19/04/2016 10:55 GMT+7

Kinh doanh 
khoa học công nghệ

NGUYỄN LÂN HÙNG (tổng thư ký Hội các ngành sinh học VN)
NGUYỄN LÂN HÙNG (tổng thư ký Hội các ngành sinh học VN)

TTO - Một đề tài khoa học có thể được đưa ra mức khoán. Ví dụ, ai tạo ra giống bưởi không hạt sẽ được trả 1 tỉ đồng; ai làm giá thành một bóng đèn LED giảm một nửa sẽ được trả 3-5 tỉ đồng.

Việc Sở Khoa học & công nghệ (KH&CN) TP.HCM thông báo chào mời doanh nghiệp, trường, viện, trung tâm nghiên cứu, tổ chức KH&CN đưa ra ý tưởng để lựa chọn tham gia chương trình xây dựng năm sản phẩm mục tiêu mang thương hiệu TP.HCM là một đề xuất đáng chú ý.

Từng tham gia giảng dạy hơn 40 năm ở trường đại học và làm thư ký cho nhiều chương trình nghiên cứu khoa học cấp nhà nước và cấp bộ, tôi thấy cách lựa chọn các đề tài ứng dụng xưa nay chủ yếu từ phía viện, trường, chứ không từ đề xuất của cơ sở sản xuất.

Nhiều đề tài chỉ kết thúc ở khâu nghiên cứu cơ bản hoặc các thử nghiệm nhỏ lẻ mà không được sử dụng rộng rãi trong sản xuất đại trà. Trong khi đó, các hội đồng nghiệm thu thì nhẹ tay và nặng tính thông cảm để cho qua. Do đó hiệu quả rất thấp tuy tiền chi ra khá lớn.

Trong quá khứ, ông Chu Tuấn Nhạ khi làm bộ trưởng Bộ KH&CN và môi trường (nay là Bộ KH&CN) từng cho rằng chỉ 30% đề tài khoa học được ứng dụng, còn lại 70% không ứng dụng được, phải xếp xó. Năm vừa qua, tôi được đọc đề án của Đại học Quốc gia Hà Nội giúp Tây Bắc.

Trong hơn 50 đề tài, tôi thấy có lẽ chỉ 2-3 đề tài có thể giúp nâng cao đời sống đồng bào Tây Bắc, còn lại đa số là nghiên cứu cơ bản, chỉ để tạo điều kiện cho sinh viên, nghiên cứu sinh thực hiện nên hiệu quả rất thấp.

Gần đây, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường khẳng định phải lấy nguyên tắc thị trường làm mệnh lệnh của sản xuất.

Do đó nghiên cứu khoa học phải dựa vào thị trường và thực tiễn sản xuất để định hướng. Thậm chí phải chuyển dần sang cơ chế kinh doanh KH&CN.

Để có một đề tài khoa học hiệu quả, thứ nhất, phải chọn hướng đi, phải tìm ra được cái mới có triển vọng, có tiềm năng phù hợp với VN, thích ứng với hội nhập.

Thứ hai, đề tài đó bắt buộc phải đạt hiệu quả kinh tế cao. Thứ ba, đề tài phải phù hợp với trình độ khoa học và nguồn vốn của chúng ta, khuyến khích được người lao động tham gia.

Thứ tư, đề tài đó phải kêu gọi được các doanh nghiệp tham gia. Đây là điểm đặc biệt quan trọng vì nếu không có doanh nghiệp tham gia thì 90% thất bại.

Cuối cùng, phải thực hiện theo cơ chế khoán, lấy hiệu quả làm thước đo, lấy ý kiến của doanh nghiệp và người sản xuất để đánh giá, chứ không phải qua các hội đồng quan liêu như hiện nay.

Một đề tài khoa học có thể do Nhà nước hoặc doanh nghiệp đưa ra mức khoán, hoặc Nhà nước cùng doanh nghiệp tham gia khoán. Và phải khoán theo đúng nghĩa.

Ví dụ, ai tạo ra giống bưởi không hạt sẽ được trả 1 tỉ đồng; ai làm giá thành một bóng đèn LED giảm một nửa sẽ được trả 3-5 tỉ đồng. Tức phải hết sức cụ thể.

Để làm được việc này phải hạn chế tối đa những thủ tục hành chính mà lâu nay các nhà khoa học rất e ngại. Phải mở rộng diện đấu thầu và tốt nhất nên có chợ công nghệ. Đây là hoạt động mà các doanh nghiệp từng làm.

Họ đã đến với các nhà khoa học. Đây là hướng công khai, mở rộng để loại bỏ được những ý tưởng dỏm. Đây là hướng đi bắt buộc trong thời kỳ đổi mới mà chúng ta phải thực hiện.

Đây cũng là bước ngoặt đối với các trường đại học, viện nghiên cứu mà lâu nay họ thường thực hiện đề tài theo chỉ tiêu, theo phân bổ mà không chú trọng nhiều tới hiệu quả. Đây cũng là cách để chúng ta hội nhập với thế giới.

NGUYỄN LÂN HÙNG (tổng thư ký Hội các ngành sinh học VN)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên