02/07/2015 06:00 GMT+7

Hoa hậu ngủ cũng... phiền

VÕ HƯƠNG - TRÀ MY
VÕ HƯƠNG - TRÀ MY

TTO - Bức ảnh hoa hậu Kỳ Duyên nằm ngủ với tư thế thoải mái bị ném đá. Dáng ngủ và câu chuyện chỉ trích lan truyền đến chóng mặt...

Tranh minh họa

Đáng sợ cho những kiểu phát tán hình ảnh

Hoa hậu Việt Nam Kỳ Duyên ngủ, một người nào đó đã tung ảnh lên mạng. Ngay lập tức hoa hậu Kỳ Duyên nhận hàng " rổ đá" ý kiến bình luận chê bai gay gắt, đòi hỏi hoa hậu phải có chuẩn mực riêng. Thậm chí còn có nhiều lời chỉ trích mang tính hằn học, soi mói, dung tục. 

Mẹ của hoa hậu Kỳ Duyên đã lên tiếng mong mọi người thông cảm cho con gái bà.

Trao đổi với Tuổi Trẻ về vấn đề này, nhiều bạn đọc cho rằng mọi người đang quá khắt khe với một cô gái mới 19 tuổi, đang còn học đại học như Kỳ Duyên.

“Chẳng ai đi chỉ trích người khác vì cái dáng ngủ của họ cả. Trách thì trách người đã chụp lại khoảnh khắc riêng tư của người khác rồi phát tán trên mạng”, một bạn đọc nói.

 

Tranh minh họa

Nhắc lại câu chuyện cô bé 15 tuổi phải tự sát khi bị phát tán clip riêng tư trên mạng, chị Phương Uyên chia sẻ: "đôi khi mọi người bị cuốn theo tâm lý đám đông mà đánh mất đi sự công bằng, khách quan khi đánh giá".

Theo chị Phạm Khuyên, đừng để những câu chữ độc ác của mình viết ra cướp đi sự vui vẻ, hồn nhiên của người mà mình nói đến.

“Suy cho cùng, thế giới mạng là nơi mà hôm nay bạn là người ngoài cuộc, ngày mai bạn có thể là đồng phạm và có thể chỉ ngày kia thôi, bạn sẽ là nạn nhân nếu chúng ta cứ giữ mãi cách hành xử kết tội và ném đá cho chết những người chẳng may là tâm điểm của dư luận” - một bạn đọc có nickname Andy Lâm viết trên trang Facebook của mình.

Người nổi tiếng và gánh nặng của sự hoàn hảo

PGS. TS Huỳnh Văn Sơn - phó chủ tịch Hội Tâm lý học xã hội Việt Nam nói:

Thực tế cho thấy hành trình trở thành người nổi tiếng cần được xem xét dựa trên những cố gắng về nhân cách của người nổi tiếng và sự áp lực mà người nổi tiếng phải chịu đựng không hề nhỏ.

Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận rằng nên đặt mục tiêu vừa sức, chính sự tự trọng cũng như biết kiểm soát bản thân là điều rất quan trọng.

Sẽ chẳng bao giờ bạn có thể tự tin rằng cả đời bạn sẽ không bao giờ gặp sự cố. Người nổi tiếng phải tập cho mình kỹ năng đối đầu với sự cố, làm quen với hành vi soi chiếu của người khác, thích ứng với guồng quay của sự hoàn hảo, tập cho mình làm chủ mọi tình huống… là yêu cầu cần có.

Sự khắc nghiệt của thế giới giải trí đã là thế. Sự khắt khe của công chúng đối với người đẹp bước vào thế giới giải trí càng “khủng khiếp” hơn.

Hãy bình tĩnh.

Lẽ đương nhiên, đừng quy gán vẻ đẹp hoàn hảo từng mi li mét trong lúc ăn, lúc ngủ nhưng dẫu sao cũng cần hiểu rằng nếu có sự sơ suất không đáng có đó vẫn là điều cần cố gắng hoàn thiện thay vì lý giải…

Để trở thành người nổi tiếng cần biết hy sinh, cần giữ gìn hình ảnh của chính mình. Việc hiểu về chính mình, nhìn ra hạn chế của mình hoặc nhận ra những thói quen nguy hiểm với hình ảnh cũng là điều cần làm để kiểm soát hình ảnh bản thân và đảm bảo sự an toàn cho thương hiệu cá nhân.

Cũng đừng trách cứ người nổi tiếng này hay khác có những hành vi cử chỉ sơ suất. Nhưng cũng đừng dễ dãi để người nổi tiếng quên rằng hình ảnh của mình có ảnh hưởng đến người khác nên cần hoàn thiện từng ngày một.

Mọi lý lẽ quy gán một hành vi trở thành một nhân cách đều sai sót. Không thể lấy một hành vi hay một tư thế để có thể đánh giá con người...

Mỗi người có quyền yêu cầu cao với người nổi tiếng. Nhưng cũng cần hiểu người nổi tiếng vẫn là con người. Người nổi tiếng cần được tôn trọng và cần được thông cảm với những sai sót. Việc ném đá tập thể theo kiểu “vũ khúc đám đông” sẽ có thể là nhứng tác động rất vô tình, vô cảm mà người bị lôi cuốn không hề hay biết.

Sự cố đến với một người nổi tiếng, hãy nhìn nhận thật công tâm để có những tác động mang tính nhân văn thay vì “hùa” theo những cảm xúc tiêu cực, những hành động “cân đo” không có tình từ hoặc sự soi mói quá đà của một bộ phận cư dân mạng…

Người nổi tiếng cần hiểu được những gánh nặng của hào quang để kiểm soát mình tránh những sự cố không đang có hay những sơ suất để trở thành miếng mồi ngon của sự khai thác quá đà trong thế giới phẳng…

Không ai hoàn hảo nhưng nếu kiểm soát để ít sơ suất thì có thể đó lại là bản lĩnh để giữ hình ảnh. 

Hành trình hoàn thiện mình không dễ. Nếu biết có sự dòm ngó hay “super soi” của nhiều người thì cần một êkip chuyên nghiệp, cần người quản lý đích thực, cần sự điều chỉnh hàng ngày - hàng giờ để thích nghi và đặc biệt cần kỹ năng xử lý sự cố…

Đó thực sự là phương châm tồn tại trong thế giới ngôi sao, hào quang và ánh sáng. Đó cũng chính là thách thức. Tỏa sáng đã khó nhưng giữ được ánh sáng bền bỉ thật khó hơn nhiều…

Có thể kiện người đăng tải hình ảnh

Điều 16 và Điều 21 Hiến pháp 2013 quy định: Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật; có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình và có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình.

Điều 31 và Điều 38 Bộ luật dân sự 2005 quy định: Cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình. Nghiêm cấm việc sử dụng hình ảnh của người khác mà xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh. Quyền bí mật đời tư của cá nhân được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ. Việc thu thập, công bố thông tin, tư liệu về đời tư của cá nhân phải được người đó đồng ý.

Nếu cho rằng hình ảnh của mình bị sử dụng trái phép, đăng tải lên mạng gây ảnh hưởng đến uy tín, danh dự, nhân phẩm của mình thì Kỳ Duyên có quyền yêu cầu người đăng tải hoặc khởi kiện yêu cầu tòa án buộc người vi phạm phải chấm dứt hành vi vi phạm, xin lỗi, cải chính công khai và bồi thường thiệt hại.

Luật sư Lê Quang Vũ, Phó trưởng Văn phòng luật sư Người Nghèo

 

Nghe các phát biểu trong bài

>> Anh Hoàng Nhân

>> Chị Phương Uyên

>> Chị Phạm Khuyên

VÕ HƯƠNG - TRÀ MY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên