19/07/2015 09:00 GMT+7

Chuyện chữ nghĩa

NGUYỄN VẠN PHÚ
NGUYỄN VẠN PHÚ

TT - Chẳng biết do đâu mọi người thích cãi nhau, nhưng chỉ dừng ở mức chữ nghĩa và bỏ quên nội hàm đằng sau chữ nghĩa.

Mô hình mới của Hội đồng tự quản học sinh

Xin lấy ví dụ, ngay sau khi có tin “Lớp trưởng được gọi là chủ tịch”, hai luồng dư luận cứ xoáy vào chữ chủ tịch để phản bác hay biện minh. 

Giả thử một tờ báo tiếng Anh phải dịch cái tít này ra tiếng Anh, giả thử người dịch dùng từ “class president” như thông lệ ở các nước thì bản tin trở thành vô nghĩa, thuộc loại 2 cộng 2 bằng 4!

Nếu dừng ở mức độ chữ nghĩa, rõ ràng dự thảo của Bộ Giáo dục và đào tạo về điều lệ trường tiểu học đã bê nguyên xi khái niệm “class president” và dịch thành “chủ tịch” - một sai lầm về dịch và dùng từ khá đơn giản và cũng dễ giải quyết.

Ở nước ngoài, người ta dùng từ “class president” một cách bình thường vì xã hội đã quen với nó; ở Việt Nam chưa ai dùng từ “chủ tịch” để chỉ lớp trưởng vì chưa được xã hội chấp nhận nên phải bỏ đi, dùng từ khác đã quen thuộc.

Vấn đề theo tôi không nằm ở đó - vấn đề ở chỗ nội hàm của chức chủ tịch hội đồng tự quản của các lớp tiểu học mà đáng tiếc là bản dự thảo không nói thêm gì cả.

Cụm từ “hội đồng tự quản” chưa gì đã gây ra một sự hiểu nhầm đây là cách tổ chức lớp nhằm giúp giáo viên quản lý học sinh và chức “chủ tịch hội đồng tự quản” được nhiều người hiểu theo nghĩa một nhân vật giúp giáo viên quản lý hay ít ra là kiểm soát sự tự quản lý của lớp.

Có thế mới xuất hiện cách nghĩ “chủ tịch cứ phải hét lên, đánh đá thì các bạn mới nghe!”. Nếu từ ngữ đưa đến chỗ hiểu nhầm như vậy thì phản ứng của dư luận là không có gì quá đáng, bởi đây là cách hiểu hoàn toàn sai lệch vai trò của lớp trưởng trong nhà trường.

Điều quan trọng nhất trong đời sống học sinh tiểu học là sự tôn trọng từng cá nhân các em, là sự thừa nhận quyền được đối xử bình đẳng của các em.

Ngay trong dự thảo điều lệ cũng ghi rõ quyền của học sinh bao gồm “được bảo vệ, chăm sóc, tôn trọng và đối xử bình đẳng; được cung cấp đầy đủ thông tin về việc học tập, rèn luyện của mình...”.

Hiểu hội đồng tự quản và chủ tịch theo cách mà một số giáo viên hay phụ huynh từng phát biểu là vi phạm nguyên tắc cơ bản nhất khi công nhận một sự không bình đẳng ngay trong môi trường tiểu học. Quản lý học sinh là nhiệm vụ của giáo viên, không thể chuyển giao nhiệm vụ đó cho ai khác.

Ngược lại, lớp trưởng, theo tôi, phải là người đại diện cho tiếng nói tập thể của học sinh.

Khi dự thảo điều lệ ghi (học sinh) “được trực tiếp bày tỏ ý kiến, nguyện vọng về việc xây dựng nhà trường và bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của học sinh” (điều 43 - Quyền của học sinh) thì vai trò của lớp trưởng chính là người đại diện các ý kiến, nguyện vọng đó.

Chính vì thế mới có chuyện học sinh tranh cử để được các bạn bầu chọn mình làm lớp trưởng, đại diện cho lợi ích của mình. Đó là quá trình giúp các em hiểu được nền tảng của dân chủ và người đại diện.

Dù mô hình trường học mới chuyển từ việc giáo viên truyền đạt kiến thức thành học sinh học theo nhóm, biết trao đổi, thảo luận thì cũng không nên tạo ra sự hiểu nhầm bằng cách dùng các từ như chủ tịch hay hội đồng tự quản vì quán tính hiểu theo cách “cờ đỏ” vẫn sẽ lấn lướt.

Dù sao, đây cũng chỉ là một điểm nhỏ của dự thảo điều lệ trường tiểu học. Lẽ ra có nhiều điều đáng bàn và đáng góp ý hơn.

Chẳng hạn hiệu trưởng có quyền tiếp nhận hay sa thải giáo viên hay không? Làm sao để điều lệ hạn chế được việc lạm dụng ban đại diện cha mẹ học sinh vào việc thu tiền ngoài quy định?

Hội đồng trường bảo vệ quyền lợi của giáo viên như thế nào? Làm sao để điều lệ lường trước những xung đột giữa mục tiêu lợi nhuận của chủ trường và mục tiêu giáo dục của hội đồng trường đối với trường tiểu học tư thục?...

NGUYỄN VẠN PHÚ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên