11/06/2015 12:23 GMT+7

Bài học khiêm cung 
từ Ánh Viên

HUY THỌ
HUY THỌ

TT - 12g30 ngày 10-6, ông chủ doanh nghiệp võng xếp Duy Lợi gọi điện cho chúng tôi và nói: “Sau khi kết thúc SEA Games 28, nhờ các bạn giúp cho tôi được gửi tặng Ánh Viên một món quà”.

Hỏi quà gì thì ông Lợi bảo: “Tôi xin được tặng Ánh Viên mỗi một chiếc HCV mà cô đoạt được là 20 triệu đồng. Cô ấy không chỉ đem lại cho chúng ta niềm tự hào mà còn mang đến cả một bài học lớn”.

Bài học lớn đó là gì?

Số là trưa 10-6, ông Lợi xem chương trình SEA Games 28 trên truyền hình, và trong đó có phát lại một phát biểu của Ánh Viên sau khi đoạt chiếc HCV thứ sáu ở nội dung 200m bướm. Khi ấy, ai cũng thấy Ánh Viên khóc.

Các phóng viên cứ tưởng rằng đó là giọt nước mắt hạnh phúc, nhưng nào ngờ cô nói thế này: “Tôi khóc vì không hài lòng với chính mình, bởi bản thân tôi đã mắc một số lỗi không thể chấp nhận được.

Tôi đã đoạt 6 HCV và phá 7 kỷ lục SEA Games nhưng tôi sẽ không ngừng phấn đấu mỗi ngày. Khi tôi hài lòng với những gì mình đạt được, chính tôi đã là kẻ thất bại ngay lúc này, chứ không cần phải chờ tới ngày mai.

Khi chuẩn bị thi đấu, tôi không nghĩ gì về những chiến thắng đã đạt được, tôi lao xuống nước và nỗ lực như mình chưa giành được gì”.

Câu nói này của Ánh Viên đã tạo nên một cơn sóng trên cộng đồng mạng, và ai ai cũng có suy nghĩ như ông chủ doanh nghiệp Duy Lợi, đó là sững sờ về một bài học đến từ một cô gái dù đã mấy năm trời sống ở Mỹ nhưng vẫn giữ nét “hương đồng gió nội không phai chút nào” (mời xem thêm bài “Khi Ánh Viên khóc, bạn nghĩ gì?”).

Đúng cách một cô gái chân chất của miền quê đồng bằng sông Cửu Long, Ánh Viên không hề vung tay ăn mừng chiến thắng như các đối thủ, cứ như thể một chiếc HCV vừa đạt cũng chỉ là mới xong một đường cày trên đồng ruộng.

Đã vài lần tiếp xúc với Ánh Viên, chúng tôi tin rằng lời giải thích về những giọt nước mắt của cô là chân thật, là từ đáy lòng chứ không phải là những lời cảm ơn như bật cassette mà chúng ta thường nghe.

Vì vậy, đó là một bài học thật sự cho tất cả chúng ta, khi mà xã hội ngày càng thấy nhiều chuyện ầm ĩ mà vắng bóng sự khiêm cung - vốn là đức tính mà người Việt tôn thờ và xây dựng từ ngàn xưa.

Cái gì của mình hay, mình giỏi thì hãy để người đời nhận định, đánh giá. Chứ mở miệng ra là bảo mình số 1 thế giới; lời mình là khuôn vàng thước ngọc dành cho mọi người… thì dù có là vĩ nhân đi nữa cũng chẳng để lại được bài học quý như câu nói của nữ kình ngư miền sông nước.

SEA Games 28 xem ra thật hấp dẫn. Sự hấp dẫn không tính bằng số lượng huy chương, mà là những câu nói, những hình ảnh, câu chuyện đáng cho mọi người chiêm nghiệm.

Đó không chỉ là câu nói chân thật và sâu sắc của Ánh Viên, mà còn là gương mặt sưng tấy của nữ võ sĩ quyền anh Lê Thị Ngọc Anh, Nguyễn Thị Yến; là hình ảnh cô gái tuổi trăng tròn Trương Thị Phương chèo thuyền canoeing đến ngất xỉu khi về đích, nhưng khi hỏi sau SEA Games về nhà làm gì thì bảo “giúp bố mẹ việc đồng áng”…

Các cô gái lớn lên từ đồng quê kể trên đã làm được rất nhiều việc có ích cho bản thân, cho gia đình và cho cả Tổ quốc, nhưng họ vẫn giữ được đức khiêm cung. Còn trong chúng ta, biết bao người đã bao giờ tự hỏi mình làm được gì, mà sao cứ “chém gió” phần phật?

HUY THỌ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên