10/06/2014 05:30 GMT+7

Trung Quốc dạy kiểu "đối ngoại"

ĐÔNG PHƯƠNG
ĐÔNG PHƯƠNG

TT - Luận điệu của Trung Quốc về vấn đề biển Đông không những được hệ thống hóa trong chương trình giáo dục trung học, mà còn được lồng ghép trong giáo trình dành cho sinh viên nước ngoài học tập tại nước này.

Trung Quốc dạy gì trong sách giáo khoa?

Illftm3M.jpg
Giáo trình Khái quát Trung Quốc đương đại dành cho sinh viên cao học Trung Quốc và sinh viên cao học nước ngoài ghi rõ cực nam Trung Quốc nằm ở bãi đá ngầm Tăng Mẫu - Ảnh do lưu học sinh cung cấp

Theo phản ảnh của nhiều lưu học sinh, giáo trình của Trung Quốc không chỉ gây ra sự ngộ nhận cho chính học sinh trong nước mà còn khiến nhiều sinh viên nước ngoài hiểu sai lệch hoàn toàn về biển Đông.

Lồng ghép khéo léo

Phần lớn lưu học sinh học tập tại Trung Quốc đều được học môn cơ bản “Khái quát Trung Quốc” (môn học bao gồm địa lý, lịch sử, văn hóa Trung Quốc). Đây có thể là môn tự chọn hoặc môn bắt buộc tùy chuyên ngành mà lưu học sinh theo học.

Giáo trình dạy cho sinh viên nước ngoài cho thấy vấn đề Hoàng Sa - Trường Sa không được bố trí thành một mục trong sách, nhưng bản đồ và các tài liệu trong giáo trình luôn nhất quán với những gì học sinh trong nước được học.

Cụ thể, trang 2 và trang 3 cuốn Khái quát Trung Quốc đương đại dành cho sinh viên cao học Trung Quốc và sinh viên cao học nước ngoài của NXB Đại Học Ký Nam (tái bản năm 2008) đưa ra luận điệu cực nam Trung Quốc nằm ở bãi đá ngầm Tăng Mẫu (có tên tiếng Anh là bãi ngầm James).

Các bản đồ minh họa trong giáo trình này còn ngang nhiên chú thích rằng cả một khu vực biển Đông rộng lớn đều thuộc chủ quyền của Trung Quốc.

Tương tự, trang 1 và 2 giáo trình Khái quát Trung Quốc dành cho sinh viên nước ngoài (NXB Đại học Bắc Kinh, tái bản năm 2007) còn trắng trợn tuyên bố biển Đông cùng với hàng ngàn đảo lớn nhỏ là một trong bốn vùng biển lớn nhất mà Trung Quốc cho là thuộc chủ quyền của họ.

Cuốn Văn hóa Trung Quốc - giáo trình Hán ngữ đối ngoại (NXB ĐH Ngôn Ngữ Bắc Kinh, tái bản năm 2006) cũng khẳng định cực nam của Trung Quốc nằm ở bãi ngầm James. Các giáo trình trên tuy khác nhau về hình thức trình bày, nhưng đều khẳng định luận điệu dối trá của Trung Quốc về cực nam và về “đường lưỡi bò”.

“Gài bẫy” sinh viên nước ngoài

Không những bị nhồi nhét “đường lưỡi bò”, nhiều lưu học sinh cho biết kiến thức phi lý về cực nam Trung Quốc còn được đưa vào đề thi kết thúc môn. Không ít sinh viên tỏ ra vô cùng bức xúc trước sự bịa đặt trắng trợn trong giáo trình địa lý Trung Quốc.

“Câu hỏi về các cực của Trung Quốc là nội dung chính trong phần khái quát địa lý nước này. Nếu không trả lời cực nam nằm ở bãi ngầm Tăng Mẫu, chúng tôi bị mất điểm. Nếu chọn cực nam Trung Quốc nằm ở bãi ngầm Tăng Mẫu, chúng tôi gián tiếp thừa nhận đường lưỡi bò do Trung Quốc ngang ngược công bố” - một sinh viên Việt Nam đang học tập tại Quảng Tây chia sẻ.

Sinh viên này cho biết nhiều bạn bè đã từ chối trả lời câu hỏi về cực nam Trung Quốc hoặc các câu hỏi mang tính chất “gài bẫy” về biển Đông. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có một số sinh viên Việt Nam khá mập mờ đối với vấn đề Hoàng Sa - Trường Sa.

Do vậy, khi được hỏi về cực nam Trung Quốc, các bạn vẫn vô tư trả lời mà không biết rằng mình đang gián tiếp công nhận “đường lưỡi bò” mà Trung Quốc ra sức tuyên truyền.

Theo một lưu học sinh Việt Nam tại Bắc Kinh, các giáo viên Trung Quốc thường tránh giảng giải chi tiết về “đường lưỡi bò”, đặc biệt khi trong lớp có lưu học sinh Việt Nam hoặc Philippines. Dù vậy, kiến thức về cực nam Trung Quốc vẫn là một phần không thể thiếu trong chương trình học.

Do đó, các giáo viên thường khéo léo đưa vào bài giảng bằng nhiều cách khác nhau. Về vấn đề Hoàng Sa - Trường Sa, giáo viên không lý giải nhiều. Lưu học sinh do vậy cũng không thắc mắc.

Cũng theo sinh viên này, một lý do nữa khiến các lưu học sinh Việt Nam không phản biện những điều được dạy là vì bản thân các bạn không hiểu rõ về hai quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa.

“Trong khi ý thức về Trường Sa và Hoàng Sa trở thành tư tưởng thâm căn cố đế của đa số học sinh Trung Quốc thì hiểu biết của các sinh viên Việt Nam về Hoàng Sa - Trường Sa vẫn chưa thật sự thấu đáo. Đây là một điều hết sức nguy hiểm” - sinh viên này nhận định.

Các sinh viên nước ngoài tại Trung Quốc cũng mắc phải “cái bẫy” tương tự. Một sinh viên Trung Đông học tập tại Quảng Đông chia sẻ anh cảm thấy vô lý khi Trung Quốc tuyên bố vùng biển thuộc chủ quyền nước này không những nằm cách rất xa đảo Hải Nam mà còn lấn sát đến vùng biển nước khác: “Tôi không hiểu rõ về tranh chấp lãnh thổ giữa các nước. Nhưng khi nhìn bản đồ, tôi thấy vô lý”. Dù vậy, khi được hỏi cực nam Trung Quốc nằm ở đâu, sinh viên này vẫn trả lời là “bãi ngầm Tăng Mẫu”.

“Đó là những kiến thức chúng tôi được học, thật khó mà thay đổi, bạn chỉ tìm hiểu trừ khi bạn đặc biệt quan tâm các vấn đề về biển. Ở Trung Quốc, Internet được kiểm soát khá nghiêm ngặt, nên việc tìm hiểu các quan điểm trái chiều cũng gặp nhiều khó khăn” - một sinh viên Ấn Độ chia sẻ.

ĐÔNG PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên