07/10/2015 09:34 GMT+7

Cánh cửa lại mở rộng

PHẠM DUY NGHĨA
PHẠM DUY NGHĨA

TT -  Tham gia TPP, doanh nghiệp nước ta có nhiều cơ hội hơn khi tiệm cận thị trường rộng lớn. Phải làm gì để những cơ hội ấy không vuột mất?

Ông Phạm Duy Nghĩa - giảng viên luật, chính sách công và quản trị nhà nước Trường ĐH Kinh tế TP.HCM - Ảnh: Quang Định

Thêm một lần nữa nước ta lại mở cửa. Tham gia TPP, doanh nghiệp nước ta có nhiều cơ hội hơn khi tiệm cận thị trường rộng lớn của Bắc Mỹ, Nhật Bản và các quốc gia thành viên khác. Phải làm gì để những cơ hội ấy không vuột mất?

Nhìn lại 9 năm gia nhập WTO, nước ta có được khoảng 30 vạn doanh nghiệp dân doanh cực nhỏ, nhỏ và một số doanh nghiệp quy mô vừa, đồng thời với các tập đoàn kinh tế nhà nước được bơm vốn lớn song rơi nhanh vào trì trệ. Hưởng lợi đáng kể nhất lại là các doanh nghiệp FDI.

Họ tận khai thác tài nguyên, nhân công trẻ và rẻ, phần lớn doanh số xuất khẩu của nước ta đã nằm gọn trong tay họ. Thẳng thắn mà nói, mở cửa đã không giúp được nước ta tránh tụt hậu, nhất là so với các quốc gia năng động trong khu vực. Lỗi bởi chúng ta đã mở cửa với người ngoài, song toàn bộ thể chế chính sách vẫn chưa khai phóng sức mạnh dân doanh trong nước.

Nay cửa lại sắp được mở rộng thêm, đón những đối thủ mạnh mẽ và lão luyện hơn nhiều, luật chơi của các nước giàu và phát triển cũng khắt khe hơn, Việt Nam chỉ còn cách dùng sức ép bên ngoài thúc đẩy cải cách trong nước nhằm nâng đỡ doanh nghiệp dân doanh, giảm thiểu mọi rủi ro và phiền hà cho họ.

Hãy xem hệ thống cơ quan thuế đối xử với hàng triệu hộ kinh doanh, tận thu từng đồng bạc lẻ trong khi các công ty lớn nước ngoài mở rộng quy mô dù luôn báo lỗ. Cửa mở, nếu ngành thuế và hải quan không kịp nâng tầm, doanh nghiệp nước ngoài thừa cơ chuyển giá, chúng ta chẳng thể nào thu được khoản thuế tương xứng với vô tận các nguồn tài nguyên mà họ đã dùng.

Trong khi đó, chúng ta lại chưa phát huy được sức mạnh của kinh tế tư nhân trong nước, chưa thật sự coi kinh tế tư nhân là động lực chính yếu để phát triển quốc gia. Tham gia TPP, thêm một cơ hội nữa để thúc đẩy cởi trói tư duy, lấy sự lớn mạnh của doanh nghiệp dân doanh trong nước làm thước đo cho mọi chính sách của Nhà nước.

Qua TPP, các tập đoàn xuyên quốc gia đã giành lấy quyền khởi kiện các nước chủ nhà ra các trung tâm tài phán tựa như trọng tài. Điều ấy có nghĩa rằng nếu pháp luật và chính sách của nước ta bất lợi cho họ, tòa án trong nước sẽ mất dần thẩm quyền, lùi bước trước những cơ quan tài phán ở bên ngoài.

Trong thực thi hợp đồng, giải quyết tranh chấp hay phân chia công nợ khi đối tác mất khả năng thanh toán, liệu rằng nền tư pháp của nước ta đã mang tinh thần phục vụ, đã thật sự công bằng, đáng tin cậy và đã hỗ trợ thiết thực cho doanh nhân?

Chuyện tưởng rất xa xôi ở thành phố Atlanta của nước Mỹ, TPP hóa ra lại vẫn là những chuyện thật gần. Nhìn sang bên kia bờ Thái Bình Dương, nước Mỹ xa xôi chỉ trở thành láng giềng gần nếu đoàn thuyền thúng thuở nào của doanh nhân nước ta phải sớm trở thành những công ty vượt đại dương hùng mạnh.

PHẠM DUY NGHĨA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên