10/01/2013 01:59 GMT+7

"Xử lý trách nhiệm người đứng đầu"

VĨNH HÀ ghi
VĨNH HÀ ghi

TT - Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận trong cuộc chia sẻ với báo giới nhân đầu năm 2013 về việc tiếp tục triển khai việc chấn chỉnh, tăng cường kỷ cương giáo dục. Theo ông Luận, việc xử lý này ở tất cả các bậc học, ở bậc phổ thông lẫn đại học.

ykrxGmUS.jpgPhóng to

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận - Ảnh: Vĩnh Hà

Đề cập động thái mạnh mẽ của Bộ GD-ĐT thời gian qua trong việc chấn chỉnh những bất cập, ông Phạm Vũ Luận cho biết:

- Tôi thấy những quyết định gần đây của Bộ GD-ĐT mạnh mẽ hơn. Với tinh thần triển khai nghị quyết ĐH Đảng lần thứ XI và kiểm điểm theo nghị quyết trung ương 4, căn cứ các nghị quyết của Quốc hội, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GD-ĐT phải có những chuyển biến tích cực trong chỉ đạo về mọi mặt. Chúng tôi đã qua giai đoạn học tập, quán triệt để có nhận thức rồi, việc kiểm điểm trong lãnh đạo bộ, các vụ, cục của bộ và của ngành rất sâu sắc, qua đó chúng tôi đã đúc kết được những kinh nghiệm và những bài học. Và đã đến lúc phải biến nhận thức thành hành động.

* Năm qua, Bộ GD-ĐT có nhiều quy định liên quan đến những vấn đề được nhiều người quan tâm trong đời sống giáo dục, như quy định siết chặt liên thông, xử lý nghiêm khắc người đứng đầu các trường đại học có sai phạm, quy định chấn chỉnh việc dạy thêm, học thêm tràn lan và lạm thu ở bậc phổ thông... Bộ trưởng đánh giá thế nào về hiệu quả của các quy định này và việc tiếp tục triển khai trong năm mới?

- Theo thông tin chúng tôi có, việc chấn chỉnh tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan và lạm thu đầu năm học đã được triển khai tích cực ở nhiều địa phương. Ví dụ tại Hà Nội, Hội đồng nhân dân TP trực tiếp giám sát tình hình ở các cơ sở giáo dục, yêu cầu Sở GD-ĐT giải trình về các vấn đề này. Sở GD-ĐT Hà Nội đã tiến hành nhiều đợt kiểm tra, xử lý các vi phạm, yêu cầu hoàn trả các khoản thu sai quy định. Ở Đà Nẵng có hiệu trưởng đã bị miễn nhiệm vì không làm đúng chức trách. Tại Quảng Ninh, đề án chống dạy thêm, học thêm tràn lan đã trở thành đề tài để “tranh cử” của một tân phó giám đốc Sở GD-ĐT.

Tuy nhiên qua các kênh thông tin, chúng tôi biết cũng có những địa phương, cơ sở giáo dục làm “mạnh tay” quá nên thiếu tế nhị. Bộ GD-ĐT đã có chỉ đạo cân chỉnh lại. Chúng tôi sẽ vừa theo dõi vừa có những chỉ đạo điều chỉnh linh hoạt đi kèm với việc kiểm soát. Nhưng để giải quyết triệt để vấn đề này cần có sự chuyển biến trong nhận thức của thầy cô giáo, phụ huynh học sinh và sự vào cuộc của chính quyền các địa phương. Chúng tôi cho rằng các quy định về chống dạy thêm, học thêm tràn lan, lạm thu đầu năm học đã đi vào cuộc sống, được triển khai khá mạnh mẽ và đồng bộ, mang lại kết quả bước đầu.

* Yếu tố con người là điều luôn được nhiều nhà giáo dục có uy tín nhắc đầu tiên khi bàn về việc cải thiện chất lượng giáo dục. Vậy trong năm 2013 Bộ GD-ĐT có những giải pháp gì, những đề xuất nào để tạo cú hích nâng chất lượng giáo viên, giúp nhà giáo duy trì được lửa nhiệt tình với nghề?

- Bộ GD-ĐT đã ban hành chuẩn nghề nghiệp đối với giáo viên và hiệu trưởng, tiếp tục duy trì những cuộc vận động nhằm kêu gọi các nhà giáo là tấm gương về đạo đức, tự học và sáng tạo. Trong năm 2013, Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục. Bộ cũng sẽ cùng hai trường đại học sư phạm trọng điểm rà soát chương trình đào tạo để sản phẩm của các trường sư phạm có thể đáp ứng được yêu cầu mới.

Về chế độ đãi ngộ đối với giáo viên, hiện nay có bất cập là cán bộ quản lý giáo dục không được hưởng phụ cấp thâm niên, trong khi phần lớn cán bộ quản lý giáo dục đều đã là giáo viên xuất sắc, có cống hiến lâu năm. Bất cập này đã được bàn bạc trong Chính phủ nhưng chưa giải quyết được vì vướng quy định của Luật công chức. Sau khi bàn bạc kỹ, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định cho bảo lưu phụ cấp thâm niên trong ba năm đối với các nhà giáo được điều động lên làm công tác quản lý ở sở, phòng GD-ĐT. Hi vọng tới đây việc cải cách đề án tiền lương sẽ có những điều chỉnh mang tính lâu dài hơn.

* Vậy còn chế độ lương cho giáo viên nói chung liệu có một bước chuyển tích cực để có thể tác động trở lại đối với chất lượng dạy học, chất lượng giáo dục?

- Bộ GD-ĐT và Công đoàn giáo dục Việt Nam có nhiều đề xuất, kiến nghị về vấn đề này trong quá trình thảo luận về đề án tiền lương mới. Vấn đề lương nhà giáo sẽ được xem xét, xử lý trong tổng hòa các mối quan hệ và tương quan với các ngành nghề khác.

Năm 2013 công khai về tiêu cực thi cử

“Lần đầu tiên, Bộ GD-ĐT cho chấm lại 17.000 bài thi tốt nghiệp THPT và có văn bản phân tích kết quả chấm lại gửi bí thư các tỉnh thành, trong đó nhận xét khâu coi thi, chấm thi, tổ chức thi của các tỉnh thành này như thế nào nhìn từ kết quả kiểm tra. Năm 2013, Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục làm việc này và công khai cho xã hội biết”.

Bộ trưởng PHẠM VŨ LUẬN

VĨNH HÀ ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên