21/07/2015 08:46 GMT+7

Vui bao nhiêu, 
lại buồn lòng bấy nhiêu

HÀM CHÂU
HÀM CHÂU

TT - Hai ngày qua, GS Lưu Lệ Hằng trở về Việt Nam, đến Quy Nhơn dự lễ khởi công xây dựng công trình Tổ hợp Không gian khoa học và hội nghị khoa học vật lý quốc tế.

GS Lưu Lệ Hằng trong vòng tay đón tiếp của vợ chồng GS Trần Thanh Vân - Lê Kim Ngọc tại Quy Nhơn, ngày 19-7 - Ảnh: Hoa Khá

Sự kiện này đã và đang thu hút sự chú ý của những bạn trẻ yêu khoa học. Thành đạt đỉnh cao của người phụ nữ ấy khiến ta suy nghĩ.

Câu kết luận có thể rút ra là: phẩm chất trí tuệ của con người mang huyết thống Việt Nam, nếu gặp “mảnh đất” phì nhiêu, trong môi trường học tập và nghiên cứu thuận lợi thì hoàn toàn có thể thăng hoa rực rỡ, bừng nở huy hoàng.

Huy chương Fields mà GS Ngô Bảo Châu đạt được là thành tựu đỉnh cao, ghi dấu ấn trong sử sách toán học thế giới. Giải Kavli, giải Shaw cũng là thành tựu đỉnh cao, ghi dấu ấn trong sử sách thiên văn học thế giới.

Trí tuệ người Việt Nam ta đã vươn tới được những đỉnh cao khoa học như thế, trong khi nhiều nước đang phát triển khác giàu hơn ta, kinh tế mạnh hơn ta, song vẫn chưa vươn tới được.

Để làm sáng tỏ hơn phẩm chất trí tuệ của tuổi trẻ Việt Nam, tôi muốn nêu thêm một thí dụ gần gũi hơn. Đó là về những bạn trẻ theo học chương trình vật lý tiên tiến tại Trường đại học Sư phạm - Đại học Huế. Người điều phối chương trình này là GS Phạm Quang Hưng ở Đại học Virginia, Mỹ.

“Đầu vào” không đòi hỏi một sự tuyển chọn đặc biệt nào. Các bạn thi đỗ vào khối A các trường đại học khác, nếu có nguyện vọng, đều có thể theo học chương trình này tại Đại học Huế.

Cái khác chính là môi trường học tập và đội ngũ những ông thầy. Trước hết, nhà trường đầu tư xây dựng một số phòng thí nghiệm vật lý hiện đại và thư viện đủ sách, tạp chí vật lý cập nhật. Sinh viên được học thêm để có được kỹ năng đọc, nghe, nói, viết tiếng Anh chuyên ngành.

Chương trình học là chương trình mẫu của Đại học Virginia. GS Hưng được quyền chủ động chọn mời các giáo sư của Mỹ và của nhiều nước phát triển khác tới Huế giảng dạy. Sinh viên ta học bằng tiếng Anh, làm bài tập, bài thi hệt như sinh viên Virginia.

Kết quả ra sao? GS Hưng trả lời: “Các em đạt kết quả vượt xa những gì tôi và các đồng nghiệp nước ngoài mong đợi! Sinh viên Virginia suốt ngày đêm dùng tiếng Anh. Còn sinh viên Huế thì chỉ dùng tiếng Anh trong giờ học chuyên đề.

Bài thi chúng tôi ra như nhau. Thế mà sinh viên Huế làm không hề kém sinh viên Virginia! Đã đành là các em ta chăm chỉ. Nhưng nếu không sáng dạ thì cũng không học giỏi được như thế.

Khóa I đã tốt nghiệp hiện có hai bạn đang viết luận án tiến sĩ tại Virginia. Nhiều bạn khác trúng tuyển vào hệ sau đại học của các trường đại học lớn ở Nhật Bản, Hàn Quốc, lãnh thổ Đài Loan... Điều đó chứng tỏ: nếu được học thầy giỏi, chương trình hay thì sinh viên ta chắc chắn sẽ giỏi.

Giáo dục tiểu học, trung học ở nước ta tất nhiên còn rất nhiều vấn đề tồn tại. Nhưng theo chúng tôi nghĩ, vẫn có thể coi là tàm tạm được. Cần tập trung mọi nỗ lực phi thường vào cải cách giáo dục đại học và sau đại học.

Kiên quyết thay đổi tình trạng “lạm phát” đại học, cho dù có phải chịu đau đớn như trải qua một cuộc đại phẫu. Nếu chất lượng đại học và sau đại học thấp kém kéo dài thì ngành giáo dục và đào tạo mắc tội đối với thế hệ trẻ.

Bao nhiêu học sinh trung học sáng dạ, chuyên cần, đạt nhiều thành tích quốc tế nhưng đã bị “thui chột” dưới mái trường đại học hiện nay ở nước ta? Không ít đâu!

Và điểm lại những nhà khoa học lừng danh, khiến chúng ta tự hào, đại đa số đều kèm theo hai từ vừa vui và cũng vừa buồn: gốc Việt!

HÀM CHÂU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên