29/07/2017 12:45 GMT+7

Ân tình những 'ngôi nhà cấp ủy'

TRẦN MAI
TRẦN MAI

TTO - Hơn một tháng qua được sống trong căn nhà mới, bà Nguyễn Thị Minh Tâm vui lắm. Đồng đội cũ, hàng xóm ghé thăm và chúc mừng.

Bà Vũ Thị Tuyết Mai (74 tuổi) vui mừng khi có được ngôi nhà để tránh mưa tránh bão - Ảnh: Tr.MAI
Bà Vũ Thị Tuyết Mai (74 tuổi) vui mừng khi có được ngôi nhà để tránh mưa tránh bão - Ảnh: Tr.MAI

Chỉ mới hơn tháng trước bà Tâm còn phải ở trong căn nhà rách nát, có hôm đang ngủ trời mưa ướt hết.

Bà Minh Tâm, trước đó là giao liên đường Trường Sơn, nay đã 60 tuổi. Chồng bà cũng là một người lính trên cung đường này, đã qua đời cách đây 14 năm.

Sáu người con, một mình bà tần tảo nuôi lớn, cho ăn học, dựng vợ gả chồng. Làm vì con, sống vì con nên bà nghèo rớt.

Mới đây Huyện ủy Bình Sơn (Quảng Ngãi) phát động chương trình “Ngôi nhà cấp ủy”, vận động cán bộ, đảng viên của ít lòng nhiều, chung tay xây dựng căn nhà cho những người có công với cách mạng, thương binh, người đi kháng chiến có căn nhà đàng hoàng. Nhà của bà Tâm được xây nên từ chương trình đó.

Chiến tranh cả vợ cả chồng không sợ chết. Nhưng cuối đời không có chỗ thờ tự cho chồng, không lẽ để ổng lạnh lẽo miết sao!

Bà VŨ THỊ HẢO (thương binh 2/4)

Nguồn cơn “Ngôi nhà cấp ủy”

Chuyện là mới đây người ta nghe được câu chuyện chan chứa ân tình ở thôn Vạn Tường: một thương binh là ông Nguyễn Văn Xuyến được những đồng đội cũ sinh hoạt trong chi bộ góp cho số tiền 210.000 đồng để mua gạo, dầu ăn nuôi cháu. Ông Xuyến cảm ơn, mừng quá, nói: “Tháng này đỡ lo gạo rồi!”.

Ông Xuyến hồi xưa có tham gia kháng chiến. Về già ông sống khó khăn, đồng lương thương binh ít ỏi lại phải nuôi hai cháu nhỏ do ba má tụi nhỏ ly dị. Vì vậy ông thường được các đồng đội cũ giúp đỡ.

Chứng kiến sự giúp đỡ đó, bà Hà Thị Anh Thư - bí thư Huyện ủy Bình Sơn, nghĩ tại sao một chi bộ thôn lại làm được một chuyện ân tình như vậy? Cả xã, cả huyện thì sao?...

Sau chuyến đi ấy, huyện tổ chức cuộc họp xem có thể làm gì đó như cách mà chi bộ thôn Vạn Tường giúp đỡ nhau.

Mọi người thấy thống nhất nên làm nhà cho đảng viên, thương binh, những người có công với cách mạng vì phần lớn ai trong số này cũng khó khăn, lại đang về già, nhà cửa xập xệ.

“Sống cái nhà, già cái mồ”, có cái nhà mới là hay nhứt. Thế là chương trình “Ngôi nhà cấp ủy” ra đời. 25 xã trên toàn huyện Bình Sơn tham gia chương trình.

Ông Nguyễn Minh - nguyên bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi, hiện đang sinh sống tại xã Bình Hiệp - cho hay khi biết có chương trình này, không chỉ cán bộ, đảng viên mà rất nhiều người dân cũng tham gia. Của ít lòng nhiều, cả xã góp được hơn 70 triệu đồng.

Ông nói với một xã còn khó khăn như Bình Hiệp mà quyên góp được 70 triệu đồng để xây ngôi nhà cho một người tham gia kháng chiến thật là đáng quý.

Niềm vui trong nhà mới

Không chỉ bà Minh Tâm ở xã Bình Hòa vui mà nhiều xã cũng có niềm vui. Toàn huyện Bình Sơn có 25 xã, sau hơn bốn tháng phát động đã xây được 50 ngôi nhà, mỗi xã 2 “ngôi nhà cấp ủy”.

Ở xã Bình Thới, bà Vũ Thị Tuyết Mai (74 tuổi) mấy ngày nay cũng đi ra đi vào coi những người thợ hồ đang xây.

Bà nói: “Tuổi già rồi. Năm nay đỡ lo bão rồi. Mấy năm trước, mùa mưa là phập phồng, lụt cũng sợ mà bão còn sợ hơn”. Bà Tuyết Mai là gia đình có công với cách mạng, đời sống khó khăn.

Bà Vũ Thị Hảo (ở xã Bình Minh), nay đã 86 tuổi, trở về sau chiến cuộc với những ngày bị tù đày, thương binh 2/4, bị nhiễm chất độc da cam.

Sáu năm qua, bà Hảo bị tai biến nằm một chỗ. Chồng bà cũng hi sinh trong chiến cuộc, giờ bà sống trong sự cưu mang của em trai.

Nguyện ước lớn nhất của bà mỗi lần cán bộ xã, huyện, tỉnh tới thăm là có một căn nhà làm nơi thờ phụng chồng và chính bà sau này. Giờ mong ước đã thành sự thật.

Giọng đứt quãng tiếng được tiếng mất, bà cứ hỏi thăm nhà xong chưa. Có lẽ ở cái tuổi tri thiên mệnh lại mang trong mình bệnh tật, cuối đời bà chỉ có ước mong đơn sơ như vậy. Bà Hảo nói: “Bữa nghe mấy đứa xuống nói cho nhà, trông hoài.

Chừng nào xong nói thằng Đồng (em ruột bà) đưa qua nằm một bữa rồi chết cũng được! Chiến tranh cả vợ cả chồng không sợ chết. Nhưng cuối đời không có chỗ thờ tự cho chồng, không lẽ để ổng lạnh lẽo miết sao!”.

Đến nay, Huyện ủy Bình Sơn đã tiếp nhận được số tiền 3,7 tỉ đồng sau bốn tháng phát động, đã làm được 50 căn nhà nghĩa tình.

Khó mà nói hết được niềm vui của những người đi gần hết đời người trong gian khó với cửa nhà xập xệ, nay có được căn nhà mới khang trang. Mà xúc động hơn nữa khi đó là mái nhà nghĩa tình đồng đội, xóm làng.

Niềm vui của bà Minh Tâm, cô giao liên ngày xưa ở Trường Sơn, bên căn nhà mới - Ảnh: T.M.
Niềm vui của bà Minh Tâm, cô giao liên ngày xưa ở Trường Sơn, bên căn nhà mới - Ảnh: T.M.

Mong lan tỏa “Ngôi nhà cấp ủy”

Bà Hà Thị Anh Thư, bí thư Huyện ủy Bình Sơn, chia sẻ rằng thấy cô chú vui mừng khi có nhà mới, lãnh đạo huyện cũng rất vui vì đã kết nối được tập thể chung một tấm lòng cho một thế hệ hi sinh vì đất nước.

Bà nói: “Nhiều anh chị ở xa khi trao tiền nói: thấy huyện ủy làm việc ý nghĩa chúng tôi ủng hộ ngay, nhưng huyện ủy làm việc gì xấu thì chúng tôi phê bình liền đó. Nghe vậy mà mừng. Chúng tôi sẽ tiếp tục xây dựng nhiều “ngôi nhà cấp ủy” nữa trong thời gian tới”.

Tấm lòng những người xa xứ

Bình Sơn là cái nôi của cách mạng ở Quảng Ngãi, nổi tiếng với trận Vạn Tường, trận đầu đánh Mỹ của toàn miền Nam.

Ở đó còn có trận thảm sát Bình Hòa tang thương. Ở đó có nhiều người tham gia kháng chiến, nhiều hiển hách nhưng cũng nhiều bi thương.

Ông Đặng Thành Long - giám đốc Công ty 19-5 đóng trên huyện Bình Sơn - chia sẻ: “Bản thân tôi cũng là một người lính nên khi nghe huyện phát động, tôi đứng ra vận động anh em công ty tham gia, đóng góp gần 100 triệu đồng. Đó là tấm lòng của tập thể công ty tri ân công lao của lớp người đi trước”.

Ông Lê Hoàng Vinh, giám đốc một doanh nghiệp ở TP.HCM, cũng là người con Bình Sơn xa xứ hơn 22 năm, khi nghe chương trình đã đóng góp 200 triệu đồng.

TRẦN MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên