ không tiếp tục phân phối chương trình cho CIE tại lãnh thổ Việt Nam trong khuôn khổ hợp đồng này, mà chỉ tiếp tục giảng dạy và đăng ký thi, quản lý thi cho các học sinh đã đăng ký tham gia từ trước. Phía Cambridge sẽ tiếp tục cung cấp chương trình và khảo thí cho các học sinh đã đăng ký tham gia chương trình từ đầu. Nếu có nguyện vọng chuyển sang chương trình tích hợp quốc gia Anh, học sinh có thể đăng ký với nhà trường”. Trước đó, Sở GD-ĐT TP.HCM đã có văn bản gửi các trưởng phòng GD-ĐT, hiệu trưởng các trường phổ thông về thông tin liên quan đến CIE. Theo văn bản này, trước đó CIE đã gửi thông báo đến một số trường tiểu học, THCS về việc triển khai các chương trình của CIE. Sở GD-ĐT khẳng định trong văn bản: việc CIE gửi thông báo đến các trường khi chưa được sự cho phép của sở là vi phạm các quy định pháp luật tại Việt Nam; đề nghị các phòng GD-ĐT và các trường không tiếp nhận và phổ biến thông tin từ CIE. Để rộng đường dư luận, Tuổi Trẻ đã liên hệ với CIE và đang chờ câu trả lời của CIE về vấn đề này. Chúng tôi sẽ đề cập trong các số báo sau khi có phản hồi. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận