15/06/2017 10:50 GMT+7

Sai sót và trách nhiệm công vụ

VIỄN SỰ
VIỄN SỰ

TTO - Cấp phép ca khúc trở thành chủ đề nóng tại phiên trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Ngọc Thiện.

Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện lần đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội - Ảnh: Quochoi.vn

Ngay đầu phiên trả lời chất vấn, bộ trưởng đã chủ động nhận trách nhiệm cá nhân, với tư cách người đứng đầu.

Ông coi đây “là cái sai không đáng có, sai nghiệp vụ rất sơ đẳng” và hứa sẽ quyết liệt chấn chỉnh.

Thế nhưng lời nhận trách nhiệm đó của bộ trưởng Bộ VH-TT&DL không làm vừa lòng đại biểu. Đại biểu Trương Trọng Nghĩa nói:

“Sai sót trong cấp phép ca khúc là cách làm cửa quyền. Phải chăng nhận thức và năng lực của cán bộ văn hóa chính là rào cản để không áp dụng được cách làm hợp lý hơn?”.

Đại biểu Cao Thị Xuân (Thanh Hóa) cũng nói Bộ VH-TT&DL đã chỉ ra nguyên nhân việc này do hạn chế trong năng lực của cán bộ công chức, từ tư duy xin cho lạc hậu. Vậy nhưng trong cả bảy giải pháp để chấn chỉnh lại không thấy bộ nêu ra giải pháp thanh lọc, xử lý bất cập về con người.

Câu hỏi nhưng cũng chính là câu trả lời, các đại biểu Quốc hội đã chỉ ra điều cần nhất để giải quyết tận gốc vấn đề không chỉ là quy định mà cốt lõi vẫn là năng lực, nhận thức của người vận hành quy định đó.

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cũng có chung nhận định, nhưng nhắc tới giải pháp ông chỉ hứa: “Bộ sẽ tìm một phương cách quản lý cho phù hợp với tình hình thực tiễn, sẽ tiếp tục nghiên cứu và báo cáo với đại biểu”.

Vậy là lộ trình chấn chỉnh “sai sót không đáng có” trong chuyện cấp phép ca khúc vẫn lửng lơ. Và đó không phải là trường hợp cá biệt.

Khi giải trình trước Quốc hội về việc bổ nhiệm người nhà, bổ nhiệm cấp phó vượt quy định, ông Dương Văn Thống - phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Yên Bái - sau khi thừa nhận chuyện đó có, đã nói “đưa lên thì dễ chứ hạ xuống không được, vì người VN là thế!”.

Cần nhắc lại, chuyện bổ nhiệm này ở Yên Bái đã từng được Chính phủ điểm tên từ đầu năm 2017, nhưng đến nay đâu vẫn hoàn đó.

Hai chuyện vừa nêu, diễn ra ngay trong kỳ họp Quốc hội, chỉ là những ví dụ trong rất nhiều “cái sai không đáng có”, trong khi biện pháp chấn chỉnh vẫn chưa được đưa ra.

Tranh luận sau khi nhận câu trả lời của ông Nguyễn Ngọc Thiện, đại biểu Trương Trọng Nghĩa bày tỏ: “Bộ trưởng nói vẫn đang tìm giải pháp, làm tôi rất âu lo”.

Nỗi lo ấy của đại biểu Trương Trọng Nghĩa dĩ nhiên là lo cho cử tri, những người sẽ trực tiếp nhận hậu quả từ sai sót trong công vụ. Nhưng có lẽ cũng là lo thay cho bộ trưởng Bộ VH-TT&DL, cho phó bí thư Yên Bái...

Vì kỳ họp sau, nếu sự việc vẫn chưa được chấn chỉnh thì cử tri và đại biểu Quốc hội khó lòng chấp nhận lời nhận trách nhiệm một lần nữa.

VIỄN SỰ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên