Thi tuyển công chức ngạch chuyên viên, ngành hành chính tổ chức tại Trường Cán bộ TP.HCM - Ảnh tư liệu Tuổi Trẻ |
Một thạc sĩ từ nước ngoài về nước giảng dạy phổ thông, dẫn dắt đội tuyển tại Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam tham gia các cuộc thi khoa học quốc tế, đạt được một số thành tích lại bị trượt kỳ thi tuyển dụng vào biên chế chính thức.
Nhưng người bị loại khỏi hệ thống viên chức thủ đô ấy vừa được mời vào vị trí phó hiệu trưởng một trường THPT ở Khu công nghệ cao Hòa Lạc.
Một con người nhưng hai cơ chế đãi ngộ trái ngược nhau không khỏi gây bất ngờ. Khi biết rằng nơi dám giao trọng trách cho người thầy “không may” ấy là trường ngoài công lập, mọi bất ngờ sẽ được hóa giải.
Có chứng kiến vị hiệu trưởng trường chuyên trong cuộc họp với đoàn giám sát HĐND TP Hà Nội ngậm ngùi bày tỏ sự tiếc rẻ, xen lẫn cảm giác bất lực khi người tài bị gạt ra ngoài, thì những người quan tâm tới giáo dục sẽ không khỏi chạnh lòng.
Nhưng cũng có một cách làm khác để tuyển dụng người tài. Học viện Nông nghiệp Việt Nam vừa ban hành quy định tuyển dụng với cơ chế đặc cách cho người học sau đại học ở các trường thuộc tốp 200 thế giới, có bài báo đăng trên tạp chí quốc tế về Việt Nam giảng dạy.
Ứng viên dự tuyển vào trường sẽ được bỏ qua những vòng thi “công thức” như tin học văn phòng, ngoại ngữ, thay vào đó chỉ cần trình bày báo cáo trước hội đồng tuyển dụng... là xong.
Ông Nguyễn Tất Cảnh, phó giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam, cho rằng cách tuyển dụng dựa vào khả năng thật sự chính là lối thoát để tìm kiếm giảng viên chất lượng. Kỹ năng thực tế và lòng say nghề vẫn là điều quan trọng trong tuyển chọn.
Tiếc rằng nhiều hiệu trưởng các trường đại học than phiền vì không có biên chế nên đành chịu không tuyển được người tài, tuyển được rồi thì cơ chế đãi ngộ không cao nên không giữ được người có năng lực gắn bó với trường.
Đó là chưa kể áp lực “con em”, “người nhà” khi không ít cán bộ về hưu có nguyện vọng tha thiết cho con nối nghiệp bố mẹ chỉ vì “cháu không năng động”, “không có năng lực gì mấy” nên muốn gửi gắm về trường cho yên tâm và... yên tĩnh!
Giáo dục tốt phải bắt đầu từ những người thầy tốt. Có người thầy tốt phải có cơ chế tuyển chọn, bồi dưỡng và sử dụng thích hợp, lâu dài.
Giải quyết bất cập ấy không chỉ nằm trong tay người hiệu trưởng mà cả ngành giáo dục, ngành nội vụ khi thời gian qua quá đặt nặng tuyển dụng dựa trên bằng cấp.
Nếu không có những đột phá mạnh mẽ, giao quyền tự chủ cho hiệu trưởng và hội đồng trường, quy trách nhiệm chất lượng cho người đứng đầu cơ sở giáo dục đi kèm thưởng phạt phân minh.
Cộng với sự giám sát của các cơ quan chức năng và công luận thì công tác xây dựng đội ngũ nhà giáo ở các trường công lập vẫn nặng về hình thức, nép vào cái cơ chế an toàn mà chưa thật chú trọng hiệu quả.
Khi cái nôi đào tạo nhân tài, nhân lực cho đất nước vẫn chưa phải là chỗ đứng chân phù hợp cho người muốn gắn bó và cống hiến cho giáo dục, khi những văn bản và quan niệm lỗi thời vẫn nằm trong đầu người có trách nhiệm trong tuyển dụng thì chuyện người tài khó tìm được chỗ đứng ở các cơ sở giáo dục công lập vẫn còn xảy ra.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận