25/10/2009 13:04 GMT+7

Nỗi lo "gieo gì gặt nấy"

TRẦN HUỲNH PHỦ
TRẦN HUỲNH PHỦ

TT - Cách đây hơn ba tháng, dư luận nức lòng tán thưởng việc Bộ GD-ĐT lấy câu được cho là của Abraham Lincoln: “Xin thầy hãy dạy cho cháu biết chấp nhận thi rớt còn vinh dự hơn gian lận khi thi” làm đề tự luận cho hàng trăm ngàn thí sinh thi vào đại học.

Thời sự & suy nghĩ:

Nỗi lo “gieo gì gặt nấy”

TT - Cách đây hơn ba tháng, dư luận nức lòng tán thưởng việc Bộ GD-ĐT lấy câu được cho là của Abraham Lincoln: “Xin thầy hãy dạy cho cháu biết chấp nhận thi rớt còn vinh dự hơn gian lận khi thi” làm đề tự luận cho hàng trăm ngàn thí sinh thi vào đại học. 

Bởi đề thi không chỉ gieo vào thí sinh ý thức về phẩm giá cốt lõi của con người mà còn chứa đựng thông điệp của bộ rằng: tính trung thực sẽ phục hưng, sẽ là nguyên tắc tiên khởi của mọi hành xử trong ngành giáo dục.

Thế nhưng từ đó đến nay, hàng loạt sự kiện xảy ra cho thấy lòng tin của xã hội về một nền giáo dục trung thực đang bị thử thách công khai và nghiêm trọng!

Như căn bệnh mãn tính, vào mỗi mùa khai giảng các trường đua nhau đặt ra đủ thứ phí để tận thu người đi học, có khi đến hàng triệu đồng. Phụ huynh phản ứng, báo chí lên tiếng thì trường nói đó là các khoản đóng “tự nguyện”. Thanh tra vào cuộc thì ban giám hiệu đổ cho hội cha mẹ học sinh. Những giải thích ấy là trung thực?

Trường đại học “quốc tế” nọ ép buộc sinh viên mua cặp do “thầy hiệu trưởng thiết kế” để đủ điều kiện nhập học. Bị phản đối vì tính phi lý của nó, chính thầy hiệu trưởng kiêm nhà thiết kế này thanh minh trước công luận bằng ba từ “Tôi không biết”.

Liệu có đáng tin?

Táo bạo hơn, có những “người thầy của thầy” làm giả mạo hồ sơ, khai khống số lượng giảng viên để lập trường đại học. Rồi trong những lý giải, bao biện cho trường đại học này tiếp tục tồn tại, xã hội thấy chỗ đứng của lòng trung thực sao quá chông chênh...

Đành rằng cứu cánh có thể biện minh cho phương tiện, nhưng “cứu cánh” - mục tiêu cuối cùng - của giáo dục là đào tạo lớp trẻ thành những nhân cách tự chủ, có tư duy phê phán và sáng tạo chắc chắn không thể đạt được bằng “phương tiện” nền tảng là những con người và giải pháp không trung thực. Nơi nào thiếu vắng sự trung thực, nơi ấy thường nảy sinh tiêu cực, bất công - như cỏ dại gặp đất hoang.

Nỗi lo “gieo gì gặt nấy” không là của riêng ai. Chúng ta tự hỏi: học sinh sẽ như thế nào khi được học với những vị thầy đã đánh mất lòng trung thực, sự thẳng thắn? Sinh viên sẽ như thế nào khi được đào luyện từ những trường đại học mà ngay trong quá trình thành lập đã xuất hiện nhiều dấu hiệu bất minh? Và những người đứng trên bục giảng có còn đủ tự tin để khuyên nhủ học trò hãy trung thực trong thi cử, nói không với gian lận?

Bao giờ người lớn còn không trung thực, bấy giờ vấn đề chấn hưng đạo đức trong học đường và xã hội mãi còn là câu chuyện xa vời!

TRẦN HUỲNH PHỦ

Tin bài liên quan:

>> Sẽ thanh tra ĐH Phan Thiết>> Vì sao "đại học ba không"?>> Đề án “giả”, đại học thật>> Lạ, thành lập đại học dễ thế sao?>> Bộ GD-ĐT phải chịu trách nhiệm >> Đại học ba không: Thanh tra ai?>> "Trong điều kiện VN, không thể chờ chín muồi mới cho mở trường">> Cấp phép, lập đại học còn tùy tiện>> Đại học dân lập Hồng Bàng: Ồ ạt tuyển sinh, bỏ lơ đào tạo >> Hiệu trưởng Trường ĐHDL Hồng Bàng: “Tôi xin nhận hết sai sót” >> Sẽ đề nghị thanh tra toàn diện ĐH Hồng Bàng

TRẦN HUỲNH PHỦ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên