10/08/2017 14:38 GMT+7

Từ Lâm Chí Khanh đến Lâm Khánh Chi: Giấc mơ 'công chúa'

LÂM KHÁNH CHI
LÂM KHÁNH CHI

TTO - “Nếu sống mà không được là chính mình thì đó chỉ là sống sót. Tôi không muốn sống sót suốt phần đời còn lại. Tôi muốn sống hạnh phúc!”.

Từ thuở bé tôi đã hay mơ thấy mình là nàng công chúa xinh đẹp, vui vẻ nô đùa cùng các cô gái khác. Chính giấc mơ ấy đã không ngừng thôi thúc tôi sống thật với giới tính của mình
Lâm Khánh Chi
“Nàng công chúa" trong giấc mơ thuở nhỏ

Đó là thông điệp chính của tự truyện Lột xác (SaigonBooks - NXB Văn Hóa Văn Nghệ) mà ca sĩ Lâm Khánh Chi muốn gửi đến những người yêu quý chị sau hành trình biến đổi từ trai sang gái với rất nhiều đau đớn...

Dường như “máu con gái” đã có trong tôi từ rất sớm. Ngay từ bé, tôi đã rất khác với các anh em khác trong nhà.

Mẹ kể ngay từ khi chập chững tập đi, tôi đã thích chơi búp bê chứ không thèm ngó ngàng ôtô hay siêu nhân như những bé trai khác.

Đứa con trai mang tâm hồn con gái

Cũng từ bé, tôi đã hay nằm mơ thấy mình là một nàng công chúa xinh đẹp với làn da trắng sứ, môi hồng đào, eo thắt đáy lưng ong, tóc mây bồng bềnh.

Nàng đội chiếc vương miện có đính kim cương, mặc chiếc áo đầm xòe thật rộng, vui vẻ nô đùa cùng các cô gái xinh đẹp khác trên bãi cỏ xanh mượt.

Tôi không biết những người khác như thế nào, còn tôi, tôi thấy giấc mơ ấy không hề kỳ lạ dù tôi là một bé trai khôi ngô. Như bao bé trai khác, tôi được ba mẹ gửi gắm bao kỳ vọng sau này sẽ làm được những việc vĩ đại.

Nhưng khi thấy tôi vóc dáng mảnh mai, tính tình dịu dàng, thích lân la đến chỗ các bạn gái chơi hoặc say mê những trò chơi, những món đồ của con gái, ba mẹ không hề đau lòng hay ra sức cấm đoán, uốn nắn tôi.

Ba mẹ đã yêu thương tôi bằng trái tim vô cùng bao dung. Mẹ tôi hay nói: “Miễn là con thấy thoải mái và không ảnh hưởng đến ai là được rồi!”.

Giấc mơ công chúa chiếm hữu toàn bộ tâm hồn tôi từ thuở ấu thơ. Chỉ có tôi và mẹ biết điều này. Chính giấc mơ ấy đã không ngừng thôi thúc tôi sống thật với giới tính của mình.  

Dù vậy, đối với thế giới bên ngoài, tôi cố gắng kiềm chế và luôn tự nhắc mình rằng “mình-là-một-cậu-con-trai”.

Tôi không biết những người khác có từng giằng xé, mâu thuẫn với bản thân khi nhận ra những khác biệt trong con người mình rồi tìm cách chống đối hoặc tránh né hay không.

Còn tôi, tôi chọn cách kiềm chế để nó không trở nên khó coi, dị hợm trong mắt người khác, dù bên trong tôi luôn tin mọi thứ trên đời này một khi đã tồn tại thì sẽ được chấp nhận.

Tôi nghĩ, bất cứ điều gì xảy ra đều theo một quy luật nào đó, là kết quả từ một nguyên nhân nào đó, cho nên ngay từ bé tôi đã thấy mình chẳng có gì bất thường khi mang tâm hồn con gái.

Bìa sách Lột xác với ảnh của ca sĩ Lâm Khánh Chi
Bìa sách Lột xác với ảnh của ca sĩ Lâm Khánh Chi

Gia đình

Nhà tôi ở quận 4, TP.HCM. Tôi chào đời vào ngày 16-7-1977. Ba mẹ tôi có tất cả bốn đứa con trai (người đời hay gọi là “tứ quý”): Anh hai của tôi là Huỳnh Anh Tuấn, tôi (Huỳnh Phương Khanh), Huỳnh Anh Quốc và út Huỳnh Phúc Hưng.

Trong khi tên các anh em khác trong nhà rõ chất “nam tính” thì tên của tôi có màu nữ tính. Ba tôi kể rằng, sau khi sinh con trai đầu lòng, ba ước đứa con thứ hai là con gái để nhà có đủ “nếp - tẻ” và cũng để mẹ tôi không phải sinh nở thêm nữa.

Ba mẹ tôi làm công cho người ta, tiền kiếm được không đủ nuôi bốn đứa con nên tạm gửi vài đứa con đến nhà bà con thân thích và người thân quen có gia cảnh khá.

Chỉ có anh Tuấn được ở chung với ba mẹ từ nhỏ, còn tôi và hai đứa em đều có thời gian được “di tản”: em Huỳnh Anh Quốc được gửi cho một người phụ nữ quen ở cùng hẻm với nhà tôi (chúng tôi gọi người này là “má Sáu”), em út Huỳnh Phúc Hưng đến ở với bà ngoại; tôi ở với cô Hai Diễm Kiều (tức chị ruột của ba tôi, diễn viên đoàn kịch Kim Cương) năm tôi 5-6 tuổi; sau đó tôi chuyển sang ở với cô Bảy, em kế của ba tôi.

Ba tôi theo ông nội tôi buôn bán đồ cổ. Mẹ tôi làm tạp vụ tại Bệnh viện Chợ Quán. Mẹ lo chắt bóp dành dụm tiền nong để trang trải cuộc sống của cả gia đình, nhất định không đụng đến số tiền ba tôi kiếm được vì đây là vốn để sau này ba mở tiệm đồ cổ.

Giới tính “cong”

Tôi học cấp I và cấp II ở Trường Nguyễn Huệ (quận 4, TP.HCM). Trường cách nhà chỉ chừng một cây số nên tôi hay đi bộ đến trường. Mỗi ngày, mẹ cho tôi 2.000 đồng để tiêu vặt, gồm mua một gói xôi, một chai nước và mua dụng cụ học tập nếu hôm ấy quên mang theo.

Tôi không rõ thường thì người ta bắt đầu thật sự hiểu về giới tính và thân phận từ lúc nào.

Với tôi, nhận biết giới tính là việc rất nhẹ nhàng, thậm chí nó đến lúc nào tôi cũng không biết. Phải đợi người khác nhắc cho, chỉ rõ, tôi mới hiểu về nó, về bản thân tôi, về một thằng con trai “cong”.

Năm 12 tuổi, khi đang học lớp 6, tôi quen một người bán xôi trước cổng trường tên là Cu Đen, hơn tôi gần 10 tuổi.

Cu Đen không hài lòng với cái tên rặt con trai ấy nên tự ý lựa một cái tên mỹ miều cho mình là Như Ý. Một lần tôi ra cổng trường mua xôi, Như Ý kéo áo tôi, nói giọng õng ẹo:

- Nè, nhìn là biết rồi nha...

Tôi hỏi:

- Biết cái gì?

Như Ý cười tinh quái:

- Mén mòng!

Tôi hỏi:

- Mén mòng là cái gì bà?

- Mén mòng như tao nè. Mày theo tao đi chơi đi, làm chị em với tao!

- Bà nghĩ sao vậy? Bà là pê đê, làm sao tui giống bà được?

Lần đầu tiên trong đời tôi tự hỏi: “Tại sao Như Ý bảo mình là pê đê? Lẽ nào vẻ ngoài của mình thể hiện rõ mình giống pê đê sao? Mình có phải là... pê đê như Như Ý nói không? Sao mình chỉ thích chơi những trò của tụi con gái? Sao mình cứ nằm mơ thấy mình là công chúa mà không phải là hoàng tử cưỡi bạch mã? Mình có... bình thường không?”.

Để giải tỏa nỗi hoang mang trong lòng, tôi đi tìm mẹ, nghiêm túc hỏi:

- Mẹ ơi, Khanh là con trai đúng không?

Mẹ nhìn tôi thoáng ngạc nhiên rồi bảo:

- Dĩ nhiên rồi, Khanh là con trai. Nhưng tại sao con hỏi vậy?

Tôi tủi thân méc:

- Bà Cu Đen nói con là... mén mòng.

Mẹ hỏi:

- Khanh có tin lời Cu Đen không?

- Dạ không!

- Vậy ổn rồi. Không sao đâu con!

“Không sao đâu con!”, tôi tin lời mẹ và không nghĩ nhiều đến từ “mén mòng” mà chị Cu Đen gọi mình nữa.

Từ bé, tôi đã có tính tình đằm thắm, dịu dàng
Từ bé, tôi đã có tính tình đằm thắm, dịu dàng

Tôi thừa hưởng nét đẹp của bà nội, một giai nhân Trường Trưng Vương ngày trước. Trong số các cháu của mình, bà nội thương tôi nhất.

Khoảng 7 tuổi, tôi đã hình thành tính tình dịu dàng, ăn nói nhỏ nhẹ, hay quan tâm, chăm sóc mọi người trong gia đình, sẵn sàng làm nhiều việc để mọi người vui.

***********

Kỳ tới: Vào nghề

* Tít và tít phụ do Tuổi Trẻ đặt.

LÂM KHÁNH CHI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên